Các báo cáo cho rằng đây là một loại nấm thức thần, thế nhưng việc tìm thấy psilocybin trong nó vẫn là một điều bí ẩn. Hãy cùng đi tìm sự thật về Big Laughing Gym với tiến sĩ K Mandrake trong bài viết này.
Nấm Big Laughing Gym (Gymnopilus junonius) là cơn đau đầu của nhà nghiên cứu nấm (mycologist) và những người ưa thích trải nghiệm thức thần (psychonauts) trong nhiều thập kỷ qua. Cái tên “waraitake” (nấm cười) hay “ō-waraitake” (nấm cười lớn) bắt nguồn từ tiếng Nhật, được cho là lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian về những chuyến đi “lạc lối” do loài nấm này gây ra.
Tuy nhiên, từ giữa đến cuối những năm 1900, các nghiên cứu về G. junonius lại cho thấy một sự thật bất ngờ: hàm lượng psilocybin (chất gây ảo giác) trong loài nấm này không ổn định. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các giả thuyết khác nhau để giải thích điều này.
Mặc dù trước đây có nhiều báo cáo về sự xuất hiện của G. junonius ở Bắc Mỹ, một nghiên cứu di truyền vào năm 2020 trên một số loài Gymnopilus đã tiết lộ rằng G. junonius chính gốc có thể chỉ tồn tại ở châu Âu, Nam Mỹ và Australia. Những cây nấm được được gọi là G. junonius ở Bắc Mỹ trước đây có khả năng cao là nhầm lẫn với các loài họ hàng gần của nó.
Những đặc điểm kỳ lạ này cho thấy Big Laughing Gym có thể là một phức hợp loài (species complex) – một tập hợp các giống nấm hoang dã có họ hàng rất gần nhau. Phức hợp này bao gồm G. luteus, G. subspectabilis, G. ventricosus, hoặc một trong những loài mới được phát hiện gần đây là G. voitkii và G. speciosissimus. Nghiên cứu di truyền tương tự cũng đã phát hiện và đặt tên cho một loài họ hàng gần khác ở châu Á là G. orientispectabilis.
Gymnopilus junonius có phải là nấm thức thần không?
Các nghiên cứu trên G. junonius châu Âu (Anh, Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan) đều không tìm thấy psilocybin (chất gây ảo giác) trong loài nấm này. Điều này dường như cho thấy loài nấm thực sự mang tên này không hề có tác dụng gây ảo giác.
Tuy nhiên, tranh cãi về tiềm năng gây ảo giác của loài nấm này vẫn chưa ngã ngũ. Các phân tích hóa học trước đây về những gì chúng ta biết là phức hợp loài G. junonius cho thấy sự hiện diện của psilocybin dường như thay đổi tùy theo từng khu vực. Mọi chuyện sẽ dễ hiểu hơn nếu thừa nhận rằng các tài liệu tham khảo về G. junonius trước năm 2020 có thể đang đề cập đến nhiều loài Gymnopilus khác nhau.
Trong cuốn “Psilocybin Mushrooms of the World” (tạm dịch: Các loài nấm thức thần trên thế giới) xuất bản năm 1996 của Paul Stamets, tác đề cập đến việc Tiến sĩ Andrew Weil và nhà nấm học Gary Lincoff đã ăn một số G. junonius từ Công viên Trung tâm ở New York và “có những trải nghiệm ảo giác như dùng psilocybin”. Nhưng với nghiên cứu di truyền hiện đại, các nhà khoa học cho rằng có khả năng họ đã ăn phải G. luteus, G. subspectabilis hoặc loài mới được mô tả là G. speciosissimus – mặc dù chưa có bằng chứng xác thực về việc loài cuối cùng có chứa psilocybin hay không.
