“Khủng hoảng tâm linh” trong trải nghiệm với Chất thức thần

Trong những năm gần đây, lĩnh vực trị liệu bằng chất thức thần đang được quan tâm trở lại cả trong môi trường y tế chuyên nghiệp lẫn các cộng đồng tự nghiên cứu. Nhiều người tìm đến các chất này và thảo dược thiên nhiên với mục đích khám phá bản thể và tìm kiếm sự chữa lành trên phương diện tâm linh. Chất thức thần có khả năng thúc đẩy những thay đổi sâu sắc trong cách chúng ta hiểu và nhận thức về thực tại, đồng thời đưa những điều tiềm ẩn trong tâm thức lên bề mặt. Mặc dù quá trình bộc phát tâm lý hoặc thay đổi nhận thức đột ngột là cốt lõi của việc trị liệu bằng chất thức thần, đôi khi nó có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý tạm thời được gọi là “khủng hoảng tâm linh”.

Khủng hoảng tâm linh là gì?

Trong những thập niên 1980, thuật ngữ “khủng hoảng tâm linh” (spiritual emergency) được các nhà tâm lý học siêu cá nhân (transpersonal psychology) như bác sĩ Stanislav Grof và cố vấn trị liệu Christina Grof đưa vào nghiên cứu. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng khủng hoảng tinh thần hoặc biến đổi bản thể, nơi cá nhân có khả năng hướng tới trạng thái hội nhập và viên mãn hơn. Trong tác phẩm tiên phong “Spiritual Emergency: When Personal Transformation Becomes a Crisis” (tạm dịch: Khủng hoảng tâm linh: Khi biến đổi cá nhân trở thành thách thức), vợ chồng nhà Grof mô tả khủng hoảng tâm linh “vừa là khủng hoảng vừa là cơ hội để vươn lên một cấp độ nhận thức mới.”

Bản chất của từ “khủng hoảng” (emergency) mang tính cấp bách, nhưng ẩn chứa bên trong nó là “nổi lên” (emergence) – chỉ quá trình một điều gì đó được nhận biết hoặc nhìn thấy. Điều này ngầm chỉ bản chất kép của khủng hoảng tâm linh, vừa là thách thức vừa tiềm ẩn cơ hội. Do đó, nhà Grof phân biệt giữa khủng hoảng tâm linh (spiritual emergency) với quá trình chậm rãi và ít gây xáo trộn hơn là tỉnh thức tâm linh (spiritual emergence).

So với khủng hoảng tâm linh, quá trình tỉnh thức tâm linh là sự khai mở năng lượng tâm linh một cách nhẹ nhàng và không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động của cá nhân trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tỉnh thức tâm linh là quá trình điều chỉnh tự nhiên để cá nhân hòa hợp với trạng thái nhận thức rộng mở hơn, nơi họ thường cảm thấy gắn kết sâu sắc hơn với bản thân, người khác và thế giới xung quanh.

Ngược lại, các trường hợp khủng hoảng tâm linh thường có nhiều đặc điểm giống với rối loạn tâm thần (psychosis), dễ dẫn đến hiểu lầm và chẩn đoán sai. Điểm then chốt để phân biệt là khủng hoảng tâm linh không phải dấu hiệu của bệnh tâm thần lâu dài. Ngược lại, đây có thể là cơ hội để cá nhân tận dụng những tổn thương để đi sâu vào nội tâm và tìm kiếm sự chữa lành.

