Chất thức thần mở ra các cơ hội nghiên cứu hiện tượng Hoà trộn giác quan (Synesthesia)

Owsley Stanley III, một nhà sản xuất LSD quy mô lớn và kỹ sư âm thanh cho ban nhạc Grateful Dead, đã cho rằng công trình tiên phong của ông trong thiết kế âm thanh có liên hệ sâu sắc với sự hoà trộn giác quan (synesthesia). Khi sử dụng LSD, ông có thể nhìn thấy âm thanh phát ra từ loa. Theo nhà báo Tony Hillier, mối liên hệ đặc biệt này đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp kỹ thuật âm thanh của Stanley. Ông tin rằng LSD cho ông thấy những điều thực sự, chỉ cần gỡ bỏ các bộ lọc mà bộ não con người thường tạo ra.

Mặc dù có rất nhiều câu chuyện về việc chất thức thần kích thích hiện tượng đặc biệt này, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu hệ thống nào về nó khi được gây ra bởi các chất này. Các nhà nghiên cứu thần kinh học chủ yếu tập trung vào cảm giác chồng chéo bẩm sinh (do di truyền) thường bỏ qua mối quan hệ này và coi nó là khác biệt về mặt hóa học thần kinh.

Nghiên cứu về hiện tượng hoà trộn giác quan trong cộng đồng sử dụng Chất thức thần

Nhà nghiên cứu tại Đại học Greenwich, London – David Luke cùng đồng nghiệp Devin B. Terhune đã thực hiện một nghiên cứu về vấn đề này. Họ khảo sát 644 người, yêu cầu chia sẻ về trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để tìm hiểu những chất nào gây ra cảm giác chồng chéo hay hoà trộn giác quan này. Trong nghiên cứu, cảm giác chồng chéo được định nghĩa là hiện tượng “các giác quan hòa quyện với nhau như khi các hình dạng có một mùi vị đặc trưng, âm thanh có một hình dạng nhất định, hoặc con số có một màu sắc riêng.”

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát nhiều loại trải nghiệm với các chất khác nhau với 28 loại chất thức thần thuộc 12 nhóm chất. Họ so sánh giữa những người có cảm giác chồng chéo bẩm sinh và những người không có hiện tượng này.

Những người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 74, chủ yếu đến từ Mỹ và Anh, nhưng cũng bao gồm những người đến từ 45 quốc gia khác nhau. Trong số đó, 457 người không có cảm giác chồng chéo (được coi là nhóm “đối chứng”) và 187 người có hiện tượng này. Trong cộng đồng nói chung, chỉ khoảng 1-4% dân số trải nghiệm cảm giác chồng chéo tự nhiên mà không cần đến các chất thức thần.

Nghiên cứu này có tỷ lệ người có cảm giác chồng chéo bẩm sinh cao hơn bình thường do các nhà nghiên cứu đã mời những người từ các cộng đồng trực tuyến có hiện tượng này tham gia. Tỷ lệ người dùng chất thức thần để giải trí trong nghiên cứu cũng cao hơn dân số chung vì đây là một chủ đề cụ thể mà họ muốn thảo luận.

Kết quả nghiên cứu 

Luke và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, dựa trên báo cáo từ những người tham gia, nhiều loại chất khác nhau có thể gây ra cảm giác chồng chéo. LSD và các loại tryptamine khác (như DMT và psilocybin) có khả năng gây ra cảm giác chồng chéo cao nhất. Những chất này chủ yếu ảnh hưởng đến hệ serotonin, phù hợp với những nghiên cứu trước đó cho thấy cảm giác chồng chéo có liên quan đến con đường thần kinh serotonergic.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng ngay cả những loại chất không thuộc hệ serotonergic như salvia, ketamine, methadone và cannabis cũng có thể gây ra cảm giác chồng chéo. Điều này cho thấy rằng các nhóm chất khác nhau có thể kích hoạt hiện tượng này thông qua các con đường hóa học thần kinh khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này gợi ý rằng “những trải nghiệm này không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ serotonergic.”

