Hiện tượng ảo giác khi sử dụng chất thức thần có cơ chế như thế nào? Vì sao nhiều người lại nhìn thấy những hình ảnh tương tự nhau dù ở những thời điểm, không gian khác nhau? Và quan trọng hơn, vì sao chất thức thần lại có thể mở ra một thế giới thị giác hoàn toàn mới như vậy?
Khi bước vào một chuyến hành trình với chất thức thần, bạn có thể trải nghiệm vô số hiệu ứng thị giác – từ nhẹ nhàng, tinh tế đến sống động như thật. Đó có thể là những dải màu rực rỡ liên tục chuyển động, các họa tiết hình học phức tạp, biểu tượng kỳ bí, những hình ảnh thoáng qua hay thậm chí là cả một chuỗi câu chuyện hoàn chỉnh. Điều thú vị là nhiều dạng ảo giác này xuất hiện ở nhiều người, bất kể họ sống ở đâu hay trải nghiệm vào thời điểm nào.
Bài viết này sẽ lý giải khoa học đằng sau những hiệu ứng thị giác đó, phân loại các dạng ảo giác (như khi mở mắt và nhắm mắt) cũng như cách từng loại chất thức thần mang đến những trải nghiệm khác nhau.
Hiệu ứng thị giác khi dùng Chất thức thần là gì?
Trong tất cả những biến đổi tri giác mà chất thức thần mang lại, ảo giác thị giác có lẽ là thứ rõ rệt và đặc trưng nhất. Nhắc đến từ “psychedelic”, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến những hoa văn đầy màu sắc và chuyển động không ngừng.
Những hình ảnh này có thể chia thành bốn nhóm chính:
- Sự khuếch đại – màu sắc trở nên rực rỡ hơn, ánh sáng lung linh hơn.
- Méo mó, biến dạng – vật thể có thể co giãn, chảy tràn hoặc rung động một cách bất thường.
- Hoa văn hình học – xuất hiện những họa tiết lặp lại có quy luật, như mạng lưới, vòng xoáy, hình tam giác, tổ ong.
- Ảo giác hoàn toàn – nhìn thấy những thứ không có thật, từ cảnh vật, sinh vật đến những hình ảnh siêu thực như trong mơ.
Khoa học đằng sau hiệu ứng thị giác khi dùng Chất thức thần
Có rất nhiều điều thú vị diễn ra trong não bộ khi bạn bắt đầu nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ này.
Vai trò của thụ thể serotonin 5-HT2A
Các chất chất thức thần cổ điển như LSD, nấm psilocybin hay DMT hoạt động chủ yếu bằng cách kích thích thụ thể serotonin 5-HT2A. Khi bám vào những thụ thể này, chúng kích hoạt một loạt phản ứng thần kinh, mô phỏng tác dụng của serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng liên quan đến nhận thức, cảm xúc và tri giác.
Bằng chứng rõ nhất cho vai trò của 5-HT2A trong ảo giác chất thức thần chính là một thí nghiệm với ketanserin – một chất đối kháng (antagonist) của thụ thể này. Khi dùng ketanserin trước hoặc trong khi trải nghiệm thức thần, toàn bộ hiệu ứng thị giác gần như bị triệt tiêu. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận điều này, cho thấy rằng chính serotonin 5-HT2A là chìa khóa tạo nên những hình ảnh kỳ diệu mà chất thức thần mang lại.
Tại sao chúng ta lại nhìn thấy hoa văn hình học?
Năm 2002, một nhóm nghiên cứu đã đề cập đến công trình của nhà tâm lý học Heinrich Klüver, người đã phân loại ảo giác hình học thành bốn nhóm chính:
- Đường hầm và phễu
- Hình xoắn ốc
- Cấu trúc lưới như tổ ong, hình tam giác
- Mạng nhện
Hầu hết những hoa văn này đều xuất hiện ngay cả khi nhắm mắt và có xu hướng di chuyển cùng với ánh mắt. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này chứng tỏ ảo giác khi dùng chất thức thần không xuất phát từ mắt mà đến từ vùng V1 – khu vực đầu tiên trong vỏ não thị giác chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh.
