Chất thức thần và trải nghiệm cận tử: Chìa khóa để hiểu rõ hơn về cái chết và tâm thức?

Bạn có từng thắc mắc về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, và những trải nghiệm “siêu thực” như cận tử hay trip thức thần tác động thế nào đến nhận thức của chúng ta về cả hai điều này? Hãy thử tưởng tượng mình đứng trước lằn ranh của thế giới bên kia, hay cảm giác như cái chết đang bao trùm trong một chuyến đi đầy màu sắc và hoa văn do chất thức thần tạo ra…

Cận tử – những khoảnh khắc bí ẩn khi hơi thở gần như ngừng lại, từ lâu đã trở thành đề tài khiến người ta vừa kinh ngạc vừa tò mò suốt hàng thế kỷ. Những người từng trải qua điều này thường mô tả về sự thay đổi sâu sắc trong cách họ nhìn nhận cái chết, mở ra những góc nhìn mới vượt xa thế giới quen thuộc hàng ngày.

Mặt khác, các trải nghiệm với chất thức thần như LSD, psilocybin, Ayahuasca hay DMT có thể kích hoạt một kiểu trải nghiệm hiện sinh theo hướng khác. Hành trình thay đổi tâm trí này có thể đưa con người đến những vùng đất siêu thực với màu sắc, họa tiết và hình ảnh ngoạn mục, hé lộ những lớp sâu thẳm nhất của ý thức. Ở liều cao, người ta có thể cảm thấy như mình đang chết hoặc có trải nghiệm thoát xác khó tả và điều này có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhận thức về bản thân và sự sống.

Những trải nghiệm mang tính khai mở này sẽ thay đổi cuộc sống và suy nghĩ về cái chết của bạn như thế nào? Đó là điều mà nghiên cứu mới có tựa đề “So sánh trải nghiệm ảo giác và cận tử hoặc các trải nghiệm phi thường khác trong việc thay đổi thái độ về cái chết và quá trình chết” muốn giải đáp. Nghiên cứu nhằm đưa ra ánh sáng về sự biến đổi sâu sắc trong niềm tin về cái chết sau những trải nghiệm cận tử và ảo giác.

Vậy, những trải nghiệm mang tính khai mở này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và suy nghĩ của bạn về cái chết? Đó chính là câu hỏi mà nghiên cứu mới “Comparison of psychedelic and near-death or other non-ordinary experiences in changing attitudes about death and dying (tạm dịch: So sánh trải nghiệm với chất thức thần và cận tử hoặc các trải nghiệm phi thường khác trong việc thay đổi thái độ về cái chết và quá trình chết) muốn giải đáp. Nghiên cứu hướng đến việc lý giải những biến đổi sâu sắc trong niềm tin về cái chết sau những trải nghiệm cận tử và trải nghiệm với các chất thức thần.

Phương pháp nghiên cứu: Quá trình thu thập dữ liệu

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một loạt câu hỏi để thu thập dữ liệu về trải nghiệm cận tử và trải nghiệm với chất thức thần của người tham gia – Nguồn: Simply Psychology 

Nhằm khảo sát những trải nghiệm đặc biệt này, các nhà nghiên cứu đã triển khai phương pháp khảo sát trực tuyến kêu gọi tình nguyện viên tham gia trên các trang mạng xã hội, qua email và các diễn đàn liên quan đến trải nghiệm cận tử và chất thức thần. Để đảm bảo tính chính xác, hai bộ câu hỏi riêng biệt đã được thiết kế. Một bộ dành cho nhóm có trải nghiệm với chất thức thần và bộ còn lại dành cho nhóm có trải nghiệm cận tử hoặc tương tự.

Nội dung khảo sát bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi mở về trải nghiệm của người tham gia, loại chất họ dùng (đối với nhóm chất thức thần), thời gian diễn ra trải nghiệm, và liệu cuộc sống của họ có gặp nguy hiểm trong quá trình đó không. Họ cũng được yêu cầu mô tả bối cảnh xảy ra trải nghiệm.

