Khám phá mối liên hệ giữa đặc điểm tính cách và trải nghiệm với Chất thức thần

Tính cách ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với thế giới, định hình cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và xây dựng các mối quan hệ. Vậy liệu những đặc điểm này có ảnh hưởng đến trải nghiệm của một chuyến đi với chất thức thần hay ngược lại, trải nghiệm đó có làm thay đổi tính cách của chúng ta hay không?

Một phần tính cách được quyết định bởi gen, phần còn lại hình thành qua các trải nghiệm sống của chúng ta. Khi trưởng thành, tính cách có xu hướng ổn định hơn nhưng vẫn có những thay đổi theo thời gian.

Chất thức thần có khả năng phá vỡ tính ổn định này, mang đến những biến đổi sâu sắc và lâu dài cho tính cách. Điều này có thể được giải thích bằng khả năng mở rộng nhận thức của chất thức thần, giúp cá nhân có những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, từ đó “khai phá” những tầng sâu cảm xúc mà trước đây chúng ta khó chạm tới.

Mặc dù việc tích hợp trải nghiệm phụ thuộc vào mỗi cá nhân, các nhà nghiên cứu và chuyên gia sức khỏe tâm thần đang khai thác tiềm năng này để cải thiện sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân.

Mô hình The Big Five Personality Traits (Big-Five)

Hiểu được bản thân là nền tảng quan trọng để nghiên cứu tác động của chất thức thần lên con người. Theo mô hình Big Five (Ngũ đại nhân cách), tính cách được cấu thành từ 5 yếu tố chính. Mỗi yếu tố tồn tại trên một liên tục thể hiện mức độ từ thấp đến cao, do đó vị trí của bạn sẽ nằm trên trục này.

1. Hướng ngoại (Extraversion) 

Đặc trưng bởi sự năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội và dễ dàng xây dựng các mối quan hệ. 

Người hướng ngoại thường hoà đồng, cởi mở, thể hiện cảm xúc tích cực và chủ động trong giao tiếp. Ngược lại, người hướng nội (Introversion) thường có xu hướng trầm tính hơn, thiên về lắng nghe và suy tư. Mặc dù họ không hoàn toàn ngại giao tiếp xã hội, nhưng các hoạt động này có thể khiến họ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

2. Dễ tính (Agreeableness)

Thể hiện khả năng xây dựng các mối quan hệ tích cực thông qua sự thấu hiểu, tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ người khác. 

Người dễ tính thường nồng nhiệt, tin tưởng và có xu hướng quan tâm đến nhu cầu của người khác để giúp họ cảm thấy thoải mái. Ngược lại, người khó tính (Disagreeableness) có thể gặp khó khăn trong giao tiếp do thiếu đồng cảm, ích kỷ và ít quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh.

3. Cởi mở với trải nghiệm (Openness to Experience)

Đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ và vượt ra khỏi vùng an toàn. 

Người có tính cởi mở cao thường tò mò, ham học hỏi và yêu thích khám phá những điều mới lạ. Họ có thể bộc lộ năng khiếu nghệ thuật và tư duy sáng tạo. Ngược lại, người kín đáo (Low Openness) thường thiên về tính thực tế, thích sự ổn định và an toàn, do đó họ có xu hướng tuân theo những thói quen đã có.

4. Tận tâm (Conscientiousness)

Khả năng đặt mục tiêu, lập kế hoạch và thực hiện chúng một cách nghiêm túc, có tổ chức. 

Người tận tâm thường chăm chỉ, tỉ mỉ và có ý chí mạnh mẽ trong việc theo đuổi mục tiêu đến cùng. Ngược lại, người thiếu tính tận tâm (Low Conscientiousness) có thể gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, dễ nản chí và bỏ dở công việc giữa chừng.

5. Nhạy cảm (Neuroticism)

Liên quan đến khả năng kiểm soát cảm xúc và mức độ dễ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực.