Theo mô hình toán học, vùng V1 hoạt động như một mạng lưới các “khối siêu cột” (hypercolumns), trong đó mỗi khối chịu trách nhiệm xử lý một phần nhỏ của trường nhìn (theo nghiên cứu của Hubel, 1982). Khi vùng này bị kích thích bởi chất thức thần, các họa tiết hình học sẽ xuất hiện. Đặc biệt, cơ chế tạo ra ảo giác hình học này rất giống với cách não bộ xử lý ánh sáng, đường viền và kết cấu trong tầm nhìn hàng ngày.
Nhà thần kinh sinh học Jack Cowan, một trong những tác giả của nghiên cứu năm 2002, từng đưa ra giả thuyết rằng tín hiệu lan truyền trong vỏ não thị giác có thể tạo ra cảm giác “di chuyển qua một đường hầm” – một trong những hiệu ứng điển hình khi dùng chất thức thần. Điều này liên quan đến cách võng mạc ánh xạ hình ảnh lên bề mặt vỏ não thị giác.
Ngoài ra, não bộ con người có cấu trúc fractal, tức là các mô hình lặp lại ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều này có thể lý giải vì sao nhiều người khi trải nghiệm chất thức thần thường nhìn thấy hoa văn fractal – những hình ảnh lặp đi lặp lại theo một quy luật hoàn hảo.
Nhà nghiên cứu chất thức thần Robin Carhart-Harris từng nói về hiện tượng này như sau:
“Giống như nhánh cây phân tán từ thân chính, não bộ tự lặp lại chính nó. Bạn không thực sự nhìn thấy các tế bào thần kinh, mà là cách chúng được tổ chức – như thể bộ não đang tự tiết lộ bản thân với chính nó.”
Một số người thậm chí còn có cảm giác như đang di chuyển qua nhiều chiều không gian khác nhau. Điều này có thể là kết quả của những biến đổi trong cách não bộ xử lý thông tin không gian ba chiều và thời gian dưới tác động của chất thức thần.
Cấu trúc phân cấp của mạng lưới não bộ
Carhart-Harris và Karl Friston đã đưa ra mô hình REBUS (Relaxed Beliefs Under Psychedelics – Tạm dịch: Niềm tin được thả lỏng dưới tác động của chất thức thần), trong đó mô tả cách não bộ sắp xếp thông tin theo một hệ thống phân cấp.
Bình thường, não có hai nhóm mạng lưới chính:
- Nhóm mạng lưới cấp cao, gồm Default Mode Network (DMN) và Central Executive Network (CEN), đóng vai trò điều khiển, tổ chức nhận thức và suy nghĩ.
- Nhóm vùng não cấp thấp, gồm hippocampus (hồi hải mã) và vỏ não thị giác, xử lý trí nhớ, hình ảnh và các thông tin cảm giác.
Theo mô hình REBUS, khi sử dụng chất thức thần, sự phân cấp này bị phá vỡ. Các mạng lưới cấp cao như DMN và CEN mất kiểm soát, khiến các vùng cấp thấp hoạt động một cách tự do hơn. Điều này dẫn đến những hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, đôi khi tràn ngập tâm trí.
Bình thường, não bộ liên tục dự đoán thế giới xung quanh bằng cách so sánh dữ liệu cảm giác thực tế với những gì nó đã quen thuộc. Nếu có lỗi dự đoán – tức là thông tin thực tế khác với những gì não nghĩ – các mạng cấp cao sẽ điều chỉnh lại để giữ cho mô hình nhận thức luôn chính xác.
Nhưng khi dùng chất thức thần, sự kiểm soát này bị suy yếu. Những sai lệch từ các vùng não cấp thấp không còn được điều chỉnh mà thay vào đó tràn thẳng vào ý thức. Đây là lý do vì sao người dùng có thể nhìn thấy ảo giác hình học, những hình ảnh như mơ khi nhắm mắt, hay thậm chí là cảm giác gặp gỡ những thực thể siêu nhiên.
Carhart-Harris và Friston nhận định rằng mô hình này có thể lý giải hầu hết các trải nghiệm khi dùng chất thức thần, từ những cảnh tượng kỳ lạ đến cảm giác mất đi sự phân biệt giữa cái tôi và thế giới xung quanh.