Các dạng cảm giác chồng chéo phổ biến nhất được báo cáo bởi người dùng là mối liên hệ giữa âm thanh và màu sắc, âm thanh và không gian, âm thanh và hình dạng, với cặp âm thanh-màu sắc là phổ biến nhất và thường được kích thích bởi các loại tryptamine. Những kiểu cảm giác chồng chéo này không hẳn chỉ xuất hiện ở một nhóm chất cụ thể nào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng vì trong nhiều chuyến đi thức thần, người dùng thường nghe nhạc nên âm thanh có thể đóng vai trò chủ yếu.

Nghiên cứu của Luke củng cố ý tưởng rằng cảm giác chồng chéo do chất thức thần có thể liên quan đến cảm giác chồng chéo bẩm sinh về mặt hóa học thần kinh. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những loại chất có xu hướng gây cảm giác chồng chéo ở người không có hiện tượng bẩm sinh này cũng có thể tăng cường và tạo ra cảm giác chồng chéo mới ở những người vốn đã có nó.

“Vậy có vẻ như tác động này xuất hiện bất kể bạn có cảm giác chồng chéo bẩm sinh hay không,” Luke nói. Ông cho rằng nghiên cứu về cảm giác chồng chéo liên quan đến các chất gây thức thần có thể là “một cách gián tiếp để hiểu thêm về hiện tượng này,” bởi 57% người dùng LSD được khảo sát đã trải nghiệm nó so với tỷ lệ rất nhỏ trong dân số nói chung.

Luke nói: “Điều chúng tôi đang cố gắng chứng minh là thực ra đó là cùng một thứ chỉ là thời gian tác động ngắn hơn.” Những người mắc hội chứng chồng chéo bẩm sinh trải qua nhiều trải nghiệm theo thời gian, từ đó giúp tạo nên sự ổn định trong các mối liên hệ cảm giác của họ.

Ví dụ, một người có tính cách sôi nổi, đầy năng lượng có thể luôn được liên kết với màu xanh ngọc. Số bốn luôn mang lại âm thanh như tiếng nứt vỡ. Theo Luke, lý do cảm giác chồng chéo do chất thức thần không bền vững như cảm giác bẩm sinh là vì thời gian trải nghiệm quá ngắn, không đủ để hình thành các mối liên hệ lâu dài và nhất quán hơn.

Luke cho biết một trong những ý nghĩa lớn hơn của nghiên cứu về cảm giác chồng chéo là nó có thể giúp làm sáng tỏ “vấn đề kết nối” mà các nhà nghiên cứu thần kinh học vẫn chưa giải đáp được. Con người làm thế nào để tổng hợp những tín hiệu cảm giác khác nhau (như sự chuyển động của chiếc xe, màu đỏ và hình dáng tròn của xe) mà bộ não xử lý qua nhiều đường riêng lẻ, rồi gắn kết chúng thành một trải nghiệm nhận thức liền mạch? Đây là nền tảng giúp con người hiểu và tương tác với thế giới nhưng cơ chế này vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn về mặt thần kinh học. Nghiên cứu về cảm giác chồng chéo vốn là sự kết hợp ít nhất hai loại tín hiệu cảm giác khác nhau có thể hỗ trợ trong việc này.Luke cũng tin rằng nghiên cứu của mình về cảm giác chồng chéo (và có khả năng liên quan đến vấn đề kết nối) có thể chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa chất thức thần và nhận thức của con người. Ông cho rằng nghiên cứu này góp phần củng cố giả thuyết “khỉ ngáo đá” của Terence McKenna. Trong cuốn Food of the Gods xuất bản năm 1992, McKenna đề xuất rằng việc tiếp cận nấm thức thần Psilocybe cubensis đã đóng vai trò như một chất xúc tác tiến hóa cho loài người. Theo Luke, “cảm giác chồng chéo do chất thức thần có thể đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngôn ngữ.”

1cm2 tổng hợp

Water Erowid

Dissolving boundaries in tides of wonder.