Một nghiên cứu phân tích hóa học về các loài Gymnopilus vào năm 1978 ở Mỹ cũng cho thấy một kết quả không thống nhất. Bốn trong số mười ba mẫu G. junonius được kiểm tra có chứa psilocybin. Điều này khiến các tác giả nghiên cứu đặt ra giả thuyết về sự tồn tại của các nhánh hoạt động và không hoạt động của G. junonius, khi họ tìm thấy psilocybin trong các mẫu từ miền đông nước Mỹ và các mẫu không hoạt động từ các bang phía tây. Với nghiên cứu di truyền, các nhà khoa học lại nghiêng về khả năng các mẫu hoạt động từ miền đông có thể là G. luteus, G. subspectabilis hoặc G. speciosissimus, và các mẫu không hoạt động có thể là G. ventricosus hoặc G. voitkii.
Trong khi đó, hai nghiên cứu được thực hiện vào năm 1981 và 1986 tại Nhật Bản đều không tìm thấy psilocybin trong G. junonius. Nhưng thú vị là nghiên cứu năm 1986 lại ghi nhận một số trường hợp ngộ độc do chế biến không đúng cách, mặc dù không tìm thấy psilocybin. Một bài báo từ năm 1971 có tên “Japan’s Laugh Mushrooms” còn kể chi tiết về một số người ăn phải G. junonius như thực phẩm và có những triệu chứng “bay bổng” như các trải nghiệm ảo giác. Một lần nữa, theo nghiên cứu di truyền năm 2020, sự khác biệt giữa G. orientispectabilis và các loài chưa được phát hiện khác có thể là lời giải thích cho những “bí ẩn” trong các nghiên cứu hóa học và báo cáo độc chất học trước đây.
Nấm Gymnopilus junonius có ăn được không?
Các nghiên cứu trước đây cho thấy một số vùng ở Nhật Bản chế biến G. orientispectabilis và các loài họ hàng tiềm năng khác thành món ăn bằng cách luộc để loại bỏ vị đắng. Tuy nhiên, tại Mỹ lại ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do người dân hái nhầm các loài Gymnopilus có hoạt tính với những loại nấm ăn được.
Ít nhất ba báo cáo y tế ở Mỹ ghi nhận trường hợp ngộ độc do vô tình ăn phải các loài Gymnopilus (ngày nay chúng ta biết có thể là các loài có hoạt tính) và có những trải nghiệm giống như ảo giác. Năm 1942, một phụ nữ ở Cleveland (Mỹ) vô tình ăn phải nấm độc và có những trải nghiệm “tuyệt vời” và thậm chí còn nói rằng nếu đây là cách chết vì ngộ độc nấm thì bà cũng chấp nhận. Một trường hợp khác ở Massachusetts vào năm 1966, ba người ăn phải nấm và có trải nghiệm giống như ảo giác. Báo cáo y tế kết luận “không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về psilocin hoặc psilocybin” nhưng phát hiện các chất hóa học lạ khác có cấu trúc tương tự. Báo cáo thứ ba năm 1965 kể về một phụ nữ Ohio bị ảo giác sau khi ăn nấm sống được cho là G. junonius.
Điều thú vị là nghiên cứu phân tích hóa học năm 1978 cũng tìm thấy nấm chứa psilocybin ở cùng các địa điểm phía đông nước Mỹ như trong ba báo cáo ngộ độc ở trên. Nhờ công nghệ ADN, chúng ta biết những mẫu nấm này có thể là G. luteus, G. subspectabilis, hoặc thậm chí là G. speciosissimus (nếu được chứng minh là có hoạt tính). Các tác giả nghiên cứu cũng đặt dấu hỏi về việc không tìm thấy psilocybin trong trường hợp ở Massachusetts, nghi ngờ có vấn đề về phương pháp phân tích.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra các hợp chất khác trong nấm Gymnopilus. Nghiên cứu năm 1969 tìm thấy bis-noryangonin, một hợp chất tương tự như thành phần chính trong kava, nhưng sau đó được chứng minh là không gây tác dụng trên động vật. Các nghiên cứu khác phát hiện ra nhóm hợp chất độc đáo gọi là gymnoprenol và gymnopilin, được cho là nguyên nhân gây ra vị đắng thường thấy ở G. junonius và các loài khác cùng chi.