Vai trò của đồi thị (Thalamus) trong trải nghiệm thức thần
Một giả thuyết khác được gọi là mô hình lọc thông tin của đồi thị (thalamic filter model) cho rằng chất thức thần tác động trực tiếp đến cách não tiếp nhận và xử lý thông tin từ thế giới bên ngoài.
Đồi thị (thalamus) là một cấu trúc nằm ở trung tâm não bộ, hoạt động như một trạm trung chuyển cho hầu hết các thông tin cảm giác (ngoại trừ khứu giác). Bình thường, đồi thị có nhiệm vụ lọc và kiểm soát dòng thông tin, chỉ cho phép những gì quan trọng đi vào các vùng não cao hơn, như vỏ não thị giác.
Nhưng theo mô hình thalamic gating, chất thức thần làm suy yếu quá trình lọc này, khiến não bộ nhận được nhiều thông tin hơn bình thường, kể cả những tín hiệu mà nó thường bỏ qua. Điều này làm cho người dùng có thể:
- Nhìn thấy hình ảnh rực rỡ và sống động hơn thực tế
- Cảm nhận không gian méo mó, biến dạng
- Trải nghiệm thế giới theo cách nguyên sơ hơn, như thể tất cả các giác quan đang mở ra hết mức
Mơ tỉnh
Một nghiên cứu năm 2019 trên Scientific Reports chỉ ra rằng trải nghiệm DMT giống như đang mơ nhưng với đôi mắt mở, theo cách mô tả của Carhart-Harris. Nghiên cứu do Christopher Timmermann dẫn đầu đã sử dụng điện não đồ (EEG) để đo lường hoạt động điện trong não bộ.
Khi dùng DMT, các sóng alpha vốn gắn liền với trạng thái tỉnh táo bị suy giảm đáng kể. Đồng thời, sóng theta và delta thường xuất hiện trong giấc ngủ và mơ lại gia tăng mạnh mẽ.
Giống như khi ngủ mơ, người dùng DMT hoàn toàn mất kết nối với thực tại bên ngoài, nhưng thay vì một giấc mơ diễn ra trong tiềm thức, họ lại chìm đắm trong một thế giới mở rộng ngay khi còn tỉnh táo. Trong một bài báo của Newsweek, Timmermann mô tả:
“Chúng tôi quan sát thấy một nhịp điệu mới xuất hiện tại thời điểm cường độ trải nghiệm đạt đỉnh, như thể trật tự dần hình thành giữa sự hỗn loạn của hoạt động não bộ. Dựa trên sóng não và lời kể của những người tham gia, có thể khẳng định rằng họ hoàn toàn chìm đắm trong trạng thái này – giống như mơ giữa ban ngày, nhưng sống động và chân thực hơn rất nhiều.”
Những thực thể kỳ lạ và bộ não tiến hóa của con người
Não bộ con người là một cỗ máy tiến hóa tối ưu, được lập trình để phát hiện những tín hiệu quan trọng từ môi trường, giúp ta sinh tồn. Nhưng đôi khi, cơ chế này khiến ta nhìn thấy những thứ… không thực sự tồn tại.
Nhà nhân học Michael Winkelman, trong một nghiên cứu năm 2018, đã xem xét hiện tượng gặp thực thể siêu nhiên khi dùng chất thức thần dưới góc nhìn tiến hóa. Ông phát hiện rằng các thực thể được nhìn thấy trong trải nghiệm DMT và ayahuasca rất giống với những hình tượng trong thần thoại như yêu tinh, thiên thần, người ngoài hành tinh. Theo Winkelman, những thực thể này thể hiện xu hướng nhân hình hóa (anthropomorphism), mang đặc điểm giống con người.
Winkelman lập luận rằng những hình ảnh mà chất thức thần mang lại phản ánh những cơ chế nhận thức đã giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn, bao gồm:
- Nhận diện chủ thể (Agency detection): Não bộ luôn cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm ẩn, kể cả khi không có gì thực sự ở đó. Đây là lý do vì sao ta có thể thấy những thực thể lạ xuất hiện trong ảo giác.
- Nhân hình hóa (Anthropomorphism): Con người có xu hướng gán tính cách và hình dạng con người cho những thứ không phải con người. Điều này lý giải vì sao các thực thể trong ảo giác thường có hình dáng giống người, nhưng mang đặc điểm siêu nhiên hoặc phi nhân loại.
