Những điều bạn cần biết về nấm thức thần Blue Magic Gym (Gymnopilus aeruginosus)

Nó có thể màu vàng, cũng có thể xanh – nhưng điều đó không quan trọng. Loại nấm này sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm kỳ diệu.

Nấm Blue Magic Gym (Gymnopilus aeruginosus, trước đây là Pholiota aeruginosa) là một trong những loại nấm thức thần ít được biết đến. Gymnopilus là tên khoa học của một chi nấm, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại được ghép từ “gymnós” (trần trụi) và “pîlos” (mũ). Chi này gồm khoảng 200 loài, nhưng chỉ có khoảng 14 loài được biết là chứa psilocybin – chất tạo ra ảo giác, và nấm Blue Magic Gym (aeruginosus) là một trong số đó.

Nhà khoa học Rolf Singer là người đầu tiên mô tả loài nấm này trong tài liệu khoa họ vào năm 1951. Singer được cho là đã đặt cho loài nấm này biệt danh “aeruginosus” do phản ứng chuyển sang màu xanh khi bị bầm hoặc chà xát, đặc trưng của các loài chứa psilocybin. Chính đặc điểm này đã tạo cảm hứng cho tên tiếng Anh phổ biến của nó là nấm Blue Magic Gym. Loài nấm này cũng mọc ở Nhật Bản, chúng còn có tên gọi khác là “midori-sugitake”, nghĩa là “nấm Tuyết Tùng xanh”. Cái tên này phản ánh môi trường sống ưa thích của chúng là những cánh rừng lá kim.

Tác dụng của nấm Blue Magic Gym (Gymnopilus aeruginosus)

Nấm Gymnopilus aeruginosus – Nguồn: Drew Henderson qua Mushroom Observer

Nếu bạn may mắn tìm thấy nấm Blue Magic Gym (và hoàn toàn chắc chắn mình không hái nhầm với các loài độc na ná), trải nghiệm của bạn có thể tương tự như với các loại nấm chứa psilocybin khác. Tuy nhiên, một số người đã thử cho rằng Magic Blue Gym mang lại cảm giác “phê” khác biệt so với các loại nấm thức thần phổ biến khác như Psilocybe cubensis. Điều này có thể do nhiều yếu tố như tâm trạng và môi trường xung quanh khi sử dụng, hoặc do sự kết hợp của các hợp chất hoạt động khác có trong bất kỳ loại nấm ảo giác nào, không chỉ riêng nấm G. aeruginosus.

Nấm Blue Magic Gym có gây ảo giác không?

Một nghiên cứu hiếm hoi về G. aeruginosus được thực hiện vào năm 1978 cho thấy sự hiện diện của psilocybin trong các mẫu nấm này ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, do phương pháp phân tích hạn chế, các nhà nghiên cứu không thể đo được hàm lượng chính xác.

Ngược lại, một nghiên cứu về nấm thức thần được tiến hành tại Nhật Bản vào năm 1981, có bao gồm mẫu G. aeruginosus của Nhật, lại không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của psilocybin. Nhưng đây có thể là trường hợp xác định sai do các loài Gymnopilus vốn dễ gây nhầm lẫn. Gần đây, vào năm 2020, một nghiên cứu di truyền đã mô tả một loài nấm thức thần mới thuộc chi Gymnopilus – Gymnopilus orientispectabilis. Nghiên cứu này dựa trên ảnh lưu trữ để gợi ý về ít nhất hai loài khác có thể vẫn chưa được khám phá thuộc chi này ở Nhật Bản. (Các nhà khoa học ước tính rằng chúng ta chỉ biết một phần nhỏ các loài nấm tồn tại trên Trái Đất.)

Nấm Gymnopilus Orientispectabilis – Nguồn: Mushroom Observer

Cuốn sách “Agaricales in Modern Taxonomy” xuất bản năm 1975 của nhà khoa học Rolf Singer, đã đề cập đến G. aeruginosus như một loài “có chứa một loại hoạt chất được cho là gây ra ảo giác, và bề mặt nấm chuyển sang màu xanh hoặc xanh lục giống như các loài gây ảo giác”. Tuy nhiên, vì cuốn sách ra đời trước hầu hết các nghiên cứu về loài nấm này, nên không rõ liệu tác giả đang nói từ trải nghiệm cá nhân hay chỉ đơn thuần báo cáo lại những gì người khác kể.