Người có mức độ nhạy cảm cao thường hay lo lắng, dễ buồn chán và có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Ngược lại, người có mức độ nhạy cảm thấp (Emotional Stability) thường điềm tĩnh, tự tin và có khả năng kiểm soát cảm xúc hiệu quả.

Đặc điểm tính cách có ảnh hưởng đến trải nghiệm với Chất thức thần không?

Hoàn toàn có. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Psychoactive Drugs đã chỉ ra mối liên hệ giữa 5 yếu tố tính cách theo mô hình Big Five với phản ứng của cá nhân trong quá trình sử dụng psilocybin.

  • Người có mức độ cởi mở cao: có xu hướng trải nghiệm những cảm xúc tích cực như tình yêu thương, hình ảnh nội tâm phong phú và thậm chí là kết nối với những thực thể hoặc thế lực phi thường.
  • Người hướng ngoại: thường báo cáo cảm giác gắn kết sâu sắc hơn với người khác. Họ cũng được cho là “ít có khả năng gặp phải những thực thể phi thường” nhất. Điều này có thể phản ánh sở thích tương tác xã hội hơn là đào sâu vào nội tâm của những người hướng ngoại.
  • Người có mức độ nhạy cảm cao: có nguy cơ cao gặp phải trải nghiệm tiêu cực (bad trip).

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy:

  • Người có mức độ ổn định cảm xúc cao (highly emotionally stable): có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn, ít trải qua cảm giác sợ hãi trong chuyến đi với chất thức thần.
  • Người ưa mạo hiểm (risk-takers): do thiên hướng tìm kiếm những trải nghiệm tâm lý mạnh mẽ, họ có khả năng cao hơn trong việc trải qua “cái chết của bản ngã” (ego death) hoặc “sự tan rã của bản ngã” (ego dissolution).

Chất thức thần có ảnh hưởng đến tính cách không?

Nghiên cứu khoa học gần đây đã hé lộ những ứng dụng tiềm năng của chất thức thần trong lĩnh vực tâm lý. Nghiên cứu “Effects of Psilocybin Therapy on Personality Structure”của David Erritzoe – được công bố trên tạp chí Acta Psychiatrica Scandinavica đã đánh giá tác động của liệu pháp psilocybin kết hợp với hỗ trợ tâm lý lên 5 yếu tố tính cách theo mô hình Big Five trên 20 bệnh nhân mắc chứng trầm cảm kháng trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy psilocybin có thể tác động tích cực đến một số đặc điểm tính cách, bao gồm:

  • Tăng mức độ Cởi mở (Openness): Điều này có thể giúp cá nhân tiếp nhận những trải nghiệm mới mẻ, tư duy đa chiều và linh hoạt hơn.
  • Tăng mức độ Hướng ngoại (Extraversion): Liệu pháp psilocybin có thể hỗ trợ cá nhân xây dựng các mối quan hệ xã hội tích cực và tăng cường khả năng giao tiếp.
  • Giảm mức độ Nhạy cảm (Neuroticism): Psilocybin có thể giúp kiểm soát cảm xúc tiêu cực, giảm lo âu và căng thẳng, từ đó mang lại sự an tâm và cân bằng cảm xúc.
  • Xu hướng tăng mức độ Tận tâm (Conscientiousness): Psilocybin có thể thúc đẩy cá nhân đặt mục tiêu rõ ràng và nỗ lực hơn trong việc đạt được chúng. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định hiệu quả này.
Các khía cạnh và mặt tính cách được in đậm cho thấy điểm số có sự khác biệt đáng kể giữa mốc thời gian ban đầu và sau 3 tháng, thông qua bài kiểm tra t ghép đôi (Student’s paired t-tests) và được kiểm soát bằng phương pháp FDR để loại trừ sai số do so sánh nhiều lần.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của liệu pháp psilocybin đến tính cách của bệnh nhân trầm cảm. Trong 20 tình nguyện viên, 18 người đáp ứng các tiêu chuẩn cho mức độ trầm cảm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng theo thang điểm Quick Inventory of Depressive Symptoms (QIDS). 2 người còn lại có mức độ trầm cảm trung bình.

