Trước đây, tôi nghĩ rằng đau đớn và trầm cảm là hai thứ hoàn toàn tách biệt. Nhưng rồi một bác sĩ nói với tôi rằng PTSD và trầm cảm cũng gây đau – và tôi bừng tỉnh. Đúng vậy, chúng không chỉ là những trạng thái tâm lý mà còn kéo theo cảm giác đau đớn thật sự.
Não bộ không phân chia rạch ròi giữa đau thể xác và đau tinh thần bởi các cơ chế xử lý của nó liên kết chặt chẽ với nhau. Những ai mắc chứng đau mãn tính (nociceptive pain) hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Chứng đau này xuất phát từ những rối loạn trong cách hệ thần kinh xử lý tín hiệu đau. Người bệnh có thể cảm nhận nỗi đau dữ dội dù không hề có tổn thương rõ ràng hay dây thần kinh bị tổn hại. Và đa số họ cũng mắc trầm cảm, cho thấy hai loại đau này có một mối liên hệ sâu sắc. Khi không thể chịu đựng được nữa, nhiều người tìm đến opioid và các liệu pháp tâm lý để mong giảm bớt đau đớn.
Opioid có tác dụng rất mạnh ngay từ đầu vì nó tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, chặn tín hiệu đau và mang lại cảm giác hưng phấn. Nhưng ai cũng biết rõ hệ lụy của chúng – nghiện ngập, dung nạp thuốc, suy hô hấp, và cả cuộc khủng hoảng opioid trên toàn cầu (xem Painkiller, Pain Hustlers hay The Fall of the House of Usher trên Netflix).
Trái ngược với opioid, LSD và psilocybin không tác động trực tiếp lên thụ thể đau, nhưng chúng có thể cực kỳ hiệu quả với các hội chứng đau mãn tính như đau cơ xơ hóa (fibromyalgia), hội chứng ruột kích thích (IBS), và hội chứng đau khu vực phức tạp (CRPS) nhờ vào cơ chế hoạt động trên serotonin. Một nghiên cứu tổng quan gần đây cho thấy chất thức thần không chỉ giúp giảm đau, mà còn có thể tác động đến tận gốc rễ của sự đau đớn về mặt tinh thần.
Từ năm 1964 đến 1977, một loạt nghiên cứu nhỏ đã cho thấy LSD có thể giảm đau cực kỳ hiệu quả, thậm chí còn vượt trội hơn cả opioid trong điều trị ung thư và hoại tử.
Ngày nay, nhiều người đã tự sử dụng LSD và psilocybin để điều trị đau đầu chùm (cluster headaches) và họ nhận thấy nó có hiệu quả hơn hẳn so với phương pháp điều trị truyền thống.
Dù vậy, cho đến nay, chất thức thần vẫn được nghiên cứu nhiều hơn ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hàng loạt thử nghiệm từ những năm 1950 đã chỉ ra rằng LSD và psilocybin có thể mang lại hiệu quả lâu dài trong điều trị trầm cảm, PTSD và rối loạn lo âu, giúp người bệnh trở nên kiên cường hơn và nâng cao nhận thức về bản thân.
Thậm chí, psilocybin đang tiến rất gần đến việc được FDA chấp thuận cho điều trị trầm cảm kháng trị nhờ những kết quả lâm sàng vô cùng hứa hẹn.
Chất thức thần có thể trở thành thuốc giảm đau thế hệ mới không?
Câu trả lời có vẻ là có.
Chất thức thần có khả năng tái lập cách não bộ phản ứng với căng thẳng cảm xúc, đồng thời giúp cơ thể ít nhạy cảm hơn với các tín hiệu đau đớn.
