Nhà khoa học nhận thức Justin Lane chia sẻ về tầm quan trọng của việc thực hành tâm linh theo góc nhìn tiến hóa.
Mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo đã âm ỉ từ lâu, ít nhất là từ năm 1543, khi Nicolaus Copernicus công bố nghiên cứu bước ngoặt cho thấy Trái Đất không phải trung tâm vũ trụ. Một số học giả còn cho rằng thuyết Tiến hóa của Charles Darwin là khởi đầu cho sự thay đổi tư duy, khi xã hội bắt đầu coi trọng khoa học hơn tôn giáo. Thậm chí đến năm 2015, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 60% người Mỹ vẫn tin rằng hai lĩnh vực thế giới tâm linh chủ quan và học thuật khách quan khó có thể hòa hợp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội học, thần kinh học, v..v, vẫn không ngừng nỗ lực sử dụng các phương pháp đo lường khoa học để khám phá giá trị và ý nghĩa của trải nghiệm tôn giáo. Theo Justin Lane, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Mô hình Hệ thống Xã hội, khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa tôn giáo/tâm linh và hạnh phúc của một người.
Điều này cũng được các nhà nghiên cứu về chất thức thần tại Đại học Johns Hopkins, Đại học New York và các viện uy tín khác tìm thấy. Trong các thử nghiệm lâm sàng, họ sử dụng “Bảng câu hỏi về Trải nghiệm Thần bí” để đo lường cường độ của những trải nghiệm này khi sử dụng chất thức thần. Kết quả cho thấy, có mối liên hệ giữa mức độ mạnh mẽ mà một người cảm nhận được sự “hợp nhất” và “vượt qua không gian thời gian” trong khi dùng chất thức thần với mức độ chữa lành mà họ nhận được, bất kể là trầm cảm, nghiện ngập hay các vấn đề khác.
Là một học giả tôn giáo và nhà khoa học nhận thức được đào tạo tại Oxford, Lane không bất ngờ trước những phát hiện này. Ông cho rằng bất kể nguyên nhân dẫn đến trải nghiệm thần bí, nó thường mang lại sự chữa lành và định hình sâu sắc phần đời còn lại của một người.
Tuy nhiên, Lane cũng lưu ý rằng chúng ta đôi khi quá chú trọng vào những khoảnh khắc thức tỉnh hay khai sáng. Đúng là trải nghiệm thần bí có tác dụng trị liệu, nhưng nhiều khía cạnh khác của tâm linh cũng vậy, từ cộng đồng đến các nghi lễ thường ngày. Theo Lane, đó chính là lý do cốt lõi để hiểu tại sao các tôn giáo trên thế giới, bất kể hình thức nào, đều phục vụ một mục đích chung: chữa lành cho chúng ta.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn được thực hiện giữa Double Blind và Justin Lane.
Để bắt đầu, ông có thể chia sẻ góc nhìn về những trải nghiệm thần bí mà mọi người có được khi sử dụng chất thức thần và được cho là có tác dụng trị liệu? Ông đánh giá thế nào về chúng?
Theo tôi, có nhiều bằng chứng không chỉ từ tâm lý học mà còn cả nhân học, cho thấy mối liên hệ giữa trải nghiệm thần bí, sức khỏe và hạnh phúc. Các phương pháp đo lường tại Đại học Johns Hopkins đang dùng đã được kiểm tra và chứng minh tính chính xác. Tuy nhiên, có vẻ như họ chỉ đang tập trung vào một khía cạnh của mối quan hệ giữa tôn giáo và sức khỏe, hạnh phúc. Mối quan hệ này rộng hơn nhiều so với việc trải nghiệm thần bí được tạo ra bởi những yếu tố như nhịn ăn hoặc thiền định sâu. Mối liên hệ giữa các khía cạnh phi tâm linh của tôn giáo, chẳng hạn như nghi lễ hoặc cầu nguyện, với hạnh phúc cũng rất đáng chú ý.
Vậy, các yếu tố khác của thực hành tâm linh ảnh hưởng đến hạnh phúc như thế nào?
Những hành vi nghi lễ, chẳng hạn như ca hát hay cử động đồng bộ như một tập thể, có thể tăng cường tinh thần hướng thiện và lòng hảo tâm. Trong khi đó, trải nghiệm thần bí không luôn đi kèm với những điều này vì chúng thường mang tính cá nhân nhiều hơn.
