Khi mèo cưng của bạn “phê” Nấm Thức Thần

Nếu bạn là người thích trải nghiệm các chất thức thần và nuôi mèo, có bao giờ bạn tự hỏi liệu chất gây ảo giác có ảnh hưởng đến “boss” lông xù đáng yêu của mình giống như cách chúng ảnh hưởng đến bạn không? Xét cho cùng, ngay cả khi thú cưng của bạn không có khả năng suy ngẫm về vũ trụ bên ngoài (mặc dù, thực sự thì ai biết được?), thì mèo vẫn chia sẻ tới 90% ADN với chúng ta.

May mắn là thay vì hành động theo sự tò mò này, bạn đã tìm kiếm thêm thông tin và đó là lý do tại sao bạn đang ở đây. Thật là một quyết định sáng suốt! Hãy đọc tiếp để tìm hiểu chính xác điều gì xảy ra nếu mèo ăn phải nấm thức thần và làm thế nào để giữ an toàn cho thú cưng của bạn nhé.

Điều gì xảy ra khi mèo ăn nấm thức thần?

Mèo của bạn sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể rất nguy hiểm. Bác sĩ thú y Eve Harrison kiêm người sáng lập Marigold Veterinary cho biết: “Trung tâm Kiểm soát Độc vật ASPCA đã báo cáo các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn và uể oải khi động vật ăn phải nấm chứa psilocybin.” Theo bác sĩ thú y Sara Ochoa kiêm đồng sáng lập của How To Pets thì “Một con vật ăn phải psilocybin cũng có thể bị kích động, lú lẫn, nhịp tim tăng, mất nước và ảo giác.” Cả cô và Harrison đều khuyên bạn nên giữ mèo cưng tránh xa nấm thức thần.

“Mèo có hệ sinh lý khác với người, và cơ thể chúng không thể xử lý psilocybin theo cùng một cách như chúng ta”, bác sĩ Ochoa giải thích. “Ăn phải nấm psilocybin có thể cực kỳ nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cho động vật.”

Nấm thức thần, đặc biệt là Amanita muscaria, thậm chí có thể khiến vật nuôi rơi vào trạng thái ngủ giống như hôn mê, theo Paola Cuevas, bác sĩ thú y và nhà hành vi thú y tại Excited Cats. Những con vật này có thể hồi phục sau tối đa 72 giờ trong tình trạng này nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Alex van der Walt, trợ lý thú y và tác giả của Animals Around the Globe cho biết thêm là nấm A. muscaria đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể dẫn đến độc tố gan.

Vậy liệu tất cả mèo ăn phải nấm đều sẽ bị bệnh? Không hẳn thế – nhưng kiến thức của chúng ta hiện tại vẫn chưa đủ để khẳng định liệu nó có bao giờ an toàn không. “Hiện tại không có nghiên cứu khoa học được chính thức nào về việc sử dụng điều trị hoặc liều lượng thích hợp cho động vật được công bố”, bác sĩ Harrison nói. Theo bác sĩ Ochoa, ngay cả một lượng rất nhỏ psilocybin cũng có thể gây độc cho động vật nên liều lượng thực sự không quan trọng. Vì vậy, tốt nhất là đừng mạo hiểm!

Cách ứng phó khi mèo ăn phải nấm thức thần

Trước tiên, hãy bình tĩnh! Bác sĩ thú y Eve Harrison nhấn mạnh rằng nấm thức thần thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của mèo. Nhưng điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ thú y, phòng cấp cứu thú y địa phương hoặc trung tâm kiểm soát độc vật dành cho động vật càng sớm càng tốt. Bác sĩ Ochoa cũng khuyến cáo: “Nếu nghi ngờ mèo ăn phải nấm, đừng chờ đợi triệu chứng xuất hiện mới đi khám bác sĩ.”

Khi đến phòng khám, bác sĩ thú y sẽ cần xác định loại nấm mèo đã ăn phải. Nếu không rõ, bạn nên chụp ảnh loại nấm đó để cung cấp cho bác sĩ thú y.