Sự thật là khái niệm khủng hoảng tâm linh vẫn chưa được biết đến rộng rãi ngoài phạm vi Tâm lý siêu cá nhân (transpersonal psychology). Điều này một phần liên quan đến tranh luận dai dẳng từ lâu trong khoa học và văn hóa phương Tây. Họ có xu hướng hoài nghi và coi nhẹ những trải nghiệm tâm linh hay thần bí, cho rằng chúng mang tính hoang tưởng và là dấu hiệu của bệnh lý. Bị chi phối bởi cách tiếp cận y sinh đối với nhận thức và sức khỏe tâm thần, khoa học phương Tây thường gộp chung khủng hoảng tâm linh với rối loạn tâm thần (psychosis). Họ cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ rối loạn sinh học hoặc thần kinh, và điều trị chúng trên phương diện y sinh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực Tâm lý siêu cá nhân, trải nghiệm tâm linh được coi là có thật và là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của cá nhân.

Mô hình “holotropic” của vợ chồng nhà Grof – nền tảng lý thuyết cho khủng hoảng tâm linh nhấn mạnh quan niệm cốt lõi về xu hướng bẩm sinh hướng tới sự toàn vẹn của con người. Chúng ta sở hữu “trí thông minh chữa lành nội tại.” Giống như cơ thể tự kích hoạt quá trình chữa lành phức tạp khi bị thương tích, tâm lý cũng có cơ chế tự chữa lành riêng, diễn ra tiềm ẩn bên trong. Khủng hoảng tâm linh tương tự như cơn sốt chống lại nhiễm trùng, có thể được hiểu là cách tâm lý báo hiệu sự mất cân bằng cần được vượt qua để hướng tới trạng thái hội nhập cao hơn.

Mặc dù trải nghiệm khủng hoảng tâm linh mang tính cá nhân, chúng đều có điểm chung là chức năng của “cái tôi” (ego) bị suy giảm, lý trí nhường chỗ cho thế giới trực giác. Khủng hoảng tâm linh có thể gây ra sợ hãi và chấn thương, xen kẽ với những khoảnh khắc ngây ngất tột độ. Cá nhân có thể tin rằng họ có khả năng đặc biệt giao tiếp với Thượng đế hay ý thức vũ trụ, dẫn đến trạng thái “mặc cảm cứu thế” tạm thời.

Ngược lại, một người có thể bị ám ảnh bởi cảm giác hoang tưởng rằng vũ trụ đang chống lại họ. Hoặc họ có thể cảm thấy tách rời khỏi thực tại vật chất, chỉ còn gắn kết với thế giới này qua một sợi dây mong manh. Các sự kiện và vật thể vật chất có thể mang ý nghĩa biểu tượng vượt ngoài thế giới thực. Đối với một số người, khủng hoảng tâm linh có thể biểu hiện như cảm giác bị thế lực siêu nhiên chi phối, hành vi cưỡng chế khiến họ quên ăn ngủ, hoặc cảm giác trầm uất nặng nề khiến họ chọn cách cô lập bản thân.

Khủng hoảng tâm linh và Chất thức thần

Khủng hoảng tâm linh không chỉ đến bất chợt mà còn có thể do nhiều yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như căng thẳng cảm xúc, hoạt động thể chất quá sức, bệnh tật, trải nghiệm cận tử, sinh nở, thực hành thiền định và sử dụng chất thức thần.

Trong số các yếu tố này, chất thức thần có khả năng đặc biệt gây ra khủng hoảng tâm linh khi chúng có thể đưa người dùng từ trạng thái ý thức này sang trạng thái khác chỉ trong vài giờ. Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, những cuộc chạm trán đột ngột với thế giới siêu hình này có thể gây mất cân bằng nghiêm trọng và dẫn đến những tác động tiêu cực không mong muốn.

Hơn nữa, chất thức thần có thể kích hoạt các vùng tiềm ẩn trong tâm lý và đưa những vấn đề từ vô thức lên bề mặt một cách nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu như vợ chồng nhà Grof đã đề cập chi tiết hơn về điều này trong cuốn “Stormy Search for the Self: A Guide to Personal Growth through Transformational Crisis” (tạm dịch: Tìm kiếm bản thể giữa bão táp: Hướng dẫn vượt qua khủng hoảng để phát triển bản thân). Họ viết: “Đôi khi, vấn đề vô thức xuất hiện từ các tầng sâu của tâm lý quá lớn đến mức người đó có thể gặp khó khăn trong việc hoạt động bình thường.”