Độ mạnh của nấm Blue Magic Gym

Hầu hết các nghiên cứu về psilocybin tự nhiên trong lịch sử đều tập trung vào các loài nấm thuộc chi Psilocybe (và đôi khi là Panaeolus). Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chưa có nghiên cứu nào định lượng chính xác psilocybin hoặc các hoạt chất phổ biến khác trong G. aeruginosus. Các nghiên cứu về các loài Gymnopilus khác cho thấy hàm lượng psilocybin dao động từ 0,0031-0,0131% đối với G. dilepis, 0,12% đối với G. validipes, 0,012-0,029% đối với G. liquiritiae, và mạnh nhất là G. purpuratus với 0,34%. Dựa trên các báo cáo không chính thức, G. aeruginosus có thể nằm trong phạm vi độ mạnh của các nghiên cứu trước đó. Nói cách khác, loài nấm này có thể chỉ bằng khoảng một nửa độ mạnh của một cây nấm Psilocybe cubensis thông thường.

Nấm Psilocybe Cubensis – Nguồn: Scott Ostuni qua Mushroom Observer

Cách nhận biết nấm Blue Magic Gym

Ngay cả các nhà nghiên cứu nấm dày dạn kinh nghiệm đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt các loài Gymnopilus khác nhau vì chúng có nhiều đặc điểm chung. Một số người sử dụng kính hiển vi hoặc mẫu ADN để hỗ trợ nhận dạng, nhưng những phương pháp này không phải lúc nào cũng khả dụng cho người mới bắt đầu.

Đặc điểm chính của nấm Blue Magic Gym

Màu sắc: Nấm Blue Magic Gym (Gymnopilus aeruginosus) thường có màu nâu vàng nhạt hay nâu cam, nhưng có thể thay đổi khá nhiều. Mũ nấm non có thể có những mảng màu xanh xám pha chút xanh lục. Tuy nhiên, một số tài liệu cũng đề cập đến các màu sắc khác của loài nấm này, từ hồng nhạt như màu cá hồi đến đỏ rượu vang.

Mũ nấm: Mũ của nấm Blue Magic Gym có thể rộng tới 15cm nhưng thông thường nhỏ hơn nhiều. Bề mặt mũ phủ đầy vảy sợi màu cam hoặc nâu đỏ. Mép mũ thường cong tròn, có thể có những tàn tích bong ra của màng che parțial – lớp màng che phủ mang bào tử khi nấm còn non. Mép mũ cong vào ở nấm non và mở ra phẳng hơn khi trưởng thành.

Mang bào tử: Mang bào tử của nấm Blue Magic Gym mỏng, màu vàng cam khi non và chuyển sang nâu cam khi già. Chúng gắn chặt vào cuống nấm và xếp dày dưới mũ.

Cuống nấm: Nấm này có thể cao tới 12cm nhưng thông thường chỉ cao khoảng 5cm. Cuống nấm (chân) đỡ lấy mũ, dày khoảng 1,25cm và thường có chiều rộng bằng nhau (hoặc đôi khi thon dần về phía mũ). Cuống có màu tương tự mũ và cũng có thể phủ vảy sợi tương tự, nhưng đôi khi không có. Cuống nấm trông xơ và đôi khi có màng che parțial phủ bào tử.

Vị: Blue Magic Gym có vị đắng giống như một số loài nấm khác thuộc chi Gymnopilus.

Bào tử: Bào tử Blue Magic Gym có màu cam gỉ sắt như tất cả các loài Gymnopilus khác.

Môi trường sống: Nấm Blue Magic Gym được tìm thấy ở cả bờ biển phía đông và phía tây nước Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Chúng mọc thành từng cụm đơn lẻ (gregarious) hoặc thành cụm nhỏ (cespitose) trên gỗ cứng và gỗ lá kim. Bạn có thể tìm thấy những loại nấm này trên thân cây mục, gốc cây, hoặc trên các luống phủ dăm gỗ được chăm sóc kỹ lưỡng. Ở Mỹ, mùa sinh trưởng của nấm Blue Magic Gym thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11.

