Có lẽ hiếm có loài động vật nào vừa đáng sợ vừa kích thích sự tò mò của con người như loài rắn. Vậy tại sao loài bò sát này vẫn liên tục thu hút chúng ta suốt hơn 70.000 năm qua?
Một cuộc chạm trán với rắn dù là với một chú rắn harter nhỏ nhắn di chuyển nhẹ nhàng trên cỏ, hay một con rắn hổ mang chúa uy nghiêm đang phơi nắng đều là trải nghiệm khó quên. Chính bản năng sinh tồn khiến chúng ta bất động hoặc bỏ chạy khi gặp rắn cũng là lý do khiến loài bò sát khôn ngoan này được tôn sùng trên khắp thế giới qua hàng thiên niên kỷ.
Hình ảnh loài bò sát uốn lượn này xuất hiện như một mô típ xuyên suốt trong thần thoại của nhiều nền văn hóa. Từ biểu tượng rắn Ouroboros vô cực cắn đuôi mình đến con mãng xà cám dỗ Eva trong Kinh Thánh, hay thần rắn Naga nửa người nửa rắn trong các tôn giáo phương Đông, rắn dường như len lỏi vào hầu hết các nền văn hóa và tín ngưỡng được ghi chép lại.
Nhà văn Hargrave Jennings – tác giả cuốn “Ophiolatreia: An Account of the Rites and Mysteries Connected With the Origin, Rise, and Development of Serpent Worship in Various Parts of the World” (tạm dịch: Ophiolatreia: Phân tích các nghi lễ và bí ẩn liên quan đến nguồn gốc, sự trỗi dậy và phát triển của Thờ rắn trên khắp thế giới) đã viết: “Rắn là biểu tượng xuất hiện phổ biến nhất trong thần thoại thế giới. Ở mỗi quốc gia, chúng có thể đi kèm với những con vật độc nhất hoặc đáng sợ nhất, nhưng bản chất đáng sợ của chúng vẫn không đổi – một nỗi kinh hoàng được lưu truyền qua các truyền thuyết trên khắp thế giới.”
Từ xa xưa, với mong muốn chạm đến những bí ẩn của cái chết và thế giới bên kia, các tôn giáo đã tôn thờ loài rắn với cả sự sợ hãi hoặc cuồng tín, đôi khi là cả hai. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự thờ rắn trong các nghi lễ lâu đời nhất của loài người cách đây khoảng 70.000 năm của người San ở Botswana, Châu Phi.
Thậm chí cho đến ngày nay, một số nhà thờ ở vùng Appalachia vẫn duy trì nghi thức cầm rắn độc trong các buổi lễ với niềm tin rằng Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, những màn trình diễn mạo hiểm này thường đi kèm với tỷ lệ thương tích và tử vong cao ở các mục sư.
Suy cho cùng, ranh giới giữa sự kinh hoàng và sự thăng hoa rất mong manh, điều mà hầu hết các tôn giáo đều thấu hiểu. Những người may mắn sống sót sau trải nghiệm cận tử có lẽ là những người đã đối mặt gần nhất với lằn ranh giữa sự sống và cái chết thường trở về với một thái độ chấp nhận thay vì sợ hãi trước cái chết. Nhưng bên cạnh việc nhắc nhở về sự mong manh của kiếp người, hình ảnh con rắn cũng thường gắn liền với sự sống. Jennings cho rằng trong nhiều nền văn hóa như Ấn Độ thời kỳ đầu và nhiều bộ tộc bản địa châu Mỹ, rắn là biểu tượng của tình dục và sinh sản, đại diện cho sự sáng tạo và tái sinh.
Con người đã thể hiện sự tôn kính đối với loài bò sát quyền năng này bằng vô số hình thức: từ tượng thờ, lăng mộ, đến những tác phẩm chạm khắc và tranh vẽ trên hang động. Không ai quên được Medusa – quái vật Gorgon trong thần thoại Hy Lạp với mái tóc rắn rít và khả năng biến đàn ông thành đá. Trong khi đó, cư dân tại miền nam Ohio đang sống cạnh một minh chứng địa chất về tục thờ rắn: Đồi Rắn Lớn (The Great Serpent Mound) – một công trình thời tiền sử có hình thù con rắn đã khiến các nhà nghiên cứu bối rối suốt nhiều năm với chiều dài hơn 400 mét và chiều cao gần 1 mét. Giả thuyết được nhiều nhà sử học đồng tình nhất cho rằng đây là tác phẩm của người Adena, những cư dân sinh sống ở Ohio từ khoảng năm 800 TCN đến 100 SCN.
Trong các thần thoại trên thế giới, hình ảnh con rắn dù dành cả cuộc đời trên mặt đất lại thường xuất hiện bay trên bầu trời, tượng trưng cho mối liên kết với thế giới tâm linh. Nhà nghiên cứu Jennings lý giải, với người Ai Cập, rắn đại diện cho sự sống vĩnh hằng và điều này được minh chứng qua biểu tượng con rắn Ouroboros cắn đuôi mình. Hình ảnh rắn cũng thường xuất hiện trên lăng mộ các Pharaoh như thể mang vị vua băng qua thế giới của các vị thần.
Ở khu vực Trung Mỹ, người Mexica (Aztec) cổ đại tôn thờ vị thần rắn lông vũ Quetzalcoatl (còn được gọi là Kukulkan với người Maya, Gucumatz với người Quiché ở Guatemala và Ehecatl với người Huastec ở vùng duyên hải Vịnh Mexico). Vị thần này được cho là đã tạo ra thế giới, loài người, phát minh ra lịch và vô số kỳ tích khác.
Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, hình ảnh rồng thường được miêu tả với thân rắn và đầu thú. Theo học giả Trung Quốc đầu thế kỷ 20 Wen Yiduo, hình tượng này có thể phản ánh sự thống nhất chính trị của các bộ lạc khác nhau, mỗi bộ lạc được đại diện bởi một linh vật động vật riêng. Biểu tượng rồng cũng xuất hiện trong các nền văn hóa khác, tuy nhiên, văn hóa Trung Quốc là nơi hình ảnh này được xây dựng và phát triển phong phú nhất.
Dù tượng trưng cho sự thiêng liêng hay bản năng thú dữ thì dưới một góc nhìn sâu sắc hơn, loài rắn có thể thực sự đại diện cho một khía cạnh rất con người. Nhà nhân học Jeremy Narby – tác giả của cuốn “The Cosmic Serpent” (tạm dịch: Con rắn Vũ trụ), bị cuốn hút bởi sự trùng hợp đáng kinh ngạc về hình ảnh hai con rắn xuất hiện trong các nghi thức của thầy cúng (kèm theo cả ảo giác) và nghi lễ Ayahuasca. Ông tin rằng loài rắn là hiện thân của cấu trúc xoắn kép ADN của chính chúng ta.
Có lẽ tồn tại một mối liên kết nguyên thủy giữa Ayahuasca, thứ được chiết xuất từ đất mẹ và những con rắn uốn lượn khi nó xuất hiện đến 17% trong các ảo giác của người tham gia nghi lễ theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Benny Shannon, người chuyên nghiên cứu các buổi lễ Ayahuasca.
“Chúng mang tính đặc thù và không thể giải thích đơn giản là do tâm lý cá nhân,” Shannon nhận định về những ảo giác này (bao gồm cả mèo lớn, chim và cung điện). Ông cho rằng đây là một bí ẩn khó lý giải, có thể chỉ đơn giản là một sự thật kỳ lạ của sự tồn tại, một ngôn ngữ mà Ayahuasca nói trực tiếp với tâm thức con người.
1cm2 tổng hợp