Theo ông Kyle Buller – Đồng sáng lập và Giám đốc Giáo dục tại Psychedelics Today, đồng thời là Thạc sĩ về Sức khỏe Tâm thần Lâm sàng và Huấn luyện viên Khủng hoảng Tâm linh đã được chứng nhận, việc sử dụng chất thức thần và tham gia các thực hành tâm linh, chiêm nghiệm có thể khiến cá nhân dễ trải qua khủng hoảng tâm linh hơn. Ông nói: “Chất thức thần và thảo dược thiên nhiên mở ra cho chúng ta những cách nhìn mới về thế giới. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và tồn tại mới mẻ này lại có thể gây ra sự mất ổn định cho một số người,” ông phân tích.

Ngoài ra, ông Buller giải thích rằng những người có sang chấn tâm lý hoặc rối loạn tâm thần tiềm ẩn có nguy cơ cao trải qua các dạng khủng hoảng tâm linh. Ông giải thích: “Như Grof đã từng đề cập, chất thức thần có bản chất là ‘chất khuếch đại phi đặc hiệu của các quá trình tinh thần hoặc tâm lý’. Nếu một cá nhân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và những nội dung khó khăn được đưa lên bề mặt và khuếch đại, họ có thể không thể kiểm soát được chúng nếu thiếu môi trường và sự hỗ trợ thích hợp.”

Sử dụng chất thức thần có thể dẫn đến khủng hoảng tâm linh do quá trình mở rộng ý thức diễn ra quá nhanh và thiếu chuẩn bị thấu đáo. Bởi vậy, hầu hết các trường hợp khủng hoảng tâm linh liên quan đến chất thức thần không xảy ra trong các nghiên cứu lâm sàng nghiêm ngặt mà thường bắt nguồn từ việc sử dụng giải trí, tự khám phá bản thân, thậm chí là tham gia các nghi lễ tôn giáo.

Tuy nhiên, ngay cả trong môi trường nghi lễ sử dụng thảo dược thiên nhiên với những quy tắc rõ ràng nhằm kiểm soát trải nghiệm thì việc quay trở lại cuộc sống thường nhật với nhận thức được mở rộng đột ngột vẫn có thể là một thách thức.

Nhà nghiên cứu Jules Evans thuộc Trung tâm Lịch sử Cảm xúc, Đại học Queen Mary London, đã chia sẻ trải nghiệm khủng hoảng tâm linh do chất thức thần trong cuốn sách tự xuất bản “Holiday From the Self: An Accidental Ayahuasca Adventure (tạm dịch: Kỳ nghỉ thoát khỏi bản ngã: Hành trình Ayahuasca bất ngờ). Evans đã đến rừng Amazon thuộc Peru để tham gia một buổi lễ nghi thức với Ayahuasca. Mặc dù trải nghiệm trong buổi lễ khá tích cực nhưng ngay sau đó trên đường trở lại Iquitos, Evans lại cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng. Theo thời gian, một cảm giác nghi ngờ kỳ lạ và dữ dội về nhận thức thực tại dần bao trùm lấy anh. Evans chia sẻ trong một bài báo: “Khi nhận được tin nhắn từ người thân, tôi nghĩ rằng đó chỉ là tiềm thức của mình đang tạo ra ảo giác. Tôi cảm thấy vô cùng cô đơn trong thực tại giả tạo này.”

May mắn thay, nhờ nền tảng nghiên cứu về các trải nghiệm xuất thần trước đó, Evans phần nào hiểu được khái niệm khủng hoảng tâm linh, điều này giúp anh tránh khỏi hoảng loạn. Tuy nhiên, với đa số người, việc không nắm được bản chất của khủng hoảng tâm linh khi nó ập đến có thể dẫn đến những cơn sợ hãi và hoảng sợ tột độ.