Gymnopilus Aeruginosus được tìm thấy ở Washington State, USA – Nguồn: Caleb Brown qua Mushroom Observer

Các loài nấm tương đồng với Blue Magic Gym 

Không chỉ khó phân biệt giữa các loài Gymnopilus với nhau, Blue Magic Gym còn rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều loại nấm khác. Một số trong số này có thể cực kỳ độc, vì vậy việc xác định chính xác những gì bạn tìm thấy là vô cùng quan trọng. Tốt nhất nên nhờ người có kinh nghiệm hơn để hỗ trợ. Quy tắc vàng: Nếu nghi ngờ về loại nấm mình tìm thấy, KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC ĂN!

Mũ đỏ chết người (Cortinarius rubellus): Kẻ đáng sợ nhất trong danh sách “ngụy trang” chính là Mũ đỏ chết người, đúng như tên gọi của nó. Loại nấm này có thể gây suy thận nặng và thậm chí dẫn đến tử vong. Đã từng có trường hợp tử vong do ăn nhầm Mũ đỏ chết người được ghi nhận vào năm 1996. Chúng thường mọc ở vùng đất rừng. Điểm nhận dạng của Mũ Đỏ Chết Người là phần chóp nhọn ở giữa mũ, nhưng đặc điểm này không hoàn toàn đáng tin vì mũ của chúng có thể phẳng ra theo tuổi, trông khá giống Blue Magic Gym

Chuông tang lễ (Galerina marginata): Một kẻ “ngụy trang” nguy hiểm khác là Chuông tang lễ. Loại nấm này có thể gây ra một loạt các triệu chứng, từ suy thận và suy gan đến xuất huyết nội, nôn mửa, tiêu chảy và tử vong. Dù thường nhỏ hơn nấm Blue Magic Gym chúng vẫn có thể bị nhầm với những cây nấm non. Mũ của Chuông tang lễ trơn nhẵn và đổi màu theo độ ẩm (ưa ẩm): nâu cam khi ướt và chuyển sang màu nâu nhạt hơn khi khô.

Nấm Jack-o-lantern (Omphalotus olarius): Ít nguy hiểm hơn nhưng cũng mọc trong môi trường tương tự là nấm Jack-o-lantern, nổi tiếng với khả năng phát sáng sinh học. Chúng nhìn giống nấm Chanterelles hơn, với mang bào tử chạy dọc theo chân. Tuy nhiên, những người ít kinh nghiệm vẫn có thể nhầm lẫn. Ăn nhầm nấm Jack-o-lantern có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.

Trồng nấm Blue Magic Gym 

Rất ít người trồng Blue Magic Gym vì công sức bỏ ra không tương xứng với hiệu quả, so với các loại nấm ưa gỗ mạnh hơn như Psilocybe ovoideocystidiata, Psilocybe cyanescens hay Psilocybe allenii.

Tuy nhiên, Blue Magic Gym vẫn có thể phát triển tốt trên thạch agar và ngũ cốc. Do đặc tính ưa thích tất cả các loại gỗ, chúng có thể được trồng trên các mùn vụn gỗ cứng và gỗ mềm. Trong tự nhiên, chúng thường mọc trên thân cây mục hoặc gốc cây, vì vậy phương pháp trồng khúc gỗ giống như cách trồng nấm Hương hay nấm Sư tử bờm xù có thể áp dụng cho loài này.

Là một loại nấm ít được trồng, việc tìm kiếm bào tử hoặc sợi nấm tại các cửa hàng cung cấp giống thông thường sẽ khá khó khăn. Do đó, bạn cần tự thu thập bào tử từ các mẫu nấm hoang dã và tạo ống tiêm hoặc nhân giống chúng trên agar nếu việc này hợp pháp ở khu vực bạn sinh sống. Mặc dù việc trồng nấm Blue Magic Gym có thể tốn thêm chút công sức, nhưng bằng cách sử dụng các loài nấm địa phương, bạn sẽ có một dự án trồng nấm thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ngay tại sân nhà mình.

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post