Nguồn gốc của tên gọi Big Laughing Gym
Cái tên Big Laughing Gym bắt nguồn từ sự giao thoa giữa truyền thuyết Nhật Bản và kiến thức về nấm của thời đại.
Một câu chuyện dân gian Nhật Bản thời Trung cổ được James Sanford ghi lại bằng tiếng Anh trong cuốn “Japan’s Laughing Mushrooms” kể rằng những tiều phu lạc lối và đói khát trong núi đã ăn phải thứ nấm do các nữ tu say xỉn mời. Kết quả là tất cả cùng cười và nhảy múa tưng bừng. Đây chính là một trong những lần đầu tiên xuất hiện từ “maitake” trong tiếng Nhật, có nghĩa là “nấm nhảy múa”. Câu chuyện dân gian này, được trích dẫn trong bài viết của Sanford, gợi ý rằng thủ phạm thực sự chính là loài nấm được người Nhật gọi là “waratake” (nấm cười).
Nhiều nhà nghiên cứu nấm học Nhật Bản như Seiichi Kawamura, Rokuya Imazeki và Tsuguo Hongo trong cuốn “Genshoku Nihon kinrui zukan” (tạm dịch: Bách khoa toàn thư về nấm Nhật Bản) cũng ghi nhận tác dụng gây ảo giác của G. junonius. Cụ thể, Imazeki và Hongo mô tả rằng “người trúng độc sẽ trở nên phấn khích, nhảy múa, hát hò và cười điên cuồng”.
Tuy nhiên, nghi ngờ khác về “waratake” được đề cập trong bài báo năm 1971 của Sanford, loài Paneolus papilionaceus, hiện được biết là không chứa psilocybin. Điều này cho thấy các báo cáo độc tính trước đây có thể đã nhầm lẫn nó với một loài nấm khác.
Tác dụng của nấm Laughing Gym
Nấm G. junonius được tìm thấy ở Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Úc dường như không chứa psilocybin. Vì vậy, những người ăn phải nấm này có thể chỉ cảm thấy vị đắng của nó. Tuy nhiên, nếu bạn vô tình hái phải một số loài Gymnopilus có hoạt tính thì trải nghiệm của bạn có thể tương tự như chuyến đi với các loại nấm chứa psilocybin khác. Mặc dù một số người ăn phải Gymnopilus có hoạt tính cho rằng các alkaloid khác có trong nhóm nấm này có thể gây ra hiệu ứng entourage (tương tác tổng hợp) khác biệt so với trải nghiệm thường thấy với nấm thức thần, nhưng đây là lĩnh vực cần được nghiên cứu thêm.
Độ mạnh của Gymnopilus junonius
Chưa có nghiên cứu khoa học nào đo được hàm lượng psilocybin trong G. junonius. Nghiên cứu trên các loài nấm khác cùng chi cho thấy:
- G. dilepis: 0,0031-0,0131% psilocybin
- G. validipes: 0,12% psilocybin
- G. liquiritiae: 0,012-0,029% psilocybin
- G. purpuratus: 0,34% psilocybin
Dữ liệu này cho thấy các loài nấm Gymnopilus có thể đạt tới một nửa sức mạnh của nấm Psilocybe cubensis thông thường, nhưng nhiều loài khác có thể yếu hơn đáng kể.
Cách nhận dạng nấm Laughing Gym
Các nghiên cứu gần đây cho thấy G. junonius là loài nấm khó xác định chính xác đến mức độ loài. Chúng thường bị nhầm lẫn với các loài họ hàng gần khác nếu không có kính hiển vi hoặc máy giải trình tự ADN.