Đáng chú ý, 5 trong số 20 tình nguyện viên đã từng sử dụng chất thức thần trước đây với mục đích giải trí. Tuy nhiên, tiền sử này không ảnh hưởng đến việc thiết kế và phân tích nghiên cứu.

Cùng thời điểm với sàng lọc trầm cảm, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng thang đo Revised NEO Personality Inventory (NEO-PI-R) để đánh giá tính cách nền tảng của bệnh nhân. NEO-PI-R là một trắc nghiệm đa lựa chọn theo thang điểm Likert, giúp đánh giá 5 yếu tố chính của mô hình Big Five.

Liệu pháp psilocybin được thực hiện trong hai buổi cách nhau một tuần. Liều dùng ở buổi đầu tiên là 10mg và 25mg ở buổi thứ hai.

Để hỗ trợ tích hợp trải nghiệm, các tình nguyện viên quay lại phòng thí nghiệm vào ngày hôm sau và một tuần sau liều dùng cuối cùng. Tại đây, họ hoàn thành bảng câu hỏi về Trạng thái Nhận thức Biến đổi (Altered State of Consciousness Questionnaire) nhằm mô tả các trải nghiệm trong “chuyến đi” theo nhiều yếu tố khác nhau. Bên cạnh đó, họ cũng làm lại bài kiểm tra QIDS và NEO-PI-R để theo dõi sự thay đổi về tính cách.

Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm số Nhạy cảm nhìn chung giảm xuống, trong khi điểm số Hướng ngoại và Cởi mở tăng lên. Điểm số Tận tâm có xu hướng tăng nhẹ, còn điểm số Dễ tính không có biến động đáng kể so với giai đoạn đầu.

Mặc dù các phương pháp điều trị trầm cảm thông thường cũng có thể đạt được những kết quả này, liệu pháp sử dụng chất thức thần dường như có khả năng cải thiện Hướng ngoại và Cởi mở theo cách mà các phương pháp khác không làm được. Mức độ Cởi mở cao là yếu tố then chốt cho những trải nghiệm sâu sắc với chất thức thần. Bệnh nhân có điểm Cởi mở cao có nhiều khả năng đạt đến trạng thái an lạc, cảm giác kết nối mạnh mẽ và có trải nghiệm tâm linh ở đỉnh điểm của chuyến đi. Đáng tiếc, những người có điểm số Nhạy cảm cao chỉ có những cải thiện nhỏ về triệu chứng trầm cảm.

Đáng chú ý là những kết quả này được duy trì sau ba tháng theo dõi cho thấy một liều chất thức thần lớn với sự hỗ trợ tâm lý có thể tạo ra những thay đổi lâu dài cho các đặc điểm tính cách.

Microdose Chất thức thần có ảnh hưởng đến tính cách không?

Microdosing hay sử dụng thường xuyên các liều lượng nhỏ chất thức thần đang nổi lên như một phương pháp tiềm năng cải thiện sức khỏe tinh thần, hiệu suất công việc và khả năng sáng tạo. Nghiên cứu mới đây của Hannah Dressler et al. – được công bố trên tạp chí Journal of Psychedelic Studies, đã tập trung vào một khía cạnh khác: liệu microdosing có tác động đến cấu trúc tính cách của người sử dụng hay không.

Nghiên cứu tuyển chọn 76 tình nguyện viên có kinh nghiệm microdosing trước đó và hiện tại và không mắc bất kỳ chẩn đoán liên quan đến sức khỏe tâm thần. Sau khi hoàn thành khảo sát trực tuyến đánh giá tính cách theo mô hình Big Five và tiết lộ thói quen microdosing, nhóm tình nguyện viên tiếp tục liệu trình trong một tháng.

