Hiểu ý nghĩa của các trải nghiệm thức thần qua “Vô thức tập thể”

Hãy hình dung một biển cả rộng lớn, mênh mông nuốt chửng lấy đất liền. Giữa biển là một con thuyền nhỏ đơn độc lênh đênh trên sóng. Trên thuyền, hai người đang tích cực tát nước, trong khi hai con vật khác nhìn xuống biển một cách lo lắng. Bỗng nhiên, một thân cây khổng lồ mọc lên từ mặt nước và vươn một trong hàng ngàn nhánh to lớn nâng chiếc thuyền lên khỏi vực thẳm đen kịt. Mặt trăng che khuất mặt trời, một con đại bàng sải cánh trên bầu trời, và tất cả chìm vào bóng tối…

Liệu đây có phải là một giấc mơ, ảo giác do sử dụng chất thức thần, hay là một thần thoại cổ xưa và làm cách nào để phân biệt chúng?

Nếu câu trả lời là không thể phân biệt thì đó là điều dễ hiểu vì chuỗi sự kiện phi thường này không thể dựa trên thực tế khách quan và nó cần được giải thích. Ý nghĩa thực sự của những hình ảnh này là gì? Cho đến nay, chúng vẫn là một thảm họa hình ảnh gợi mở với nhiều hướng diễn giải. Có lẽ chỉ người nằm mơ, người trải nghiệm, hoặc nền văn hóa gốc mới thực sự có khả năng lý giải được bởi ý nghĩa sâu sắc của một hình ảnh phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của nó.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ, trạng thái “ảo giác” và thần thoại thường có những chủ đề chung và đây là một nguyên tắc nền tảng của tâm lý học chiều sâu (depth psychology).

Bài viết này sẽ tập trung khai thác nguồn gốc của những hình ảnh hoặc mẫu hình này, thường được gọi là “nguyên mẫu” (archetype).

Câu chuyện trên có khiến bạn cảm thấy quen thuộc? Nó có khiến bạn nhớ đến những câu chuyện thần thoại từ thời xa xưa? Carl Jung và các nhà tâm lý học chiều sâu khác tin rằng chúng xuất hiện từ “vô thức tập thể” (collective unconscious) – một khái niệm nền tảng trong lĩnh vực này.

Vô thức tập thể: Bước chân vào vùng tối của tâm trí

Trong lĩnh vực tâm lý học Jung và tâm lý học chiều sâu, khái niệm vô thức tập thể (collective unconscious) là một trong những ý tưởng độc đáo và gây nhiều tranh luận nhất. Sự tồn tại của nó chính là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa Freud và Jung, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghiên cứu về tâm lý học.

Công nhận sự tồn tại của vô thức tập thể đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng có những vùng ý thức sâu thẳm vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của chúng ta. Đây là một vùng đất bí ẩn tồn tại bên ngoài dòng chảy của thời gian, mở ra cánh cửa dẫn đến những điều “vẫn chưa được biết đến” (the unknown). Và chất thức thần – dù tác động nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, có thể đóng vai trò như người dẫn đường đưa chúng ta đến gần hơn với thế giới này.

Thậm chí, nỗi sợ hãi và kỳ thị dai dẳng của văn hóa phương Tây đối với dược liệu, chất thức thần và các trạng thái ý thức khác biệt có thể được xem như một dạng “phóng chiếu tâm lý” (psychological projection) của nỗi sợ lên chính những loại cây, thuốc viên hoặc bột nghiền đó.

Chất thức thần có thể đưa chúng ta vượt qua “ranh giới” để chạm đến kho lưu trữ những “trải nghiệm bị kìm nén” (repressed memories) của con người – điều mà nền văn hóa hiện đại cố tình che giấu, pha loãng hoặc hoàn toàn phớt lờ. Điều này có thể được biểu hiện qua những cuộc chạm trán sống động với cái chết, những bài học về sự khiêm tốn, hoặc những tiếng chuông cảnh tỉnh đánh thức chúng ta khỏi trạng thái thôi miên tâm lý mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải.

Cho đến ngày nay, bất chấp những thành tựu vượt bậc của khoa học và công nghệ, vô thức tập thể vẫn là một miền bí ẩn giống như mặt tối của mặt trăng vậy.