Một yếu tố khác khiến những người thử nghiệm chất thức thần dễ trải qua khủng hoảng tâm linh hơn là không có sự hỗ trợ về mặt văn hóa. Chuyên gia Kyle Buller nhấn mạnh vai trò của “bối cảnh văn hóa” phù hợp – ông cho rằng việc các chất thức thần và thảo dược thiên nhiên không được chấp nhận bởi văn hóa chính thống tạo ra một rào cản khác trong quá trình tích hợp những trải nghiệm này.

Ông Buller đặt ra câu hỏi: “Khi một cá nhân có trải nghiệm sâu sắc, họ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu? Liệu hệ thống giá trị văn hóa xung quanh họ có chấp nhận những trải nghiệm này hay không? Nếu không, điều đó sẽ làm trầm trọng thêm những trải nghiệm khó khăn của họ như thế nào?”

Trong văn hóa phương Tây, chúng ta đã đánh mất những khuôn mẫu văn hóa và hệ thống tín ngưỡng có thể dẫn dắt con người vượt qua những trải nghiệm căng thẳng về sự mở rộng tâm linh – một quá trình mà đôi khi chúng ta cần trải qua. Nhà nhân học y tế Sara Lewis đã phân tích vấn đề này trong một bài báo năm 2008. Theo bà, người phương Tây có nguy cơ cao trải qua khủng hoảng tâm linh và rối loạn tâm lý sau các nghi lễ Ayahuasca do “thiếu hụt sự hỗ trợ về mặt văn hóa”.

Khủng hoảng tâm linh được cho là tương tự như “bệnh tật của thầy cúng” mà những người học việc Shaman trải qua trong một số nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên, so với những người trong cộng đồng bản địa, người phương Tây thiếu các nguồn lực cộng đồng và sự hướng dẫn để lý giải các trải nghiệm do thảo dược thiên nhiên gây ra, và thường lo sợ rằng mình bị bệnh tâm thần.

Phân biệt Khủng hoảng tâm linh với Rối loạn tâm thần

Trong cuốn “Spiritual Emergency“, nhà Grof cho rằng ngành tâm lý học và tâm thần học hiện đại thường không phân biệt giữa trạng thái thần bí và bệnh tâm thần. Họ có xu hướng điều trị các trạng thái phi thường bằng thuốc ức chế thay vì nhìn nhận tiềm năng chữa lành của chúng.

Đối với các nhà trị liệu sử dụng chất thức thần và những người hỗ trợ tích hợp trải nghiệm, việc đánh giá xem liệu cá nhân có nguy cơ tự hại hay gây hại cho người khác hay không, cũng như tiền sử rối loạn tâm thần của cá nhân hoặc gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt giữa trạng thái này là rối loạn tâm thần hay khủng hoảng tâm linh.

Ngoài ra, mối liên hệ giữa cá nhân và tâm linh cũng đóng vai trò then chốt. Liệu tâm linh có mang lại cho họ cảm giác an lạc và hy vọng? Bên cạnh đó, các chuyên gia cần loại trừ bất kỳ vấn đề về thần kinh hoặc thể chất nào có thể ảnh hưởng đến chức năng tâm thần bình thường như nhiễm trùng, khối u hoặc nhiễm urê huyết.

Một yếu tố quan trọng khác là khả năng tự nhận thức của người sử dụng để hiểu đây là một quá trình tâm lý đang diễn ra bên trong và có thể được điều hướng với sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Khả năng phân biệt giữa trải nghiệm nội tâm và thực tế khách quan ở mức độ nhất định cũng là điều cần thiết.

