“Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate.”
C.G. Jung
Mở đầu cho chuỗi bài viết “Thức thần chuyên sâu”, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá mối liên hệ giữa tâm lý học chiều sâu, đặc biệt là học thuyết của Carl Jung, với những trải nghiệm đa dạng do các chất thức thần mang lại.
Mục đích của loạt bài này là cung cấp cho độc giả một nền tảng vững chắc về truyền thống tâm lý học chiều sâu, định nghĩa các thuật ngữ quan trọng như “bóng tối” hay “nguyên mẫu”, đồng thời tìm hiểu cách thức tiếp cận tâm lý này có thể hỗ trợ quá trình trải nghiệm thức thần cho cả người hướng dẫn và những người sử dụng.
Trong hành trình khám phá này, rất có thể chúng ta sẽ bắt gặp những biểu tượng thần thoại mang ý nghĩa sâu sắc. Cảm ơn bạn đã luôn đồng hành. Bây giờ, chúng ta bắt đầu nhé!
Khi nói đến tâm lý học, hình ảnh nào thường xuất hiện trong suy nghĩ của bạn? Phải chăng đó là một buổi tư vấn thoải mái, nơi bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm thời thơ ấu? Hay hình ảnh một chuyên gia phân tích giấc mơ với giọng nói trầm ấm và phong thái điềm đạm? Có thể bạn liên tưởng đến những bài trắc nghiệm tính cách thú vị, hay đơn giản là hình ảnh một điếu xì-gà sang trọng thường thấy trong các bộ phim điện ảnh?
Thật thú vị là tất cả những hình ảnh quen thuộc này đều bắt nguồn từ truyền thống tâm lý học chiều sâu. Hai nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới là Sigmund Freud và Carl Jung chính là những người đặt nền móng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, trước khi đi sâu hơn, hãy cùng nhau bước vào thế giới kỳ lạ này giống như Alice bé nhỏ khi lần đầu tiên đặt chân vào xứ sở thần tiên, bắt đầu từ những điều cơ bản nhất.
Tâm lý học chiều sâu (depth psychology) là gì?
Trong lĩnh vực tâm lý học, thuật ngữ “tâm lý học chiều sâu” bao hàm bất kỳ phương pháp phân tâm học nào tập trung vào thế giới vô thức bên trong mỗi cá nhân. Ngày nay, thuật ngữ “chiều sâu” thường được dùng để chỉ các nhánh tư tưởng chịu ảnh hưởng của Carl Jung, bao gồm thần thoại, chiêm tinh học nguyên mẫu, hay cả liệu pháp Internal Family Systems Therapy (IFS) (tạm dịch: Liệu pháp Hệ thống gia đình nội tâm).
Mặc dù thuật ngữ này gắn liền với Jung nhưng “tâm lý học chiều sâu” thực chất được đặt ra bởi Eugen Bleuler, một nhà phân tâm học Thụy Sĩ, đồng nghiệp của Jung và cũng là người đặt ra thuật ngữ “tâm thần phân liệt” (schizophrenia).
Điểm khác biệt giữa tâm lý học chiều sâu và các trường phái khác (hành vi nhận thức, nhân văn, v.v.) là việc coi vô thức là động lực chính chi phối hành vi và cảm xúc của con người. Bản chất vô thức khiến nó không thể được tiếp cận và lý giải chỉ bằng những phương pháp logic thông thường.
Do đó, các nhà tâm lý học chiều sâu sử dụng biểu tượng, hình ảnh và ẩn dụ như một “ngôn ngữ” để giải mã hoạt động của tâm lý, vốn được tiếp cận thông qua giấc mơ và các mẫu hình trong thần thoại trước đây. Việc sử dụng thần thoại chính là một đặc trưng nổi bật của “phương pháp chiều sâu”, giúp phân biệt lĩnh vực này với các trường phái tâm lý học khác.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trong tâm lý học chiều sâu, biểu tượng và hình ảnh luôn được sử dụng để mô tả cái gì đó “giống như” chứ không phải là sự mô tả theo nghĩa đen. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất: Hình ảnh và biểu tượng được tâm lý sử dụng để ám chỉ những điều sâu xa hơn có thể vẫn chưa được biết đến, nhưng là những điều mà tâm lý mong muốn chúng ta khám phá. Trong tâm lý học chiều sâu thực thụ luôn có chỗ cho những “điều chưa được biết đến” (the unknown).
