Cách sử dụng LSD cho người mới bắt đầu

Bạn đang cân nhắc sử dụng LSD nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

Đừng lo lắng, bài viết này sẽ cung cấp hướng dẫn toàn diện giúp bạn tìm hiểu cách thức sử dụng Acid (LSD) an toàn và hiệu quả, đồng thời chuẩn bị cho trải nghiệm của mình.

LSD là gì?

Lysergic acid diethylamide (thường được gọi là LSD hay acid)  là một chất thức thần thuộc họ ergoline. Nó được tổng hợp từ acid lysergic, có nguồn gốc từ một loại alkaloid tìm thấy trong ergot – một loại nấm ký sinh trên lúa mạch.

LSD là một trong những loại chất thức thần phổ biến nhất bên cạnh nấm psilocybin, và cũng là chất có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lĩnh vực văn hóa và học thuật. Nghiên cứu về chất thức thần có bước phát triển vượt bậc nhờ LSD, bắt đầu từ việc nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann tình cờ phát hiện ra nó vào năm 1938. Nhưng phải đến năm 1943, Hofmann mới khám phá ra đặc tính gây ảo giác của LSD khi ông tổng hợp lại phân tử này và vô tình hấp thụ một lượng nhỏ không xác định. Tự truyện của Hofmann ghi lại chi tiết về cảm giác bồn chồn, chóng mặt khiến ông rời nhà. Khi nằm xuống, ông bắt đầu “nhận thấy một dòng hình ảnh kỳ ảo không ngừng thay đổi, những hình dạng phi thường với hiệu ứng thị giác màu sắc rực rỡ”.

Nhiều người có thể bất ngờ khi biết rằng LSD từng được đăng ký nhãn hiệu vào đầu những năm 50 và 60 với tên gọi Delysid và được sử dụng hợp pháp trong tâm thần học. Giữa năm 1950 và 1965, hơn 40.000 người đã được điều trị bằng Delysid/LSD. Điều quan trọng là cần nhớ về lịch sử phong phú của LSD và tác động của nó đối với cả ngành tâm thần học và văn hóa nói chung, vì những thông tin này có thể bị lãng quên theo thời gian, đặc biệt đối với những người mới bước chân vào thế giới chất thức thần.

Loài nấm ergot ký sinh trên lúa mạch – Nguồn: Verywellhealth

Mặc dù LSD vẫn được sử dụng trong nghiên cứu về chất thức thần, nhưng nó không còn được chấp nhận rộng rãi trong xã hội hoặc có tác động văn hóa mạnh mẽ như trước đây. Hiện tại, trọng tâm nghiên cứu đã chuyển sang nấm psilocybin. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hưng của các chất thức thần hiện nay, việc tìm hiểu về LSD, cách sử dụng và những điều cần lưu ý vẫn là điều đáng giá. Một trải nghiệm với LSD có thể rất mạnh mẽ, do đó, việc tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chất này để tránh tác hại và tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm là điều hết sức cần thiết.

Hình dạng của LSD 

LSD là một chất lỏng không màu, không mùi và không vị. Thông thường, LSD được bán dưới dạng giấy thấm hình vuông nhỏ gọi là “blotter”, nhưng đôi khi cũng có thể được bán trong viên nang gelatin nhỏ, kẹo dẻo hoặc thậm chí trong thực phẩm như bánh quy hoặc đường viên. Một liều LSD được gọi là một “tab”.

Một tờ giấy thấm được in hình “Bicycle Day”. Nghệ thuật blotter thường rất đa dạng – Nguồn: Etsy

Cách sử dụng LSD 

Hình ảnh người phụ nữ với tab LSD trên lưỡi – Nguồn: Sector Prensa

Do LSD không có đặc tính nhận dạng rõ ràng nên thường bị pha trộn với các tạp chất độc hại. Chất hóa học phổ biến nhất được bán dưới vỏ bọc của LSD là 25I-NBOMe – một loại hóa chất nghiên cứu cực mạnh và nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn cần phải luôn kiểm tra LSD trước khi sử dụng. Các trang web như DanceSafe bán bộ kiểm tra với giá cả hợp lý cho phép sử dụng nhiều lần. Người sử dụng chất thức thần cần phải có trách nhiệm để đảm bảo sức khỏe bản thân.