Đợt theo dõi sau đó cho thấy sự gia tăng đáng kể về mức độ Tận tâm (Conscientiousness) và giảm nhẹ mức độ Nhạy cảm (Neuroticism) trong nhóm tham gia. Các đặc điểm tính cách khác như Dễ tính (Agreeableness), Cởi mở (Openness) hoặc Hướng ngoại (Extraversion) không có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, những người tham gia còn báo cáo cảm thấy bản thân có tổ chức hơn, trách nhiệm hơn và kiên định hơn, từ đó cải thiện khả năng hoàn thành các công việc thường ngày.

Bên cạnh những lợi ích về tinh thần, công việc, sáng tạo, microdose chất thức thần còn có thể tác động đến tính cách theo hướng tích cực. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nordic Studies on Alcohol and Drugs Online cho thấy microdose có thể giúp bạn cảm thấy “chân thật” hơn (more authentic), hé lộ thêm tiềm năng của phương pháp này.

Kết quả cho thấy microdosing giúp tăng mức độ Tận tâm (Conscientiousness), giảm mức độ Nhạy cảm (Neuroticism). Nghiên cứu cũng ghi nhận những thay đổi tích cực về mặt trạng thái tinh thần, thể hiện qua việc người tham gia cảm thấy có tổ chức hơn, trách nhiệm hơn và “sống thật” (authentic) hơn.

Tính cách có ảnh hưởng đến liệu trình Microdose không?

Nghiên cứu của Hannah Dressler et al. đã mở rộng phạm vi tìm hiểu về microdosing chất thức thần, đánh giá mối liên hệ giữa tính cách và việc tuân thủ liệu trình. Nghiên cứu cho thấy hai yếu tố là Hướng ngoại (Extraversion) và Nhạy cảm (Neuroticism) có thể ảnh hưởng đến quá trình microdosing của người dùng.

Những người có mức độ Hướng ngoại cao có xu hướng bắt đầu và duy trì liệu trình microdose lâu dài hơn. Ngược lại, những người có điểm số Nhạy cảm cao thường có ít trải nghiệm microdose hơn và thời gian sử dụng cũng ngắn hơn. 

Động lực chính để bắt đầu microdose của nhóm nghiên cứu này chủ yếu là mong muốn phát triển bản thân và tự điều trị, bên cạnh một số ít người hướng đến mục tiêu cải thiện năng suất hoặc sáng tạo.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả là kinh nghiệm microdosing trước đó của người tham gia. Những người chưa từng thử microdosing có xu hướng có điểm số Nhạy cảm cao hơn ngay từ đầu, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tham gia nghiên cứu.

Nghiên cứu khác cho thấy trải nghiệm sử dụng chất thức thần lần đầu có thể làm tăng nhận thức cảm xúc (emotional awareness) của người dùng, đôi khi dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Mặc dù vậy, những trải nghiệm này cũng có thể cung cấp cho người dùng công cụ để vượt qua các vấn đề về cảm xúc.

Kết luận

Những đặc điểm tính cách như hay lo âu, ngại giao tiếp có thể ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập xã hội và xây dựng các mối quan hệ. Nghiên cứu của Erritzoe cho thấy những người mắc chứng trầm cảm và có mức độ Nhạy cảm (Neuroticism) cao thường kém đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên, trải nghiệm sử dụng chất thức thần đủ sâu sắc có thể tác động tích cực đến các đặc điểm tính cách lại cho thấy tiềm năng cải thiện tình trạng bệnh.

Nghiên cứu về chất thức thần đang bước vào giai đoạn phục hưng, hé lộ những ứng dụng tiềm năng của chúng trong điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Sau nhiều năm nghiên cứu hạn chế, giờ đây các nhà khoa học đang khám phá ra lợi ích của psilocybin, LSD và các hợp chất khác như những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post