Xét về nguồn gốc, “psychology” (tâm lý học) có thể được hiểu là “con đường đi vào” hoặc “nghiên cứu về linh hồn”. Tâm lý học chiều sâu nhấn mạnh vào khái niệm khó nắm bắt này, liên tục đặt bản chất bí ẩn của trải nghiệm con người vào vị trí trung tâm. Điều này có nghĩa là trên thực tế, trường phái này tập trung vào những vấn đề quan trọng và phức tạp nhất của loài người từ thuở sơ khai: sinh, lão, bệnh, tử, tình yêu, mất mát, ý nghĩa cuộc sống, sự phát triển, suy tàn và ý nghĩa của tất cả. Những điều đó chính là những gì tạo nên bản chất con người chúng ta.
Carl Jung là ai?
Carl Gustav Jung (1875-1961), thường được biết đến với cái tên C.G. Jung, là nhà tâm lý học người Thụy Sĩ có ảnh hưởng quan trọng đến việc định hình nên ngành tâm lý học hiện đại. Phương pháp tiếp cận tâm lý của ông, gọi là “tâm lý học phân tích” (analytical psychology), đặt nền tảng cho “tâm lý học Jung” (Jungian psychology) phổ biến ngày nay.
Ít người biết rằng, Jung từng được kỳ vọng trở thành “người kế thừa” của Sigmund Freud – nhà sáng lập phân tâm học. Tuy nhiên, mối quan hệ này tan vỡ vào năm 1912 do bất đồng về tính thực tiễn của khái niệm “vô thức tập thể” (collective unconscious). Trong khi Freud hoàn toàn bác bỏ ý tưởng này thì Jung lại tin vào sự tồn tại của một kho lưu trữ thông tin tâm lý khổng lồ, mang tính tập thể ẩn sâu trong vô thức và chi phối trải nghiệm của con người. Quan điểm này đối chọi với lý thuyết vốn cho rằng tình dục và khoái lạc là động lực chi phối mọi hành vi của con người của Freud.
Sự rạn nứt này dẫn Jung vào giai đoạn tự vấn sâu sắc mà ông gọi là “đối mặt với vô thức” (confrontation with the unconscious). Ông dành nhiều thời gian để khám phá thế giới nội tâm và trí tưởng tượng phong phú của mình. Cuối cùng, hành trình này mang lại cho chúng ta một “bản đồ” chi tiết về tâm lý học cùng hệ thống thuật ngữ do chính Jung xây dựng. Ngoài ra, ông còn phát triển phương pháp “trí tưởng tượng tích cực” (active imagination) và sáng tác hai tác phẩm nổi tiếng là “The Red Book” và gần đây nhất là “The Black Books” đã được xuất bản.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Carl Jung, độc giả có thể tham khảo tự truyện của ông “Memories, Dreams, and Reflections” (tạm dịch: Hồi ký, Giấc mơ và Suy ngẫm).
Trong quá trình nghiên cứu về tâm lý con người, Carl Jung sử dụng một hệ thống thuật ngữ phong phú để mô tả những quan sát của mình về các bệnh nhân (đặc biệt là những người mắc bệnh tâm thần phân liệt nặng) và cả bản thân ông. Các khái niệm như “vô thức tập thể” (collective unconscious), “nguyên mẫu” (archetypes), “bóng tối” (shadow), “anima” (anima), “đồng trùng hợp ý nghĩa” (synchronicity), “cá thể hóa” (individuation), và “Bản ngã” (Self) đều là những đóng góp của Jung cho lĩnh vực tâm lý học.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những thuật ngữ này nên được hiểu như các biểu tượng hoặc điểm tham chiếu trên bản đồ tâm lý. Chúng đại diện cho những khu vực hoặc động lực trong tâm lý mà ý thức thông thường khó nắm bắt trọn vẹn. Bản thân Jung cũng từng nhấn mạnh: “Các lý thuyết trong tâm lý học chỉ là những công cụ định hướng. Mặc dù chúng có vai trò nhất định, nhưng cần được coi là những khái niệm hỗ trợ, linh hoạt và có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp.