Thực tế, việc kiểm tra LSD khá đơn giản. Bạn chỉ cần cắt một mẫu nhỏ từ tab và nhỏ thuốc thử lên đó. Nếu mẫu chuyển sang màu tím thì đó là LSD tinh chất. Ngược lại, nếu không đổi màu thì không được dùng. Nếu không có bộ kit kiểm tra, thì bạn có thể thử vị LSD. LSD không nên có vị gì khi đặt lên lưỡi. Nếu nó có vị đắng hoặc khiến lưỡi bạn tê, hãy nhổ nó ra ngay lập tức. Luôn tuân theo quy tắc, “nếu nó đắng, hãy nhổ nó ra.” Nếu LSD được bán dưới dạng kẹo chua hoặc kẹo dẻo, hãy đảm bảo nó đến từ nguồn uy tín vì mùi vị của kẹo có thể che lấp vị của các tạp chất khác. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên kiểm tra chất lượng LSD bằng dụng cụ chuyên dụng thay vì nếm thử.

Về liều lượng, liều LSD thấp có hàm lượng khoảng 15-50ug (microgam), liều lượng trung bình là 100-200ug và liều lượng cao là trên 250ug. Rất khó để xác định chính xác độ mạnh của một tab nên tốt nhất là tham khảo nguồn cung cấp uy tín để có ước tính chính xác.

Để dùng LSD, chỉ cần đặt tab lên lưỡi (hoặc dưới) và giữ trong vòng vài phút, sau đó, bạn có thể nuốt tab. Lưu ý quan trọng là không nên kết hợp LSD với các chất khác, đặc biệt là rượu, thuốc an thần hoặc thuốc kích thích vì chúng có thể làm giảm tác dụng của LSD và khiến bạn say ở trạng thái khác và không thể kiểm soát được bản thân. Mặc dù có thể kết hợp LSD với cần sa, nhưng cần lưu ý rằng nó có thể khiến bạn ảo giác nhiều hơn hoặc gây ra hoang tưởng, lo âu. Do đó, nếu mới bắt đầu sử dụng, tốt nhất là không nên kết hợp với cần sa.

Chuẩn bị trước khi sử dụng LSD có quan trọng không?

Sử dụng LSD an toàn và hiệu quả đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt tinh thần (set)môi trường (setting) – đây là hai yếu tố then chốt cho trải nghiệm với chất thức thần nói chung.

Về mặt tinh thần (set), người dùng cần đảm bảo mình đang trong trạng thái tâm lý tích cực, thoải mái. Tránh sử dụng LSD khi đang gặp phải các vấn đề căng thẳng, stress như mới trải qua mất mát người thân, đang trong giai đoạn khó khăn của mối quan hệ, áp lực công việc cao, hoặc cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn chán kéo dài. Nếu mục đích sử dụng LSD là để giải quyết những vấn đề này thì nên có sự hỗ trợ của người đồng hành (trip sitter) trong suốt chuyến trải nghiệm. Sự căng thẳng có thể khiến chuyến đi của bạn trở nên khó khăn và tiêu cực.

Về mặt môi trường (setting), nên lựa chọn một địa điểm quen thuộc, tạo cảm giác an toàn và thoải mái như nhà riêng hoặc một nơi yên tĩnh trong thiên nhiên. Nếu ở nhà, hãy dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng trước để tránh lộn xộn. Môi trường bừa bộn có thể gây ra cảm giác lo lắng hoặc khiến bạn mất tập trung trong suốt chuyến đi.