Đặc điểm chính
Những đặc điểm sau có thể giúp bạn phân biệt tạm thời G. junonius với các loài tương tự. Nhưng nhớ rằng để chắc chắn, luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Mũ nấm: Mọc to đến 30cm, hình dáng ban đầu như chiếc ô nhưng sẽ xòe phẳng ra theo tuổi. Nấm non thường có màu vàng cam tươi, già thì ngả sang nâu cam xỉn. Bề mặt mũ khô nhưng có phủ vảy lông.
Thân nấm: Dài đến 25cm, dày khoảng 5cm. Màu sắc thay đổi từ vàng xỉn đến nâu cam, thường nhỏ dần về phía gốc. Đặc biệt, trên đỉnh cuống nấm có một vòng nhẫn mỏng, đôi khi dính bào tử.
Bào tử: Tất cả các loài Gymnopilus đều có bào tử màu cam gỉ sắt.
Có thể tìm thấy nấm Laughing Gym ở đâu?
Nấm Laughing Gym từng là tâm điểm nhầm lẫn của các nhà nghiên cứu. Vì thế, thay vì chỉ tập trung vào loài này, bài viết sẽ cung cấp thêm thông tin về khu vực sinh sống của các loài Gymnopilus tương tự (kèm theo đặc tính gây ảo giác đã biết) để bạn dễ dàng tìm được mục tiêu hơn.
- G. junonius: Thường mọc trên thân cây gỗ cứng (ít gặp trên cây lá kim) ở Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Úc. Không có hoạt tính gây ảo giác.
- G. voitkii: Ưa thích cây lá kim ở British Columbia, miền đông Canada và Hoa Kỳ, nhưng có thể phân bố rộng hơn. Hoạt tính chưa rõ.
- G. ventricosus: Thường mọc trên cây lá kim phía tây dãy núi Rocky, có thể trùng khu vực với G. voitkii. Không có hoạt tính gây ảo giác.
- G. luteus: Ưa thích thân cây gỗ cứng ở miền đông Hoa Kỳ và Canada. Có hoạt tính gây ảo giác.
- G. subspectabilis: Mọc trên thân cây gỗ cứng ở Quebec, Ontario và Michigan, nhưng có thể phân bố rộng hơn. Nhà nghiên cứu nấm học Alan Rockefeller cho rằng loài này chứa psilocybin, nhưng chưa có nghiên cứu chính thức nào xác nhận.
- G. speciosissimus: Tương tự, ưa thích thân cây gỗ cứng ở Quebec và Ontario, nhưng có thể phân bố rộng hơn. Khi bị bẻ gãy, phần thịt sẽ chuyển màu xanh-lá, nhưng hoạt tính psilocybin chưa được kiểm chứng.
- G. orientispectabilis: Thường mọc trên thân cây gỗ cứng ở Nhật Bản. Rất có thể có hoạt tính gây ảo giác. Có thể còn nhiều loài Gymnopilus gần gũi khác mọc trong các khu rừng Nhật Bản, với hàm lượng psilocybin khác nhau, nhưng cần nghiên cứu thêm.
Các loài nấm độc giống Laughing Gym
Bên cạnh việc nhầm lẫn giữa các loài Gymnopilus, những người tìm kiếm nấm Laughing Gym cũng có thể dễ dàng nhầm lẫn chúng với các loài nấm độc khác như nấm Jack-o’-lantern (Omphalotus olearius) hoặc nấm Chuông tang lễ chết người (Galerina marginata). Nếu không chắc chắn, tuyệt đối không ăn bất kỳ loại nấm lạ nào.
Trồng nấm Laughing Gym
Hiện tại, việc trồng được loài nấm này còn khá hiếm. Tuy nhiên, các loài Gymnopilus nói chung có thể được nuôi cấy trên gỗ, tương tự như Psilocybe ovoideocystidiata, Psilocybe cyanescens và Psilocybe allenii. Chúng có thể được trồng trong thùng ở nhà hoặc luống ngoài trời.
1cm2 tổng hợp