Trong bài báo năm 1986, nhà Grof lưu ý: “Không phải tất cả các trải nghiệm về trạng thái ý thức bất thường và những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, cảm xúc, nhận thức và tâm sinh lý đều thuộc dạng khủng hoảng tâm linh.” Họ nhấn mạnh rằng khái niệm khủng hoảng tâm linh không nhằm mục đích thay thế hoàn toàn ngành tâm thần học truyền thống, mà là cung cấp một cách nhìn nhận và hỗ trợ mới cho những người phù hợp.

Do đó, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cần trang bị kiến thức để phân biệt giữa khủng hoảng tâm linh và rối loạn tâm thần vì ranh giới giữa hai trạng thái này đôi khi rất khó xác định. Mặc dù ngành tâm thần học truyền thống có xu hướng coi các trạng thái thần bí là bệnh lý, nhà Grof cảnh báo về những nguy hiểm của việc “gắn mác tâm linh” cho các trạng thái tâm thần phân liệt. Điều quan trọng là phải có sự đánh giá và phân biệt rõ ràng đối với trải nghiệm của từng cá nhân.

Chuyên gia Buller nhấn mạnh: “Sự cởi mở kết hợp với tư duy phản biện là điều cần thiết. Đối với nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần, khái niệm này có thể mâu thuẫn với kiến thức nền tảng. Tuy nhiên, chúng ta cần một thái độ cởi mở để tìm hiểu lĩnh vực này và lắng nghe người trải nghiệm một cách thấu đáo.”

Vượt qua khủng hoảng tâm linh như thế nào?

Trong bối cảnh xã hội nơi các vấn đề tâm linh chưa được hiểu rõ, khủng hoảng tâm linh có thể khiến cá nhân cảm thấy bị cô lập và xấu hổ. Họ không dám chia sẻ trải nghiệm của mình với người khác vì lo ngại bị đánh giá là “mất cân bằng tâm lý.”

Chuyên gia Buller lý giải về sự e ngại này: “Điều này cho thấy sự thiếu niềm tin vào hệ thống hỗ trợ hiện tại đối với những trải nghiệm tâm linh. Liệu có bao nhiêu người đang âm thầm vật lộn với những thách thức này nhưng không dám tìm kiếm sự trợ giúp vì lo lắng phản ứng của chuyên gia sức khỏe tâm thần?”

Thực tế, khủng hoảng tâm linh không hiếm gặp. Nhiều cá nhân đã từng trải qua những thách thức tương tự. Điều quan trọng cần lưu ý là khủng hoảng là một phần của quá trình chữa lành và nó sẽ lắng dịu theo thời gian.

Một số nguồn đáng tin cậy có thể hỗ trợ cá nhân vượt qua khủng hoảng tâm linh bao gồm Spiritual Emergence Network – SEN do Christina Grof thành lập năm 1980, cùng tổ chức chị em quốc tế International Spiritual Emergence Network – ISEN. Các tổ chức này cung cấp cho người dùng những lời khuyên thực tiễn để vượt qua khủng hoảng, đồng thời có dịch vụ giới thiệu và hỗ trợ chuyên gia sức khỏe tâm thần phù hợp. 

Đối với những người trải qua khủng hoảng tâm linh do sử dụng chất thức thần, “bối cảnh thiết lập”, “bối cảnh trải nghiệm” và “tiến trình tích hợp” (set, setting và integration) là những yếu tố then chốt giống như lên kế hoạch cho một nghiên cứu nội tâm có chủ đích, việc lưu ý đến môi trường xung quanh là rất quan trọng. Cá nhân nên tìm kiếm một nơi an toàn và được chấp nhận, có thể là phòng khám của chuyên gia tâm lý, hoặc bên cạnh những người thân thiết.

Ngoài môi trường, “bối cảnh thiết lập” còn đề cập đến cách chúng ta nhìn nhận trải nghiệm. Điều quan trọng là hiểu rằng không có gì bất thường với người đang trải qua khủng hoảng tâm linh. Thực tế, khó khăn này có thể là bước ngoặt quan trọng trên hành trình tự chữa lành của họ.