Bên cạnh đó, bạn có thể chuẩn bị sẵn một số vật dụng để phục vụ cho nhu cầu cá nhân trong quá trình trải nghiệm như dụng cụ vẽ, sổ tay để ghi chép những ý tưởng bất chợt, playlist nhạc yêu thích hoặc một bộ phim nhẹ nhàng. Việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn hơn thay vì phải loay hoay sắp xếp khi đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi LSD.

Cuối cùng, hãy xác định một ý định (intention) rõ ràng trước khi bắt đầu chuyến đi. Bạn có muốn khai mở khả năng sáng tạo, tìm kiếm cảm hứng? Hãy để vũ trụ biết điều đó. Có lẽ bạn đang cảm thấy lạc lối và mong muốn được hướng dẫn? Vậy thì hãy đặt ra ý định. Bất kể ý định đó là gì, dù nhỏ hay lớn, hãy đảm bảo bạn bước vào chuyến đi với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả mặt tinh thần và môi trường.

Các hiệu ứng của LSD

LSD gây ra các tác động lên người dùng trên nhiều phương diện, bao gồm cả thị giác, thính giác, cảm xúc và nhận thức.

Các tác động tích cực thường gặp bao gồm:

  • Ảo giác thị giác và thính giác: Người dùng có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại trong thực tế.
  • Cảm giác hưng phấn: Trải nghiệm niềm vui và sự phấn khích mãnh liệt.
  • Giảm căng thẳng: Cảm giác thư giãn và thoát khỏi những lo âu thường ngày.
  • Thay đổi nhận thức về thời gian: Thời gian có thể trôi qua rất chậm hoặc rất nhanh.
  • Biến đổi trạng thái cảm xúc: Cảm xúc có thể thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ.
  • Trải nghiệm tâm linh: Một số người dùng có thể có những trải nghiệm mang tính tâm linh hoặc cảm giác kết nối sâu sắc với vũ trụ.

Các tác động tiêu cực của LSD, thường được gọi là “bad trip”, bao gồm:

  • Hoang tưởng: Cảm giác nghi ngờ và mất lòng tin, tin vào những điều không có thật.
  • Lo lắng: Cảm giác bất an và sợ hãi.
  • Rối loạn cảm xúc: Khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý cảm xúc.
  • Sợ chết: Cảm giác hoảng sợ sắp chết.
  • Loạn thần tạm thời: Mất khả năng phân biệt giữa thực tế và ảo giác.

Hiểu rõ các tác động của LSD sẽ giúp bạn kiểm soát chuyến đi tốt hơn. Trong trường hợp gặp các tác động tiêu cực, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và nhắc nhở bản thân rằng những tác động này chỉ là tạm thời. Hít thở sâu sẽ giúp kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp não bộ nhận biết bạn đang an toàn.

Nếu có người hỗ trợ (trip sitter) trong suốt quá trình trải nghiệm, họ có thể kéo bạn về thực tại bằng cách nhắc nhở bạn đang ở đâu, đã dùng gì và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Âm nhạc nhẹ nhàng cũng có thể giúp xoa dịu cảm xúc và chỉnh hướng chuyến đi theo chiều tích cực hơn.

Nhìn chung, các tác động phụ của LSD chủ yếu là về mặt tinh thần và sẽ qua đi sau một khoảng thời gian nhất định. Cố gắng kiểm soát hay ép buộc chuyến đi theo ý mình có thể khiến trải nghiệm trở nên tiêu cực hơn. Thả lỏng, hít thở sâu và tận hưởng những điều thú vị mà LSD mang lại.

Video mô phỏng hiệu ứng thị giác của LSD.

Tác dụng của LSD kéo dài bao lâu? 