- Lý thuyết tâm trí (Theory of Mind – ToM): Chúng ta luôn suy đoán suy nghĩ, cảm xúc, ý định của người khác để hiểu và dự đoán hành vi của họ. Khi dùng chất thức thần, bộ não kích hoạt cơ chế này ngay cả khi không có ai thực sự ở đó, khiến ta có cảm giác như đang tương tác với một thực thể có ý thức.
Ngoài ra, não bộ con người vốn có xu hướng tìm kiếm khuôn mẫu trong những tín hiệu mơ hồ – đây là lý do vì sao ta thường thấy mặt người trong đám mây, trên vỏ cây hay trên bề mặt đá (pareidolia). Khi trải nghiệm chất thức thần, xu hướng này bị khuếch đại, khiến những hình ảnh tưởng chừng như vô nghĩa trở nên sắc nét và sống động hơn bao giờ hết.
Nói cách khác, những thực thể kỳ bí xuất hiện trong trải nghiệm thức thần không phải là ảo giác ngẫu nhiên, mà là kết quả của cách não bộ chúng ta tiến hóa để nhận diện và lý giải thế giới xung quanh. Chất thức thần không tạo ra những hình ảnh này – chúng chỉ mở ra cánh cửa để ta nhìn thấy những gì vẫn luôn tồn tại bên trong tâm trí mình.
4 hiệu ứng thị giác chính khi sử dụng Chất thức thần
1. Tăng cường thị giác

- Tăng cường màu sắc: Màu sắc trở nên sáng hơn, rực rỡ hơn, đầy sức sống hơn so với bình thường.
- Tăng cường độ sắc nét thị giác: Bạn sẽ cảm thấy thị giác của mình trở nên rõ ràng hơn, các chi tiết trong môi trường xung quanh sắc nét và dễ nhận diện hơn.
- Phóng đại: Khi các vật thể xuất hiện lớn hơn so với kích thước thật của chúng, hiện tượng này còn được gọi là macropsia hoặc megalopsia.
- Tăng cường nhận diện hình mẫu: Còn gọi là pareidolia, hiện tượng này giúp bạn nhận diện những hình ảnh có ý nghĩa trong những tín hiệu mơ hồ, ví dụ như thấy mặt người trong những vật thể không phải là người (hiện tượng này gọi là face pareidolia).
2. Méo mó

- Ảo ảnh lưu lại: Nhìn thấy một vật thể trong tầm nhìn của bạn ngay cả khi vật thể gốc đã biến mất. Ví dụ, khi vật thể di chuyển, bạn có thể thấy một vệt ảnh vẫn tồn tại sau chúng. Một dạng khác của hiện tượng này là khi bạn nhìn thấy hình ảnh còn sót lại của những gì bạn vừa nhìn thấy khi nhắm mắt, hình ảnh này từ từ mờ đi. Hiện tượng này còn gọi là palinopsia.
- Vệt sáng: Tương tự như ảo ảnh lưu lại, nhưng thay vì hình ảnh, vệt sáng là những đường theo sau các vật thể di chuyển, giống như hiệu ứng của chụp ảnh phơi sáng dài.
- Méo mó hình dáng: Những vật thể trong tầm nhìn có thể bị biến dạng, tan chảy, chảy tràn, thay đổi hình dáng hoặc thậm chí như đang “hít thở”.
- Thay đổi màu sắc: Một số vùng trong tầm nhìn hoặc toàn bộ không gian có thể thay đổi màu sắc, thay vì giữ nguyên màu gốc, chúng có thể chuyển sang màu khác.
- Chuyển màu: Màu sắc trong tầm nhìn thay đổi linh hoạt, có thể từ đỏ sang xanh dương, rồi chuyển sang xanh lá cây và lại quay về màu đỏ.
- Nhiễu xạ: Khi nhìn vào những vùng sáng trong tầm nhìn, bạn sẽ thấy các dải màu sắc khác nhau.
- Méo mó phối cảnh: Các vật thể có thể xuất hiện lớn hơn, nhỏ hơn, gần hơn hoặc xa hơn so với bình thường.