Vô thức tập thể: Nền tảng tinh thần phổ quát của loài người

Trong tuyển tập “Collected Works” tập 8, Carl Jung đã định nghĩa vô thức tập thể là một “kho lưu trữ đồ sộ chứa đựng toàn bộ di sản tinh thần tiến hóa của nhân loại, được tái sinh trong cấu trúc não bộ của mỗi cá nhân.” Ông ví von nó như “dòng chảy bất tận hoặc đại dương hình ảnh, biểu tượng liên tục trôi dạt vào ý thức qua giấc mơ hay những trạng thái tinh thần đặc biệt.”

Nói cách khác, vô thức tập thể là một khía cạnh phổ quát của trải nghiệm con người, tương tự như “di sản tâm lý” được di truyền qua các thế hệ. Nó bao gồm những hình ảnh nguyên thủy (primordial images) và được thể hiện một cách tượng trưng qua giấc mơ, thần thoại xuyên suốt thời gian và không gian.

Trong những tác phẩm sau này, Jung sử dụng thuật ngữ “vô thức khách quan” (objective psyche) để chỉ vô thức tập thể. Điều này cho thấy sự tinh chỉnh trong tư duy của ông và mong muốn tách biệt nghiên cứu khỏi các hiện tượng xã hội rõ ràng như “phóng chiếu tập thể” (collective projection) hay “tư duy đám đông” (groupthink). Mặc dù đây là một khía cạnh trong công trình của Jung nhưng phạm vi thực sự của vô thức tập thể rộng lớn hơn nhiều.

Trong nghiên cứu của Jung, vô thức được phân thành hai phạm vi: Vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Việc phân biệt chúng đóng vai trò quan trọng để hiểu và khám phá sâu hơn về tâm lý con người.

Vô thức cá nhân lưu trữ những khía cạnh độc đáo của tính cách và tinh thần mỗi cá nhân đã bị kìm nén như những ký ức khó khăn, sang chấn tâm lý, hay những hành vi mà chính bản thân chúng ta cũng không hề nhận thức được. Theo Jung, vô thức cá nhân còn bao gồm cả “bóng tối” (shadow) – tập hợp những mặt khuất của tính cách không phù hợp với hình ảnh “cái tôi” lý tưởng mà chúng ta xây dựng (được gọi là “mặt nạ” – Persona). Nếu những phần “bóng tối” này không được đối mặt và tích hợp một cách có ý thức (shadow work), chúng có xu hướng “phóng chiếu” ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bàn về điều này chi tiết hơn ở một bài khác.

Vô thức tập thể là một phạm vi hoàn toàn khác. Nó đề cập đến những vùng sâu thẳm của tâm lý vượt xa các yếu tố bị kìm nén cá nhân. Hầu hết các khái niệm nổi bật của Jung như “phức hợp” (complexes), “nguyên mẫu” (archetypes), “anima/animus” và “bóng tối” (shadow) đều bắt nguồn hoặc liên kết với vô thức tập thể. Bản chất của vô thức tập thể là một ẩn số nằm ngoài khả năng nhận thức thông thường của chúng ta.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, Jung đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về bản chất và mục đích của vùng đất vô hạn này đối với nhân loại. Cuốn “The Red Book” là minh chứng cho hành trình cá nhân của ông khi đi sâu vào những miền chưa được khám phá của chính mình thông qua văn phong huyền bí và các tác phẩm nghệ thuật bán tôn giáo giàu tính gợi mở.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là vô thức tập thể vẫn là một khái niệm khó nắm bắt, và bất kỳ thảo luận nào về nó đều cần tôn trọng sự bí ẩn và kỳ diệu vốn có của nó. Do bản chất không thể diễn đạt bằng lời và vượt ra ngoài định nghĩa hoàn chỉnh, vô thức tập thể vẫn là thứ gì đó vượt quá khả năng kiểm soát, thao túng và hiểu biết hoàn toàn của chúng ta – những hành động mà theo quan điểm của tâm lý học chiều sâu đều xuất phát từ cái tôi. Và có lẽ nó nên như vậy.