Theo ông, tại sao lại có quá nhiều sự chú trọng vào việc mạc khải hay có một trải nghiệm thiêng liêng nào đó?
Trong nghiên cứu của tôi, nhóm đã khảo sát khoảng 2.000 người ở bốn quốc gia: Anh, Mỹ, Singapore và Ấn Độ. Chúng tôi hỏi họ về tần suất cầu nguyện, đi lễ nhà thờ, mức độ xác định bản thân với tôn giáo, và liệu họ có từng có trải nghiệm thần bí mãnh liệt hay không. Kết quả cho thấy những trải nghiệm này tương đối hiếm. Nhưng khi bạn có chúng, chúng có thể định hình cho cả cuộc đời. Những trải nghiệm thần bí tôi nghiên cứu hầu như không liên quan đến thuốc hướng thần. Tuy nhiên, những câu chuyện về tác động lâu dài của chúng không quá khác biệt so với những câu chuyện từ những người tham gia Thí nghiệm Thứ Sáu Tuần Thánh. Năm 1962, những người tham gia đã dùng nấm thức thần vào Thứ Sáu Tuần Thánh và tham dự lễ nhà thờ. Nhiều người trong số họ cũng kể rằng trải nghiệm đó đã định hình cuộc sống của họ.
Nếu không phải chất thức thần, thì nguyên nhân chính dẫn đến những trải nghiệm thần bí ở những người ông phỏng vấn là gì?
Thông thường đó là các mối quan hệ xã hội. Một số người nói rằng đó là “trải nghiệm sâu sắc về cái chết của người thân yêu, sự ra đời của con cái hoặc đám cưới.” Đó là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một người, nhưng nhiều lần chúng diễn ra trong bối cảnh xã hội với những người bạn thân thiết. Khi đó, họ cảm thấy choáng ngợp bởi tình yêu thương hoặc sự hòa quyện với những người xung quanh. Điều này cũng tương tự như trải nghiệm của những người cải đạo sang Ki tô giáo, thường xảy ra trong các buổi tĩnh tâm của nhà thờ. Rất hiếm khi nó xảy ra một mình, và thông thường bạn sẽ ở bên cạnh bạn bè.
Điều đó thật thú vị, vì tôi nghĩ nhiều người thường cho rằng trải nghiệm thần bí tự nhiên đến từ những yếu tố như nhịn ăn hoặc thiền định khắc nghiệt.
Quan niệm đó khá phổ biến. Khi hình dung về một nhà thần bí, chúng ta hay nghĩ đến hình ảnh ông già ẩn dật trên núi cao hoặc thiền sư Ấn Độ giáo. Mặc dù điều đó hoàn toàn hợp lý, lịch sử cũng ghi nhận những trường hợp như vậy, nhưng thực tế, phần lớn trải nghiệm thần bí không diễn ra một mình mà là cùng với người khác.
Theo ông, điều đó nói lên điều gì về bản chất con người?
Chúng ta là loài linh trưởng sống theo bầy đàn. Bỏ qua những chiếc điện thoại thông minh và các tòa nhà chọc trời, thì việc sống theo nhóm từ xa xưa đã mang lại cho chúng ta tài nguyên, thức ăn, an ninh và nơi trú ẩn. Điều này đã duy trì qua hàng nghìn năm. Tính xã hội là một phần cốt lõi của loài người. Vậy nên, việc kết nối với những điều siêu việt hay thần thánh cũng là một trải nghiệm xã hội có vẻ hợp lý hơn là tách biệt.
Tôi nghĩ điều này cũng phản ánh bối cảnh xã hội và văn hóa của chúng ta. Ví dụ như Singapore, một xã hội siêu trọng vật chất và bảo thủ về cả đạo đức lẫn xã hội trên nhiều phương diện. Sử dụng bất kỳ chất thức thần nào ở đây đều bất hợp pháp, thậm chí có thể bị án tử hình. Bạn sẽ không bao giờ thấy một lễ hội Burning Man (Lễ hội Đốt Người) ở Singapore. Nhưng mọi người vẫn có những trải nghiệm thần bí trong nhà thờ, tham gia các nghi lễ “nói tiếng lạ” để giải phóng bản thân. Họ cảm thấy sự hòa hợp sâu sắc, trong khi cả tuần họ phải làm việc tám đến mười hai tiếng. Điều này lý giải tại sao những nhà thờ này lại thu hút đến vậy ở Singapore. Khi nhìn vào nước Mỹ, đặc biệt là khu vực miền Nam bảo thủ, nhà thờ vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc và trải nghiệm của con người. Nhà thờ là cách để tìm kiếm sự cân bằng. Tôi không nghĩ những sự kiện như Burning Man quá khác biệt so với nhà thờ. Cả hai đều là nơi mọi người được là chính mình, khác biệt với con người của họ trong các công việc thường ngày.