Sau khi hoàn thành phần mô tả trải nghiệm, người tham gia sẽ tiếp tục trả lời các bộ câu hỏi đánh giá. Những bộ câu hỏi này được thiết kế để định lượng các tác động của trải nghiệm lên nhận thức về cái chết. Cụ thể, nghiên cứu sử dụng “Thang đo Trải nghiệm Cận tử Greyson” để đánh giá các khía cạnh của trải nghiệm cận tử, “Thang đo Đánh giá Chất thức thần” để đánh giá đặc điểm của trải nghiệm với chất thức thần, và “Hồ sơ Thái độ về Cái chết” để đo lường quan điểm về cái chết trước và sau trải nghiệm.

Tổng cộng có 15.956 người bắt đầu khảo sát trong thời gian tuyển chọn. Sau khi loại trừ các câu trả lời không phù hợp, không đầy đủ và xét theo loại chất cụ thể, thì mẫu nghiên cứu cuối cùng còn 3.192 câu trả lời hợp lệ. Trong số này, 2.259 thuộc nhóm trải nghiệm với chất thức thần và 933 thuộc nhóm không sử dụng.

Kết quả nghiên cứu: Các nhà khoa học tìm thấy gì?

Các bối cảnh trải nghiệm

Trong giai đoạn nghiên cứu, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến bối cảnh diễn ra các trải nghiệm này. Nhóm sử dụng chất thức thần thường báo cáo các trải nghiệm kéo dài hơn, có thể lên đến một giờ hoặc hơn. Ngược lại, nhóm không sử dụng thường có những trải nghiệm ngắn hơn, chỉ khoảng năm phút hoặc ít hơn.

Xét về mặt y tế, tỷ lệ người bất tỉnh trong suốt trải nghiệm của nhóm không dùng chất thức thần cao hơn so với nhóm có sử dụng. Tuy nhiên, nhóm sử dụng DMT có tỷ lệ bất tỉnh tương đương với nhóm không sử dụng.

Điều đáng ngạc nhiên là một số cá nhân trong nhóm không sử dụng chất thức thần báo cáo rằng họ đã trải qua chết lâm sàng, nhưng trường hợp này rất hiếm gặp ở cả nhóm có sử.

Nhóm không dùng chất thức thần thường cảm thấy cuộc sống của họ đang bị đe dọa trong suốt trải nghiệm, trong khi hầu hết những người trong nhóm sử dụng thức thần không có cảm giác này. Mẫu hình này được quan sát thấy ở tất cả các nhóm sử dụng các chất thức thần khác nhau.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy khoảng 46% nhóm không sử dụng thức thần mô tả trải nghiệm của họ là “cận tử” và 54% là “ngoại giác khác thường.” Thậm chí, một số người còn cảm thấy họ đang gặp nguy hiểm trước mắt trong những trải nghiệm này.

Trải nghiệm nào thần bí hơn?

Nhóm sử dụng chất thức thần báo cáo nhiều trường hợp nhìn thấy các hình tượng thần bí hơn – Nguồn: TTBOOK

Đi sâu vào các khía cạnh cụ thể, nhóm sử dụng chất thức thần có tỷ lệ báo cáo nhìn thấy các hình tượng mang tính thần bí, tôn giáo cao hơn. Về chiều sâu cảm xúc, nhóm này cũng có xu hướng ghi nhận rõ rệt hơn cảm giác về sự hiện diện của một đấng quyền năng hay thần thánh. Ngược lại, nhóm không sử dụng nhấn mạnh hơn về trải nghiệm được tái sinh và tiếp nhận thông tin theo phương thức vượt giác quan thông thường như khả năng ngoại cảm. Bên cạnh đó, họ cũng cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ hơn với những người thân đã mất.

Trải nghiệm cận tử và sử dụng Chất thức thần ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận cái chết như thế nào?