Chất thức thần và Vô thức tập thể

Trong cuốn “Confrontation with the Unconscious(tạm dịch: Đối mặt với Vô thức) của Scott J. Hill, cả Jung và Stanislav Grof đều khẳng định rằng:

“Chất thức thần không trực tiếp gây ra các hiệu ứng tâm lý cụ thể. Chúng hoạt động như chất xúc tác gia tăng mức năng lượng cho các tiến trình tâm lý, cho phép người sử dụng ý thức được những nội dung vốn nằm trong vô thức. Tuy nhiên, bản thân chất thức thần không tạo ra nội dung hay trải nghiệm riêng biệt nào. Những gì nổi lên từ vô thức trong quá trình sử dụng chất thức thần tương tự như nội dung xuất hiện trong giấc mơ khi ngủ, phụ thuộc vào những gì đang tồn tại trong vô thức tại thời điểm đó. Các nội dung này có thể thay đổi theo từng lần sử dụng ở mỗi cá nhân, và chắc chắn sẽ khác nhau giữa các cá nhân.”

Theo Jung, chất thức thần có tác dụng “giảm ngưỡng ý thức”, nghĩa là chúng giúp người sử dụng tiếp cận gần hơn với vô thức. Nói cách khác, dưới tác động của chất thức thần, những vật liệu vô thức sẽ trào lên bề mặt dẫn đến vô vàn phản ứng cảm xúc mà chất thức thần thường gây ra. Theo quan điểm này, nội dung trồi lên từ vô thức có nguồn gốc từ cả vô thức cá nhân và vô thức tập thể.

Cái tôi là phần ý thức quen thuộc, luôn khó chấp nhận sự tồn tại của những điều vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết và kiểm soát của nó. Những trải nghiệm sợ hãi thường xuất hiện vào đầu hoặc đỉnh điểm của hành trình với chất thức thần có thể được xem là phản ứng của cái tôi khi mất đi quyền kiểm soát tinh thần. Khi chúng ta đi sâu hơn vào vô thức, nỗi sợ chính là hệ thống cảnh báo của cái tôi, báo hiệu pháo đài kiên cố của nó dường như đang sụp đổ. Tuy nhiên, giống như những huyền thoại và nghi lễ cổ xưa nhất trên thế giới đã cho thấy sự “chìm xuống” này chính là nơi chuyển hóa thực sự bắt đầu. Bất kỳ người hướng dẫn sử dụng chất thức thần dày dặn kinh nghiệm nào cũng sẽ khuyên bạn buông bỏ, hít thở và đi sâu vào nội tâm tại thời điểm đó.

Những gì thực sự diễn ra trong tâm lý khi sử dụng chất thức thần có thể được lý giải từ nhiều góc độ khác nhau như các nghiên cứu đa ngành và nhiều thập kỷ nghiên cứu về chất thức thần đã chứng minh. Nhưng giống như hầu hết những bí ẩn vĩ đại, chất thức thần tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Xét dưới góc nhìn tâm lý học chiều sâu, chất thức thần hoạt động như một chất xúc tác thúc đẩy những vật liệu tâm lý bị kìm nén trước đó trồi lên bề mặt. Những vật liệu này có nguồn gốc từ cả vô thức cá nhân và vô thức tập thể – đây là quan điểm đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Stanislav Grof ví chất thức thần như chất “khai phóng cảm xúc” (abreactives), nghĩa là chúng đưa những nội dung tiềm ẩn có điện tích cảm xúc mạnh mẽ nhất lên ý thức.

Do khả năng mở rộng tâm thức để trải nghiệm các khía cạnh của vô thức tập thể, chất thức thần có thể khiến người dùng trực tiếp cảm nhận được các nguyên mẫu, hình ảnh, phức hợp và năng lượng khác nhau, dẫn đến những khoảnh khắc giải phóng cảm xúc (catharsis), chữa lành, thấu hiểu sâu sắc, và trạng thái mà Jung gọi là “numinosity” – cảm giác choáng ngợp ập đến khi đối mặt với sức mạnh của những hình ảnh, nguyên mẫu và trải nghiệm vượt cá nhân. Nói cách khác, đó chính là một trải nghiệm thần bí trọn vẹn.