Nếu mèo mới ăn phải nấm trong vòng hai giờ, bác sĩ thú y có thể chỉ định sử dụng thuốc gây nôn để loại bỏ nấm ra khỏi đường tiêu hóa. Tuyệt đối không tự ý cho mèo nôn tại nhà, trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thực hiện không đúng cách, chất nôn có thể lọt vào phổi của mèo và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Harrison lưu ý: “Nếu quá hai giờ hoặc mèo đã có biểu hiện bất thường do ngộ độc nấm, bác sĩ thú y sẽ áp dụng các phương pháp điều trị khác để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu cho mèo.” Theo bác sĩ Cuevas, bác sĩ thú y cũng có thể tiến hành xét nghiệm kiểm tra chức năng các cơ quan nội tạng của mèo và/hoặc truyền dịch tĩnh mạch cho chúng.

Các biểu hiện ngộ độc nấm thức thần thường gặp ở mèo

Ngoài những biểu hiện thường gặp như nôn mửa, tiêu chảy, bỏ ăn, uể oải, nhịp tim tăng, kích động, lú lẫn, ảo giác và mất nước, mèo ăn phải nấm thức thần có thể xuất hiện thêm nhiều triệu chứng đáng lo ngại khác, bao gồm: 

  • Đi lại loạng choạng như say rượu 
  • Sốt cao bất thường 
  • Hiếu động quá mức, không kiểm soát
  • Chảy nước dãi nhiều
  • Run rẩy 
  • Vàng da 
  • Co giật 
  • Hung hăng 
  • Phấn chấn, kích động thái quá
  • Quá nhạy cảm với âm thanh và các tác động vật lý 
  • Kêu meow khác thường, âm thanh thể hiện sự đau đớn, khó chịu.

Viky Tiagué, chủ một chú mèo ở Ontario, Canada, và là người sáng lập FlashCoffee.com đã từng rất hốt hoảng khi mèo cưng của anh là Marmalade ăn phải một cây nấm Amanita muscaria mà anh hái được trong lúc đi bộ leo núi. Anh nhớ lại cảnh Marmalade “chạy loanh quanh hoảng sợ và thở dốc”. May mắn thay, anh đã nhanh chóng đưa mèo đến bác sĩ thú y và được truyền dịch tĩnh mạch, cho uống than hoạt tính và theo dõi tình trạng của suốt cả ngày. Sáng hôm sau, chú mèo đã khỏe lại bình thường.

Bác sĩ thú y Alex van der Walt từng điều trị cho Lily –  một mèo lông ngắn Anh ba tuổi xuất hiện triệu chứng lờ đờ, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lú lẫn và đi lại loạng choạng sau khi ăn phải nấm dại mọc trong vườn.

“Chúng tôi đã bù nước cho Lily để khắc phục tình trạng mất nước và điều chỉnh lại điện giải trong cơ thể bé,” bác sĩ van der Walt nhớ lại. “Ngoài ra, chúng tôi còn dùng thuốc để giảm nôn mửa, hạn chế hấp thu độc tố và thuốc bảo vệ gan trong trường hợp gan bị tổn thương. May mắn là chủ nhân của Lily đã đưa bé đến phòng khám kịp thời nên chúng tôi có thể giúp Lily ổn định trở lại.”

Mẹo giữ nấm thức thần xa khỏi mèo cưng

Thay vì phải lo lắng khắc phục hậu quả, hãy chủ động phòng ngừa ngay từ đầu. Bác sĩ Harrison khuyên bạn nên cất giữ nấm (đã qua xử lý) trong hộp kín có khóa, đặt ở những vị trí mèo không thể với tới, chẳng hạn như tủ khóa hoặc kệ cao. “Giống như bạn cất giữ các chất độc hại khác với mèo như sôcôla, hành tây và tỏi xa tầm với của chúng, hãy luôn cẩn trọng và nhớ rằng ‘tò mò hại mèo,'” bác sĩ Cuevas nhấn mạnh. “Đừng để sự bất cẩn của bạn biến mèo cưng thành nạn nhân.”