Ông sẽ nói gì với một người cô đơn, trầm cảm nhưng lại không tin vào tôn giáo?
Gần đây, tôi có cuộc trò chuyện với một tổ chức vô thần. Họ hỏi tôi làm thế nào để tạo ra một nhóm vô thần gắn kết lâu dài. Tôi nói với họ rằng một cách để thực hiện điều đó là cùng nhau sử dụng thuốc được kiểm soát hợp pháp để có những trải nghiệm quý giá cùng nhau trong một môi trường an toàn.
Như chất thức thần?
Đúng vậy.
Tại sao ông lại đề xuất vậy?
Những trải nghiệm tâm lý sâu sắc sẽ in dấu trong bạn suốt đời. Chúng kích hoạt một kiểu ký ức đặc biệt, nơi bạn không nhớ chính xác những gì đã nói trong lúc đó, nhưng bạn nhớ mình đã ở bên ai, vì vậy bạn sẽ nhớ điều đó đến hết đời.
Ông nghĩ chất thức thần đóng vai trò gì trong thực hành tôn giáo trong tương lai?
Tôi cho rằng chất thức thần là nền tảng của thực hành tôn giáo và tâm linh từ rất lâu đời, kể từ khi chúng ta có những thứ đáng để ghi chép lại. Thậm chí có nhiều người tin rằng một số sách trong Kinh thánh được viết ra nhờ tác động của chúng, và có một số đoạn văn khiến tôi nghĩ “ừ thì, có lẽ là vậy.”
Chất thức thần mang đến cho chúng ta một cơ chế thế tục mới để gắn kết và có những trải nghiệm phi thường. Vì vậy, tôi cá cược rằng chúng sẽ đóng vai trò then chốt trong các thực hành tôn giáo và phi tôn giáo trong tương lai.
Còn những người sẽ không bao giờ dùng đến chúng thì sao?
Chắc chắn sẽ là một sự thay đổi chậm chạp, bởi vì việc sử dụng chất thức thần đã bị coi là điều cấm kỵ và không phù hợp trong hầu hết các nền văn hóa phương Tây. Trong khi đó, các xã hội có truyền thống sử dụng chúng thì luôn có những nghi thức và bối cảnh cụ thể. Ở xã hội hiện đại, việc sử dụng chất thức thần diễn ra ngầm, đôi khi có nghi thức, nhưng lại tách biệt hoàn toàn với các nghi lễ tôn giáo truyền thống.
Tuy nhiên, cùng lúc với sự quan tâm đến chất thức thần được hồi sinh, các nghiên cứu y tế nghiêm túc đang sử dụng chúng trong các trường hợp phi tôn giáo để điều trị những vấn đề như hội chứng căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Khi hai sự thay đổi văn hóa khác nhau này diễn ra song song, chúng sẽ dần củng cố lẫn nhau và tôi nghĩ nó sẽ giống với sự thay đổi văn hóa đã xảy ra với việc sử dụng cần sa. Bạn đã có thể thấy điều đó đang diễn ra ở một số nơi, nơi họ đang cố gắng thay đổi luật về chất thức thần. Mặc dù vậy, sẽ có một số xã hội nơi điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, chẳng hạn như ở Singapore.
Rõ ràng là đã có những động thái cải cách chất thức thần ở một số vùng trên thế giới: Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan. Nhưng theo ông, có bao nhiêu quốc gia sẽ giống như Singapore, không bao giờ chấp nhận cải cách?
Cách tốt nhất để dự đoán ai sẽ thực hiện thay đổi này là nhìn vào “dòng tiền”. Khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, họ cũng trở nên cởi mở hơn. Bạn cũng có thể thấy điều này ở Hoa Kỳ. Các bang nghèo hơn thường không phải là những bang tiên phong trong việc giảm hình phạt hay hợp pháp hóa chất thức thần. Vermont, New York, Massachusetts – tất cả đều là những bang giàu có và đi đầu trong việc hợp pháp hóa cần sa. Chúng cũng có vẻ là những bang cởi mở hơn với việc giảm hình phạt hoặc hợp pháp hóa chất thức thần.
1cm2 tổng hợp