Tâm lý học chiều sâu và Văn hoá đại chúng
Trong nhiều thập kỷ, học thuyết của Carl Jung tuy không được chấp nhận rộng rãi trong giới tâm lý học chính thống nhưng di sản của ông vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến trí tưởng tượng tập thể và văn hóa tập thể của chúng ta, có lẽ nhiều hơn bất kỳ nhân vật nào khác trong lịch sử tâm lý học.
Nhà thần thoại học Joseph Campbell đã khai thác sâu sắc các công trình của Jung và xây dựng nhiều ý tưởng về “The Hero’s Journey” (tạm dịch: Hành trình của người anh hùng) dựa trên lý thuyết của ông. Thậm chí, đạo diễn George Lucas khi sáng tạo Star Wars – một trong những loạt phim điện ảnh quan trọng nhất mọi thời đại, cũng đã tham khảo ý kiến của Campbell. Trong tác phẩm “Iron John“, nhà thơ Robert Bly liên tục đề cập đến Jung, mở đường cho lĩnh vực “công việc của đàn ông” (men’s work) ngày nay. Tác giả Clarissa Pinkola Estes – nhà phân tích theo trường phái Jungian – cũng đã trực tiếp vận dụng các khái niệm Jungian để khám phá các khía cạnh của tâm lý phụ nữ trong cuốn sách nổi tiếng “Women Who Run With The Wolves“.
Bất kỳ sự đề cập nào đến “nguyên mẫu” (archetypes) hay tính “nguyên mẫu” của một sự vật đều gián tiếp nhắc đến Jung và công trình của ông về những mô thức tồn tại tiềm ẩn và phổ biến trong tâm lý con người. “Bóng tối” (shadow) hay “shadow work” – một thuật ngữ thịnh hành trong lĩnh vực trải nghiệm thức thần những năm gần đây – cũng có nguồn gốc từ Jung.
Tương tự, Jung cũng là người đặt ra thuật ngữ “đồng trùng hợp ý nghĩa” (synchronicity) để chỉ những sự trùng hợp mang ý nghĩa – một hiện tượng đã thu hút ông trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, bất kỳ đề cập nào đến “cái tập thể” (the collective) đều gợi nhớ đến khái niệm “vô thức tập thể” (collective unconscious) của Jung – một khía cạnh nền tảng trong mô hình tâm lý học của ông.
Carl Jung vẫn là một cái tên gây tranh cãi bất chấp việc ông có những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực tâm lý học. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, chủ yếu là các học thuyết của ông khó để đo lường bằng phương pháp thực nghiệm thông thường và vượt ra ngoài thế giới duy lý – vật chất vốn được coi là “khoa học” ngày nay. Thậm chí, khi đề cập đến Jung trong các chương trình đào tạo tâm lý học truyền thống, bạn có thể sẽ gặp phải những cái nhìn nghi ngờ.
James Hillman – người được cho là học trò trực tiếp cuối cùng của Jung, đã có bài bào chữa sâu sắc cho Jung. Bạn có thể nghe tại đây.
Có thể nói, tính chất độc đáo và nằm ngoài khuôn khổ chính là điều luôn khiến tâm lý học chiều sâu trở nên giá trị. Giấc mơ tồn tại ở vùng ngoại biên của ý thức thường hướng sự chú ý của chúng ta đến những khu vực “bóng tối” trong tâm lý mà chúng ta thường cố tình lảng tránh. Các khái niệm như anima/animus cho rằng mỗi cá nhân nam giới đều mang trong mình một bản chất nữ tính (và ngược lại), trực tiếp thách thức những hiểu biết cơ bản về giới tính vốn có trong văn hóa của chúng ta. Nguyên mẫu tiết lộ cho chúng ta thấy câu chuyện cuộc đời cá nhân không phải là một sự kiện biệt lập, độc nhất, mà là một phần của chuỗi trải nghiệm vĩ đại hơn của nhân loại.
Cuối cùng, sự nhấn mạnh về tính hiện thực của linh hồn trong tâm lý học chiều sâu có thể được coi là một hành động mang tính cách mạng trong một nền văn hóa đang tích cực phủ nhận sự tồn tại của nó. Hệ quả của sự phủ nhận này có thể được nhìn thấy trong mọi thảm kịch lịch sử, xung đột cá nhân và vấn đề môi trường nghiêm trọng mà con người và Trái Đất phải gánh chịu qua thời gian.