Điều này đặc biệt quan trọng với những người mắc chứng đau mãn tính. Ban đầu, cơn đau có thể chỉ xuất phát từ những kích thích nhỏ, nhưng theo thời gian, nó trở nên mạnh hơn và kéo dài không dứt. Cơn đau biến từ cấp tính sang mãn tính rất nhanh khi hệ thần kinh thay đổi chức năng, gen hoạt động khác đi, và protein trong tế bào thần kinh bắt đầu dịch chuyển sai chỗ.
Và một khi não bộ xử lý sai tín hiệu đau thể xác, nó cũng sẽ dần mất khả năng điều tiết cảm xúc – có thể lý giải tại sao nhiều bệnh nhân đau mãn tính cũng mắc trầm cảm và lo âu.
Ngoài ra, trầm cảm và đau mãn tính đều có liên quan đến một mạng lưới não bộ đặc biệt gọi là Default Mode Network (DMN). Những người mắc trầm cảm hoặc đau mãn tính thường có DMN hoạt động quá mức, khiến họ bị mắc kẹt trong những vòng lặp suy nghĩ tiêu cực, liên tục chìm trong cảm giác bế tắc.
Chất thức thần có thể thay đổi điều này.
Bằng cách kích thích các thụ thể serotonin như 5-HT2A và 5-HT1A, chất thức thần giúp giảm kiểm soát quá mức của DMN, giúp não bộ thoát khỏi những vòng lặp tiêu cực. Nói cách khác, chất thức thần mở ra một hướng điều trị hoàn toàn mới cho đau mãn tính và rối loạn cảm xúc.
Ngoài việc tác động đến serotonin, chất thức thần còn liên quan đến một yếu tố quan trọng khác trong não bộ là BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor).
BDNF giúp các tế bào thần kinh kết nối và tái tạo, và mức BDNF thấp thường gặp ở những người bị đau mãn tính và trầm cảm. Chất thức thần có thể giúp tăng cường BDNF, qua đó cải thiện tình trạng này.
Viêm nhiễm cũng đóng vai trò quan trọng trong đau mãn tính và trầm cảm, đặc biệt trong các bệnh như IBS, đau cơ xơ hóa, và CRPS. Chất thức thần có thể giúp giảm viêm và kích thích sự tái tạo của các tế bào thần kinh, từ đó làm giảm cơn đau.
Nhưng điều thú vị nhất ở đây chính là khả năng giảm đau của chất thức thần có thể ngày càng mạnh hơn theo thời gian.
Nghiên cứu về đau thần kinh cho thấy các loại thuốc nhắm đến thụ thể 5HT1A có hiệu quả giảm đau tốt hơn khi sử dụng lặp lại, trái ngược hoàn toàn với opioid. Trong khi opioid nhanh chóng mất tác dụng, dẫn đến việc phải tăng liều liên tục và gây nghiện, thì psilocybin và LSD dường như mang lại hiệu quả ngày càng tốt hơn khi sử dụng lâu dài.
Hiện tại, nhiều bệnh nhân đau cơ xơ hóa vẫn phải dùng opioid, dù nghiên cứu đã chỉ ra rằng opioid gần như không có tác dụng với căn bệnh này, thậm chí còn khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Chất thức thần – Chìa khóa cho sự chữa lành toàn diện?
Chúng ta không chỉ là cơ thể, cũng không chỉ là tâm trí hay cảm xúc – mà là một tổng thể gắn kết. Và cơn đau cũng vậy. Nó không đơn thuần là một tín hiệu thần kinh, mà còn là một trải nghiệm phức tạp có sự tham gia của cả thể chất lẫn tinh thần.
Chất thức thần có thể là một trong những phương pháp hiếm hoi giúp giải quyết đồng thời cả hai khía cạnh này. Chúng không chỉ giảm viêm, tăng cường kết nối tế bào thần kinh, mà còn tái lập cách chúng ta cảm nhận và phản ứng với nỗi đau.
Chất thức thần không chỉ là thuốc giảm đau – chúng là công cụ để chữa lành một cách toàn diện.
1cm2 tổng hợp