Nghiên cứu cho thấy cả hai dạng trải nghiệm đều tác động đến cách nhìn nhận về cái chết của những người tham gia. Khả năng chấp nhận ý niệm về sự ly biệt của bản thân và những người thân được cải thiện đáng kể – Nguồn: Art & Object

Điều đáng chú ý là phần lớn người tham gia (khoảng 88% nhóm không dùng thức thần và 89% nhóm có dùng) đều giảm bớt nỗi sợ hãi về cái chết sau trải nghiệm. Có thể những trải nghiệm này mang lại sự an ủi và thấu hiểu nhất định về bản chất của cái chết.

Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ người tham gia (khoảng 5% nhóm không sử dụng thức thần và 6% nhóm sử dụng) lại cho thấy sự gia tăng nỗi sợ hãi về cái chết. Điều này cho thấy trải nghiệm tác động không đồng nhất đến từng cá nhân, nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng tích cực.

Bên cạnh đó, cả hai nhóm đều ghi nhận những thay đổi tích cực khác liên quan đến thái độ về cái chết. Họ có hứng thú tìm hiểu hơn về cái chết, có thái độ tích cực hơn về sự ra đi của người khác và chấp nhận cái chết của bản thân một cách bình tâm hơn. Những phát hiện này gợi ý rằng trải nghiệm cận tử và sử dụng chất thức thần có ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận và suy nghĩ về cái chết của người tham gia không chỉ trên phương diện cá nhân mà còn cả trên phương diện xã hội.

So sánh trải nghiệm cận tử và sử dụng Chất thức thần với các trải nghiệm khác

Nghiên cứu tiếp tục khảo sát cách thức những người tham gia đánh giá mức độ quan trọng và tác động của trải nghiệm so với các sự kiện khác trong cuộc đời họ. Cả hai nhóm đều đánh giá cao trải nghiệm của mình về mặt ý nghĩa cá nhân, giá trị tâm linh và sự thấu hiểu bản thân vượt trội so với những trải nghiệm thông thường. Điều này cho thấy các trải nghiệm này được xem là những cột mốc quan trọng, có tính bước ngoặt, để lại dấu ấn lâu dài trong suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Thú vị là nhóm không sử dụng chất thức thần có tỷ lệ người đánh giá trải nghiệm là sự kiện ý nghĩa nhất, tâm linh nhất, thách thức nhất và mang lại nhiều chiêm nghiệm nhất về cuộc sống cao hơn so với nhóm sử dùng chất thức thần. Điều này chó thấy rằng trải nghiệm cận tử và các sự kiện tương tự có tác động mạnh mẽ đặc biệt đến đời sống cá nhân, đánh thức họ về ý nghĩa và giá trị sâu sắc của cuộc sống.

Những trải nghiệm này có tạo ra thay đổi lâu dài trong cuộc sống của chúng ta không?

Sau trải nghiệm, những người tham gia từ tất cả các nhóm đều báo cáo những kiểu thay đổi dai dẳng và tích cực trong cuộc sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả trải nghiệm cận tử và thức thần đều có thể dẫn đến những biến chuyển sâu sắc và ý nghĩa. Những thay đổi này thường mang tính tích cực, vừa phải và tác động đến nhiều khía cạnh của hạnh phúc và cách nhìn nhận cuộc sống.

Các thay đổi thường gặp nhất bao gồm: cải thiện cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống, có ý thức rõ ràng hơn về mục đích sống, trân trọng các mối quan hệ xã hội, cải thiện tâm trạng và có cảm nhận sâu sắc hơn về mặt tâm linh.

Điều quan trọng cần lưu ý là những thay đổi này không chỉ là tác động ngắn hạn của trải nghiệm mà còn tồn tại lâu dài. Nghiên cứu cho thấy những trải nghiệm như vậy có thể đóng vai trò như những khoảnh khắc chuyển hóa, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận bản thân và cuộc sống của người tham gia, ngay cả nhiều năm sau đó.

Trải nghiệm giữa các Chất thức thần khác nhau như thế nào?

Nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm khác biệt thú vị giữa các loại chất thức thần và những chuyến đi do chúng tạo ra – Nguồn: Leafty

Ngoài việc so sánh giữa nhóm trải nghiệm cận tử và sử dụng chất thức thần, các nhà nghiên cứu còn phân tích sự khác biệt giữa các loại chất gây ảo giác và trải nghiệm tương ứng. 

Kết quả cho thấy những người dùng psilocybin và LSD có trải nghiệm khá giống nhau. Nhóm sử dụng Ayahuasca lại có đặc trưng riêng biệt. Nhóm này thường có tuổi đời cao hơn, là nữ giới, trình độ đại học và thu nhập cao hơn so với hai nhóm còn lại. Điều đáng chú ý là nhóm này đạt điểm cao hơn đáng kể trên các bảng câu hỏi về trải nghiệm thần bí và cận tử. Họ đánh giá trải nghiệm của mình có ý nghĩa sâu sắc về mặt cá nhân và tâm linh. Nhiều người tham gia báo cáo cảm giác được tái hiện khoảnh khắc chào đời và gặp gỡ một “thực thể thiêng liêng” nào đó.

Nhóm DMT có đặc điểm nhân khẩu học khác biệt so với nhóm Ayahuasca nhưng lại tương đồng với nhóm psilocybin và LSD. Về trải nghiệm, nhóm DMT cho biết chuyến đi của họ ngắn hơn và có cảm giác mất kết nối hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong suốt quá trình. Bất chấp những khác biệt này, họ có những trải nghiệm huyền bí và cận tử tương tự như nhóm Ayahuasca.

Điểm chung đáng chú ý là tất cả các nhóm dùng chất thức thần đều có điểm số cao hơn trên các bảng câu hỏi về trải nghiệm huyền bí và cận tử so với nhóm có trải nghiệm cận tử hoặc trải nghiệm phi thường khác.

Ưu điểm và hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học nào cũng cần được đánh giá cả mặt tích cực và hạn chế. Theo các tác giả, ưu điểm của nghiên cứu này là quy mô mẫu lớn và việc sử dụng các công cụ đo lường thống nhất để so sánh trải nghiệm cận tử và thức thần. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tồn tại một số hạn chế.

Một hạn chế là nghiên cứu dựa trên dữ liệu tự báo cáo của người tham gia và điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác. Thứ hai, nhóm tham gia là nhóm tự nguyện, chủ yếu là nam giới da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha và đến từ Mỹ. Điều này khiến tính khái quát của nghiên cứu bị hạn chế. Thứ ba, thiết kế nghiên cứu không cho phép thiết lập mối quan hệ nhân-quả rõ ràng và có thể có những yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ tập trung vào một số hợp chất thức thần cụ thể, trong khi các chất khác có thể tạo ra những trải nghiệm khác biệt. Cuối cùng, định nghĩa “trải nghiệm cận tử” được sử dụng trong nghiên cứu có thể không bao quát hết tất cả các dạng thức trải nghiệm biến đổi mà con người có thể gặp phải. Nghiên cứu tương lai có thể khai thác sâu hơn những lĩnh vực này thông qua phỏng vấn hoặc câu hỏi bổ sung.

Kết luận

Tóm lại, nghiên cứu này đã so sánh cách thức trải nghiệm cận tử và thức thần tác động đến nhận thức về cái chết. Cả hai loại trải nghiệm đều có những điểm tương đồng về đặc trưng và những thay đổi chúng mang lại. Người tham gia ở cả hai nhóm đều báo cáo giảm thiểu nỗi sợ chết, thái độ về cái chết trở nên tích cực hơn, đồng thời hạnh phúc cá nhân và mục đích sống được cải thiện. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn để hiểu rõ hơn về cơ chế và những lợi ích tiềm năng trong lĩnh vực y tế của những trải nghiệm biến đổi này, từ đó giúp con người đối phó với nỗi sợ chết và nâng cao sức khỏe tinh thần.

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post