- Lặp lại hình mẫu: Các chi tiết trong môi trường xung quanh lặp lại, tạo ra các hoa văn giống fractal, giống như cảm giác bạn đang bị phóng to hoặc thu nhỏ vào một không gian vô hạn.
3. Hình học
Khi sử dụng chất thức thần, một hiệu ứng phổ biến là nhìn thấy các mẫu hình học và fractal, chúng có thể bao phủ toàn bộ hoặc một phần tầm nhìn của bạn.
Những hoa văn này có thể di chuyển nhanh, đầy màu sắc sống động và phức tạp đến mức khó có thể diễn tả hết bằng lời. Ảo giác hình học do chất thức thần có thể thay đổi về mức độ và sự phức tạp, đồng thời cũng có thể xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau.
Người dùng mô tả những hiệu ứng hình học khi sử dụng chất thức thần có thể thay đổi từ:
- Phức tạp đến đơn giản
- Tự nhiên đến nhân tạo
- Đa màu sắc đến một màu duy nhất
- Sắc nét đến mềm mại
- Nhanh đến chậm
- Mượt mà đến rung lắc
- Tròn đến góc cạnh
- Không lôi cuốn đến hoàn toàn cuốn hút
4. Ảo giác
- Biến hình: Khi các vật thể trong môi trường xung quanh bạn thay đổi, biến dạng từ hình thái này sang hình thái khác, thường diễn ra một cách linh hoạt và liên tục.
- Ảo giác ngoại vi: Là những ảo giác bạn thấy khi mở mắt, xuất hiện trong môi trường xung quanh, có thể là hình ảnh mơ hồ hoặc rõ ràng. Những ảo giác này có thể là các thực thể, vật thể, cảnh vật, tình huống, hoặc con người không tồn tại trong thực tế.
- Ảo giác nội bộ: Tương tự như ảo giác ngoại vi, nhưng loại này xảy ra khi bạn nhắm mắt.
Cường độ của ảo giác thị giác khi sử dụng chất thức thần thay đổi tùy vào liều lượng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể mạnh mẽ hơn nếu kết hợp nhiều chất khác nhau hoặc do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý và môi trường xung quanh (set and setting).
Hiệu ứng khi mở mắt và nhắm mắt
Hiệu ứng khi mở mắt (Open-eye Visuals)
Là sự thay đổi trong cách bạn nhìn nhận mọi thứ xung quanh khi sử dụng chất thức thần. Với liều thấp đến trung bình, môi trường xung quanh hoặc các vật thể trong đó có thể bị biến dạng.
Những biến dạng này có thể khiến các vật thể như cong lại, vỡ ra như chất lỏng, hoặc thậm chí chúng có thể tan chảy hoặc “hít thở” (co lại và giãn ra liên tục). Khi sử dụng liều cao hơn, bạn có thể trải nghiệm ảo giác ngoại vi rõ ràng.
Hiệu ứng khi nhắm mắt (Closed-eye Visuals)
Là những hình ảnh và mẫu hình bạn thấy khi nhắm mắt trong suốt trải nghiệm thức thần.
Tùy thuộc vào chất, liều dùng và yếu tố tâm lý cũng như môi trường xung quanh, hiệu ứng khi nhắm mắt có thể mờ nhạt hoặc rõ nét như những gì bạn thấy trong thực tế khi tỉnh táo.
Các chất gây ra hiệu ứng thị giác
Có nhiều loại chất khác nhau có thể gây ra hiệu ứng thị giác thức thần, bao gồm:
Chất thức thần cổ điển
- LSD
- Psilocybin (Nấm thức thần)
- Mescaline
- DMT
Chất thức thần không cổ điển
- Ibogaine
- Ketamine
- MDMA
- Cannabis
- Salvia
Chất thức thần mới
- 4-AcO-DMT
- 1P-LSD
- 2C-B
Hiệu ứng thị giác có khác nhau tùy thuộc vào loại chất không?
Nhiều người cho rằng mỗi loại chất thức thần lại mang đến những hiệu ứng thị giác đặc trưng riêng.