Cuối cùng, “tìm kiếm ý nghĩa” trong quá trình tích hợp trải nghiệm cũng là một điều quan trọng. Nó cho phép cá nhân chuyển hóa những trải nghiệm tiêu cực thành những bài học quý giá. Quá trình này có thể diễn ra trong vài tháng hoặc thậm chí cả cuộc đời.

Khi hỗ trợ người đang trải qua khủng hoảng tâm linh, điều quan trọng là tránh kỳ thị và bệnh lý hóa trải nghiệm của họ. Nhà tâm lý học Stanley Krippner nhấn mạnh: “Việc xác định bản chất của trải nghiệm là một trong những yếu tố chữa lành quan trọng nhất.” Do đó, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cần lưu ý cách diễn đạt về những gì đang xảy ra với người dùng chất thức thần gặp vấn đề về tâm lý.

Khủng hoảng tâm linh dưới góc nhìn của Tâm lý học siêu cá nhân

Trong khi khái niệm khủng hoảng tâm linh của nhà Grof đi trước thời đại nhưng vẫn còn nhiều không gian để lĩnh vực này tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Một số chuyên gia đề xuất sử dụng các thuật ngữ thay thế xoay quanh khái niệm này để gia tăng tính chính xác và phổ biến.

Tiến sĩ David Lukoff, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sofia và là nhà tâm lý học được cấp phép chuyên điều trị các vấn đề tâm linh và tôn giáo, ban đầu chịu ảnh hưởng bởi khái niệm khủng hoảng tâm linh của nhà Grof. Ông đã sử dụng một phần khái niệm này để xây dựng nền tảng cho công trình đưa vào Diagnostic and Statistical Manual – DSM (tạm dịch: Phổ biến Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần) phiên bản 4 và 5 một danh mục chẩn đoán mới là “Religious or Spiritual Problem(tạm dịch: Vấn đề Tâm linh hay Tôn giáo) với vai trò đồng tác giả.

Tiến sĩ Lukoff cho rằng thuật ngữ khủng hoảng tâm linh mặc dù quen thuộc trong Tâm lý học siêu cá nhân nhưng lại ít được sử dụng hoặc chấp nhận rộng rãi trong các lĩnh vực chính thống. Tuy nhiên, các vấn đề tâm linh và tôn giáo hiện nay đang được hiểu thông qua các thuật ngữ khác nhau.

Ông chia sẻ với Psychedelics Today: “Tôi cho rằng nhà Grof đã nắm được bản chất của của khái niệm này, nhưng ngay khi sử dụng thuật ngữ ‘khủng hoảng’ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại ngầm ám chỉ những tình huống xấu nhất khi bệnh nhân có thể cần nhập viện. Do đó, thuật ngữ trung tính hơn là ‘vấn đề’ hiện đang được sử dụng trong tâm thần học nhờ vào danh mục DSM mà tôi đồng tác giả. Ngoài ra, thuật ngữ ‘thách thức’ cũng đang được sử dụng trong tâm lý học.”

Hơn nữa, Tiến sĩ Lukoff nhấn mạnh rằng ông đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong các chương trình đào tạo tâm lý học và tâm thần về việc đề cập đến tôn giáo và tâm linh mặc dù vẫn là số ít. Ông nói: “Tôi biết giới nghiên cứu Tâm lý học siêu cá nhân không phải lúc nào cũng chú ý đến điều này nhưng thực sự đang có một làn sóng đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi mà sức mạnh, vấn đề và thách thức về tôn giáo và tâm linh được quan tâm nhiều hơn.”

“Chắc chắn có những lúc các vấn đề tâm linh có thể trở thành khủng hoảng hoặc xung đột. Tuy nhiên, sự thật là đối với phần lớn mọi người, tôn giáo và tâm linh là nguồn sức mạnh, thường gắn liền với việc vượt qua khó khăn một cách tích cực,” Tiến sĩ Lukoff nói thêm.