Nếu mèo của bạn hay đi lại ngoài trời, bác sĩ Harrison khuyến nghị nên thường xuyên kiểm tra sân vườn xem có nấm dại mọc không. “Động vật thường bị thu hút bởi những loại nấm độc hại nhất, vì chúng thường có mùi đất, mùi thịt hoặc mùi tanh,” bác sĩ giải thích. “Chó hoặc mèo có thể dễ dàng nhầm lẫn nấm độc với thức ăn. Vì vậy, nếu bạn tìm thấy nấm mọc ở bất cứ đâu trong nhà, tốt nhất nên loại bỏ chúng hoàn toàn.”

Theo bác sĩ thú y Emma Fulton kiêm nhà tư vấn cho WhiskerWitty, bạn cũng có thể dọn sạch lá rụng và các đống củi khô vì đây là môi trường lý tưởng cho nấm phát triển và chuyển cây cảnh ra ngoài trời vì bào tử nấm có thể phát triển trong đất. “Ngoài ra, hãy đảm bảo mèo cưng có đủ đồ chơi và hoạt động vui chơi trong nhà để chúng ít đi lang thang bên ngoài và ăn phải nấm độc hoặc các thứ nguy hiểm khác.”

Tiagué hiện nay đã cẩn thận hơn nhiều trong việc thực hiện các biện pháp này và giám sát chặt chẽ mèo cưng. Anh chia sẻ: “Tôi luôn đảm bảo nấm được cất giữ trong hộp kín có khóa hoặc tủ cao an toàn, tránh xa tầm với của Marmalade. Điều quan trọng cần nhớ là mèo có thể rất nhanh nhẹn và leo lên những vị trí bất ngờ, vì vậy việc chọn một nơi cất giữ an toàn và không thể với tới là rất cần thiết. Tôi luôn theo dõi Marmalade mỗi khi chúng tôi ra ngoài. Và hãy nhớ, nếu thú cưng của bạn ăn phải thứ gì đó có hại, hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y ngay lập tức.”

Các loại nấm không gây ảo giác có an toàn cho mèo không?

Những lưu ý phòng ngừa ngộ độc nấm ở mèo đã được đề cập chủ yếu dành cho các loại nấm chứa psilocybin và họ hàng của chúng như nấm Amanita muscaria, nấm Conocybe và nấm Gymnopilus cũng có tác dụng kích thích thần kinh. Vậy còn các loại nấm thông thường khác thì sao?

Trên thực tế, bác sĩ Harrison đôi khi kê đơn các loại nấm dược liệu không gây ảo giác cho mèo. “Không phải tất cả các loại thảo mộc, nấm và thực vật an toàn (hoặc có tác dụng điều trị) cho người cũng an toàn cho động vật,” bác sĩ giải thích. “Tuy nhiên, có nhiều loại nấm được biết đến là an toàn và có lợi cho sức khỏe của thú cưng.” Ví dụ như nấm Thổ Nhĩ Kỳ, nấm sư tử biển, nấm hương, nấm maitake và nấm linh chi có thể có lợi cho đường huyết, hệ miễn dịch và chức năng nhận thức của mèo.

Mặc dù vậy, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi cho “boss” nhà mình ăn bất kỳ loại nấm nào kể trên. Bác sĩ van der Walt cho biết ngay cả nấm dược liệu không gây ảo giác cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho hệ tiêu hóa của mèo. Bác sĩ Ochoa khuyến cáo nên thận trọng với tất cả các loại nấm, vì tác động của chúng lên mèo có thể khác biệt so với người, và hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. “Tốt nhất là tránh xa tầm với của mèo cưng tất cả các loại nấm, bao gồm cả nấm thức thần, trừ khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ thú y.”

1cm2 tổng hợp

Sarah

Painting thoughts with colors unseen.