Chẳng hạn, một số người mô tả hiệu ứng thị giác khi dùng nấm thức thần là mềm mại, tròn trịa và tự nhiên, trong khi với LSD, các hình ảnh lại sắc nét hơn, góc cạnh hơn và có phần “điện tử” hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 tạp chí Neuropsychopharmacology, khảo sát tác dụng của các liều LSD và psilocybin khác nhau, lại cho thấy rất ít sự khác biệt giữa hai loại này. Nghiên cứu năm 2022, do Matthias Liechti từ Đại học Basel dẫn đầu, kết luận:
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí Neuropsychopharmacology, nghiên cứu tác dụng của các liều LSD và psilocybin khác nhau, lại chỉ ra rằng rất ít sự khác biệt giữa hai loại này. Nghiên cứu năm 2022, do Matthias Liechti từ Đại học Basel dẫn đầu, kết luận:
“Cả hai liều LSD và liều cao của psilocybin đều mang lại các tác động chủ quan rất giống nhau về cả chất lượng lẫn số lượng, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức do LSD và psilocybin gây ra không có sự khác biệt nhiều ngoài thời gian tác dụng. Mọi sự khác biệt giữa LSD và psilocybin phụ thuộc vào liều lượng chứ không phải vào chất sử dụng. Tuy nhiên, LSD và psilocybin có tác động khác nhau đến nhịp tim và huyết áp.”
Theo các báo cáo không chính thức, nhiều người cho rằng hiệu ứng thị giác từ LSD thường sắc nét, rõ ràng hơn so với psilocybin, và khi dùng LSD, người ta cũng dễ trải nghiệm những hiệu ứng như vệt sáng (tracers) hay vật thể “hít thở”.
Ngược lại, nấm psilocybin có thể tạo ra những hiệu ứng thị giác mượt mà như nước, với màu sắc thay đổi mạnh mẽ và vật thể có xu hướng biến đổi nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những nhận định này của chúng ta về các loại chất thức thần khác nhau chính là một phần của tâm trạng và môi trường (set và setting), và điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cá nhân của mỗi người.
Khác với nhiều báo cáo cá nhân, các tác giả của nghiên cứu năm 2022 cho biết họ đã thực hiện che giấu (blinding) rất hiệu quả, có nghĩa là rất ít người tham gia có thể nhận ra mình đã dùng thuốc gì, trừ khi họ nhận được giả dược.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về LSD và nấm thức thần, sự khác biệt hóa học giữa các loại chất thức thần khác nhau vẫn có thể dẫn đến những hiệu ứng thị giác khác nhau.
Ví dụ, việc gặp phải thực thể tự trị (autonomous entities) được coi là một hiệu ứng đặc trưng trong trải nghiệm DMT. Gặp phải các thực thể cũng có thể xảy ra khi sử dụng nấm hoặc LSD, nhưng không phải là một hiện tượng xảy ra thường xuyên như khi dùng DMT. Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn là một điều bí ẩn.
Lời kết
Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều chưa hiểu về khoa học của hiệu ứng thị giác do chất thức thần. Chưa có một lý thuyết nào có thể giải thích hết được tất cả các cách mà chất thức thần tác động đến nhận thức thị giác.
Tuy nhiên, nghiên cứu về chất thức thần đang giúp chúng ta mở ra rất nhiều hiểu biết mới về những khía cạnh của trải nghiệm chất thức thần mà trước đây chúng ta không hề hay biết. Dù vậy, việc hiểu được nguồn gốc của hiệu ứng thị giác trong não bộ không làm giảm đi ý nghĩa của chúng.
Điều này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng những hình ảnh và ảo giác này kết nối chúng ta với lịch sử tiến hóa của loài người. Các hiệu ứng này cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ.
Một điều quan trọng cần nhớ là mặc dù các hiệu ứng thị giác của chất thức thần rất ấn tượng về mặt thẩm mỹ, nhưng chúng không phải là yếu tố quyết định trong các tác dụng trị liệu. Thay vào đó, những yếu tố như sự thấu hiểu tâm lý (thậm chí còn quan trọng hơn các hiệu ứng thần bí) là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao cảm giác hạnh phúc và sự hài lòng cá nhân.
Để có được những lợi ích tối đa từ chất thức thần, điều quan trọng là tích hợp hiệu quả cách bạn hiểu và áp dụng những trải nghiệm đó vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của mình.
1cm2 tổng hợp