Do đó, tầm quan trọng của tâm lý học chiều sâu vượt xa phạm vi phòng khám của nhà trị liệu hay giảng đường đại học. Nó mở rộng ra những khu rừng già, cộng đồng bản địa và các khu phố bên trong các thành phố trên khắp thế giới.
Tâm lý học chiều sâu không chỉ là một trường phái tâm lý học, mà còn là một lăng kính đặc biệt giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc và tương tác ý nghĩa với thế giới rộng lớn hơn.
Tâm lý học chiều sâu và trải nghiệm với Chất thức thần
Tâm lý học chiều sâu cung cấp một nền tảng lý thuyết vững chắc cho việc nghiên cứu và ứng dụng trải nghiệm thức thần. Nhà tiên phong trong lĩnh vực trị liệu hỗ trợ bằng chất thức thần và tâm lý học siêu cá nhân, Stanislav Grof, đã mô tả vai trò của chất thức thần như một chất “kích hoạt tâm lý” (psychic abreactive) khi chúng đưa những yếu tố vô thức mang tính cảm xúc mạnh mẽ lên bề mặt ý thức. Nhìn từ góc độ này, chất thức thần – thường hoạt động trực tiếp với các nội dung vô thức – có thể được coi là một nhánh quan trọng của lĩnh vực rộng lớn hơn là tâm lý học chiều sâu.
Việc giải mã sự đa dạng về hình ảnh và trải nghiệm do chất thức thần gây ra được hỗ trợ đáng kể nhờ nền tảng kiến thức vững chắc về tâm lý học chiều sâu, đặc biệt là sự hiểu biết về mối tương tác giữa hình ảnh, nguyên mẫu (archetypes) và các phức hợp (complexes) trong tâm lý con người. Đối mặt và tích hợp “bóng tối” (shadow) bên trong mỗi cá nhân là một khía cạnh trung tâm của cả học thuyết Jung và việc sử dụng trải nghiệm thức thần để phát triển bản thân cũng như chữa lành.
Nhiều tài liệu giá trị đã được xuất bản về mối liên hệ giữa chất thức thần và tâm lý học chiều sâu, bao gồm các tác phẩm của Grof như “Confrontation with the Unconscious” (tạm dịch: Đối mặt với Vô thức), cùng nhiều tác phẩm của Ann Shulgin, Timothy Leary và Ralph Metzner. Tuy nhiên, sự tương tác giữa hai lĩnh vực này còn ẩn chứa tiềm năng to lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp điều trị và quá trình tích hợp trải nghiệm. Tiềm năng này hứa hẹn mang lại những khám phá và ứng dụng vượt xa những gì chúng ta đã đạt được cho đến nay.
Nghiên cứu về chất thức thần và tâm lý học chiều sâu có mối liên hệ mật thiết gần như không thể tách rời nhau. Như đã đề cập, Stanislav Grof cùng các nhà khoa học tiên phong khác đã đi đầu trong lĩnh vực này – sử dụng nền tảng tâm lý học chiều sâu để nghiên cứu trải nghiệm thức thần. Tuy nhiên, do những biến đổi văn hóa trong thế kỷ 20, nghiên cứu hiện đại thường tập trung vào phân tích số liệu và thống kê, điều này vô tình bỏ qua những khía cạnh cá nhân và cảm xúc sâu sắc – vốn là những yếu tố then chốt của trải nghiệm thức thần.
Ngược lại, nền tảng của tâm lý học chiều sâu là quay trở lại những trải nghiệm chủ quan, phức tạp và chân thực của mỗi cá nhân. Đây chính là lý do khiến nó trở thành một trong những “kim chỉ nam” hữu hiệu nhất để hiểu về hành trình thức thần. Bởi lẽ, giống như mỗi con người là một cá thể độc đáo, không có hai hành trình thức thần nào giống hệt nhau. Mỗi hành trình đều là sự phản chiếu bản chất đa diện và bí ẩn vô tận của thế giới nội tâm, nơi những cá nhân dũng cảm dám bước chân vào những vùng đất chưa được khám phá bên trong chính mình.
1cm2 tổng hợp