Tiến sĩ Lukoff đã từng trải qua vấn đề tâm linh do sử dụng LSD khi hơn 20 tuổi. Khi đó, ông tin rằng mình là sự tái sinh của Đức Phật Thích Ca và Chúa Giê-su xuất hiện ở kiếp này để thống nhất các dân tộc trên thế giới. Tiến sĩ Lukoff cho rằng chính trải nghiệm khủng hoảng chuyển hóa mang tính ảo giác này đã phần nào định hướng sự nghiệp của ông trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tâm lý học.

Nhìn lại vấn đề tâm linh do sử dụng chất thức thần của bản thân, Lukoff cho rằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ rất có ích trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn của chất gây ảo giác. Dù vậy, điều quan trọng là không nên coi nhẹ hoặc đơn giản hóa các vấn đề tâm linh do sử dụng chất thức thần thành “bad trip”. Vấn đề tâm linh không chỉ là sản phẩm của những trải nghiệm thử thách với chất thức thần, mà chúng cũng có thể được kích hoạt bởi những trải nghiệm tích cực mạnh mẽ.

Khủng hoảng tâm linh và tương lai của liệu pháp chữa bệnh bằng Chất thức thần

Liệu pháp chữa bệnh bằng chất thức thần (psychedelic healing) không phải là một quá trình tuyến tính. Nó không đơn thuần là sử dụng một loại thuốc rồi kỳ diệu được chữa khỏi bệnh. Ngược lại, đây là một quá trình phức tạp, đôi khi bao gồm cả những trạng thái tinh thần tâm lý khó khăn (psychospiritual distress) – vốn là một phần tất yếu của quá trình phục hồi. Khi sự quan tâm của giới y tế và cộng đồng đối với các chất thức thần ngày càng tăng, và ngày càng nhiều người có những trải nghiệm này, thì việc các chuyên gia trị liệu bằng chất thức thần trang bị kiến thức về khủng hoảng tâm linh, cũng như xây dựng các khung tham khảo để giúp bệnh nhân hiểu bối cảnh của những trải nghiệm khó khăn của họ là điều vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh ứng dụng chất thức thần ngày càng phổ biến, liệu các nhà trị liệu đã sẵn sàng ứng phó với một số trải nghiệm siêu cá nhân (transpersonal experiences) mà bệnh nhân mang đến cho họ? Buller nhấn mạnh sự cần thiết của những góc nhìn đa dạng và sâu sắc khi chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hưng của liệu pháp này.

“Mặc dù tôi đánh giá cao việc tập trung vào chấn thương và câu chuyện cá nhân trong nghiên cứu về chất thức thần, tôi lo ngại rằng chúng ta có thể sẽ quy kết tất cả các trải nghiệm này bằng thuật ngữ tâm lý, từ đó phủ nhận trải nghiệm của bệnh nhân,” ông chia sẻ. “Điều gì xảy ra khi một người gặp gỡ một thực thể trong trải nghiệm dùng chất thức thần? Liệu chúng ta chỉ đơn giản quy kết đó là một sự kiện chấn thương tiềm ẩn trong cuộc đời họ, hoặc gạt bỏ nó đi vì cách hiểu theo cơ chế về bản chất của trải nghiệm đó?”

Trong tương lai, điều quan trọng là duy trì tư duy cởi mở và thực hiện các cách tiếp cận toàn diện, kết hợp nhiều khung tham khảo về câu chuyện cá nhân, bao gồm cả tâm lý học siêu cá nhân, để bệnh nhân có thể hiểu và tìm ra ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình, bao gồm cả những cơn khủng hoảng tâm linh tiềm ẩn và những kết quả đầy khó khăn nhưng mang tính chuyển hóa của chúng.

1cm2 tổng hợp

Sarah

Related post