Hiểu được trải nghiệm với chất thức thần thông qua lăng kính tâm lý học chiều sâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu nói nổi tiếng của Grof: “Chất thức thần có ý nghĩa với nghiên cứu tâm lý giống như kính thiên văn đối với thiên văn học và kính hiển vi đối với sinh học.” Bằng cách này, chất thức thần mở ra một cánh cửa mới để khám phá những vùng đất bí ẩn của tâm trí con người.

Chất thức thần và Vô thức tập thể: Hành trang cho người dẫn lối hành trình tâm linh

Đối với các nhà trị liệu hoặc người hướng dẫn sử dụng chất thức thần muốn tích hợp tâm lý học chiều sâu vào thực tiễn chuyên môn thì không bao giờ được bỏ qua tầm quan trọng của vô thức và vai trò then chốt của nó trong quá trình trị liệu bằng chất thức thần. Điều này có nghĩa là các nhà hướng dẫn cần sẵn sàng đón nhận những điều bất ngờ, chú ý lắng nghe các ẩn ý sâu xa, vô thức tiềm ẩn trong trải nghiệm của khách hàng, và luôn duy trì thái độ khiêm tốn, thận trọng. Có thể nói, trị liệu bằng chất thức thần về bản chất là một quá trình dài tích hợp các yếu tố từ cả vô thức cá nhân và vô thức tập thể, trải dài từ khâu chuẩn bị ban đầu, qua buổi dùng thuốc đến các buổi tích hợp hậu hành trình.

Tâm lý học chiều sâu đòi hỏi các nhà hướng dẫn phải linh hoạt sử dụng hai “ngôn ngữ” cùng một lúc. Một mặt, họ cần duy trì sự vững chắc trong nhận thức về ý thức bản ngã, hình ảnh xã hội và các sự kiện khách quan bên ngoài. Mặt khác, họ cũng cần kết nối sâu sắc với thế giới của biểu tượng, ẩn dụ, thần thoại và tính chủ quan. Để thông thạo “ngôn ngữ của giấc mơ” này, các nhà hướng dẫn cần kiên trì thực hành và cống hiến cho cả quá trình khám phá nội tâm của chính mình.

Tham khảo các bài giảng và sách của các chuyên gia như James Hillman, Joseph Campbell, Marie-Louise von Franz, Marion Woodman, Robert Johnson, Clarissa Pinkola Estes, Robert Moore Robert Bly sẽ giúp các nhà hướng dẫn cảm nhận được “ngôn ngữ của vô thức” theo góc nhìn của những bậc thầy trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc hợp tác với một nhà phân tích theo trường phái Jungian là một cách tuyệt vời để thấu hiểu ngôn ngữ của tâm lý, đặc biệt là thông qua giấc mơ. 

Điều quan trọng là các nhà hướng dẫn cần sẵn sàng buông bỏ những quan điểm cứng nhắc, niềm tin và sự chắc chắn tuyệt đối, đồng thời nuôi dưỡng lòng khiêm tốn và sự cởi mở. Cần lưu ý rằng mỗi khi khách hàng bước vào trải nghiệm với chất thức thần, họ đang đi vào vùng đất chưa được biết đến. Vai trò của người hướng dẫn với tư cách nhà trị liệu là ngọn đèn soi đường, dọn đường và định hướng cho người trải nghiệm khi họ dũng cảm bước vào vùng tối của chính mình.

Tuy nhiên, thông điệp cốt lõi của tâm lý học chiều sâu là những vì sao và bóng tối đó không chỉ thuộc về riêng mỗi cá nhân. Thế giới nội tâm không phải là một khoảng trống vô nghĩa mà là một không gian tiềm năng ẩn chứa vô vàn ý nghĩa và việc khám phá nó có thể là hành trình cả đời người. Vô thức tập thể thuộc về di sản chung của nhân loại, được truyền lại cho chúng ta qua thần thoại qua hàng thiên niên kỷ, và được ghi nhớ trong những giấc mơ và ảo ảnh của chúng ta.

Có lẽ đây là điều Joseph Campbell muốn nói qua câu nói nổi tiếng: “Và bạn sẽ ở đó cùng với cả thế giới ở nơi mà bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn đơn độc.”

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post