Tác dụng của LSD kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể, không giống như các loại chất kích thích thông thường chỉ giúp thư giãn vài tiếng. Sử dụng LSD đòi hỏi sự cam kết (commitment) vì tác dụng của nó có thể kéo dài đến 12 tiếng. Do đó, việc lên kế hoạch và dọn trống lịch trình trong ngày là cần thiết vì bạn sẽ không thể làm bất cứ việc quan trọng nào khi đang “phê” LSD. Nếu sử dụng liều cao, bạn có thể cần thêm cả ngày hôm sau để tiêu hóa (process) trải nghiệm và bắt đầu quá trình tích hợp (integrate) những bài học thu được.

Thông thường, tác dụng của LSD bắt đầu xuất hiện sau khoảng 30-60 phút. Đối với những người nhạy cảm hơn với chất thức thần, họ có thể cảm nhận được gì đó chỉ sau 15 phút. Sau một giờ, bạn chắc chắn sẽ biết mình có đang bị ảnh hưởng bởi LSD hay không. Điểm cao trào (peak) của chuyến đi sẽ diễn ra vào khoảng 3 tiếng sau khi dùng. Đây là giai đoạn thời gian có thể trôi chậm lại đáng kể, ảo giác đạt đến mức độ mãnh liệt nhất và cảm giác mất kiểm soát với thực tế có thể xảy ra. Giai đoạn cao trào kéo dài từ 3 đến 5 tiếng, sau đó là giai đoạn hạ cánh (off-set) trong 3-5 tiếng tiếp theo.

Hút cần sa có thể kéo dài thời gian cao trào và đôi khi khiến giai đoạn hạ cánh cảm giác như một chuỗi sóng (wave): bạn cảm thấy mình đang “phê” trở lại, rồi lại xuống, cứ lặp đi lặp lại. Điều này cũng có thể xảy ra khi hạ cánh với liều dùng cao.

Sau khoảng 12-15 tiếng (thường là 12 tiếng), tác dụng của LSD sẽ không còn nữa. Lúc này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, ngủ sau chuyến đi là điều cần thiết để phục hồi. Ngày hôm sau, bạn có thể có những cảm giác dư âm (afterglow) như nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, nhiều năng lượng hơn hoặc đơn giản là được nạp lại năng lượng (recharged). Nếu bạn đã trải qua một chuyến đi khó khăn, việc dành cả ngày hôm sau để xử lý những gì mình đã trải qua là điều rất nên làm.

Có thể sử dụng LSD thường xuyên không? 

LSD khác với các chất kích thích khác ở chỗ bạn không thể sử dụng nó liên tục nhiều ngày. Sau khi sử dụng LSD, gần như ngay lập tức cơ thể bạn sẽ sinh ra đề kháng (tolerance) với nó, được gọi là tachyphylaxis. Điều này có nghĩa là sử dụng cùng một lượng LSD nhiều lần sẽ không còn mang lại hiệu quả như mong đợi. Nếu vì lý do nào đó bạn muốn trip hai ngày liên tiếp, bạn sẽ cần tăng liều lượng lên khoảng 1,5 đến 2 lần so với lần đầu tiên. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, nên sử dụng các công cụ tính toán dung nạp (tolerance calculator) trực tuyến để ước tính mức dung nạp hiện tại của bạn. Thường thì nên đợi 2 tuần để cơ thể trở lại bình thường.

Kết luận

Sử dụng LSD nhìn chung khá đơn giản, nhưng điều quan trọng là bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị chu đáo trước khi trip. Những tab LSD có thể mang lại nhiều niềm vui và sự khai mở nhận thức, nhưng cần phải được thực hiện với thái độ tôn trọng và có sự chuẩn bị đầy đủ. Bài hướng dẫn này là một bước khởi đầu tốt để bạn tìm hiểu cách sử dụng LSD an toàn và hiệu quả. Như người đề xướng nổi tiếng của LSD là Timothy Leary đã từng nói: “Turn on, tune in, drop out.” (tạm dịch: Thăng hoa, đắm chìm, thoát ly).

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post