Sau tai nạn khiến gần như toàn thân bị liệt, Jim Harris tình cờ tìm lại khả năng đi lại nhờ sử dụng nấm thức thần tại một lễ hội âm nhạc.
Theo thông tin của tờ Outside, Jim Harris, người bị liệt từ ngực xuống, đã có thể bước đi sau nhiều tháng không kích hoạt được cơ gân kheo. Anh đã tự ví mình như quái vật Frankenstein khi mỗi bước đi đều khiến mình kiệt sức mỗi khi anh lê chân trái về phía trước rồi vung chân phải vô hồn để cố gắng bước theo. Không ai ngờ rằng Harris có thể đi lại được – cho đến một ngày, điều kỳ diệu ấy đã xảy ra. Chỉ tám tháng sau tai nạn chấn thương cột sống khiến anh tàn tật, Harris đã hiên ngang đứng đó, thong dong giữa lễ hội âm nhạc với sự trợ giúp của khung tập đi.
Một tai nạn lướt ván diều (snowkiting) kinh hoàng ở Chile đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Jim Harris vào tháng 11 năm 2014. Khi đang chuẩn bị cho hành trình khám phá 560km trên băng nguyên Patagonia cùng bạn bè, một cơn gió mạnh bất ngờ ập đến, cuốn Harris bay lên khỏi mặt đất và hất văng anh qua cả cánh đồng. Dù lo lắng, Harris vẫn giữ được bình tĩnh, biết rằng hoảng loạn chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Anh cố hạ người, co gối né tránh những chướng ngại vật trên địa hình gồ ghề. Thoáng nghĩ đến việc hạ cánh nhưng thiếu giày chuyên dụng cùng nguy cơ trẹo đầu gối khiến anh chần chừ. Không kịp trở tay, cơn gió dữ dội đã quăng quật Harris xuống đất, kết quả là anh bị gãy chín đốt sống và mất khả năng vận động từ giữa ngực trở xuống.
Trước đó, Harris là một nhà leo núi và nhiếp ảnh gia mạo hiểm, thường xuyên rong ruổi khắp nơi. Anh có thể đi bộ nhiều ngày liền, những bức ảnh của anh thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng như National Geographic. Thế nhưng suốt nhiều tháng sau tai nạn, Harris phải vật lộn với các bài tập phục hồi chức năng cùng với hy vọng mong manh về việc có thể bước đi một lần nữa. Nhưng cơ kheo của anh vẫn tê liệt, khiến việc di chuyển trở thành điều xa vời, Harris phải từ bỏ giấc mơ chinh phục những vùng đất mới, trở thành người đàn ông gắn chặt với xe lăn, và từ giây phút đó, những ngày tháng phiêu lưu mạo hiểm chỉ còn là ký ức và người bạn đồng hành duy nhất của anh là chứng trầm cảm.
Harris được chuyển tới bệnh viện tại Mỹ sau một tuần ở bệnh viện Chile
Với mong muốn tìm lại cảm giác của một người bình thường ở tuổi 33, Harris hào hứng nhận lời tham dự lễ hội Âm nhạc High Sierra ở Quincy, California, theo lời mời của một người bạn, kiêm chuyên gia vật lý trị liệu cũ của mình.
Tuy nhiên khi đến lễ hội, mọi thứ lại không như mong đợi. Khung cảnh ồn ào, mọi người xung quanh ai cũng đang uống rượu, thứ mà Harris không thể sử dụng vì nó làm suy yếu các kết nối thần kinh còn sót lại của anh. Dù đã trang trí cho chiếc khung tập đi thật rực rỡ bằng đèn LED lấp lánh, Harris vẫn cảm thấy lạc lõng giữa dòng người. “Sự tàn tật khiến tôi như một kẻ ngoài cuộc,” anh chia sẻ với Outside.
Rồi một người bạn đề nghị anh dùng psilocybin, hay nấm thức thần. Harris đã đồng ý dùng nấm với hy vọng nó có thể kéo tâm trạng anh đi lên một chút ngay trước hoàng hôn, khi ban nhạc String Cheese Incident bắt đầu biểu diễn.
Trước đó, Harris chưa từng thử qua nấm thức thần hay bất kỳ chất thức thần nào. Anh thú nhận mình không nhớ gì về phần trình diễn của String Cheese. Nhưng anh lại nhớ như in khoảnh khắc mặt trời lặn rực rỡ xung quanh mình trong lúc tiếng nhạc vang lên. Trong khi những người khác đang mải mê hòa mình vào không khí lễ hội, Harris lại bị thu hút bởi bầu trời. Là một nhiếp ảnh gia, bản năng chiêm ngưỡng thiên nhiên đã thôi thúc anh hướng mắt lên những sắc màu rực rỡ của hoàng hôn. Chính khoảnh khắc đó khiến anh nhận ra mình luôn theo đuổi những điều mãnh liệt nhất: những gam màu rực rỡ nhất, những đỉnh núi cao nhất, những màn trình diễn dữ dội nhất của thiên nhiên.
“Tôi từng có chút kiêu ngạo. Luôn muốn chinh phục những đỉnh núi cao nhất, hùng vĩ nhất và ngắm nhìn những cảnh hoàng hôn ngoạn mục nhất,” anh chia sẻ. Thế nhưng, giữa đám đông tại lễ hội High Sierra, khi nhìn thấy những tia nắng hoàng hôn cuối cùng lấp ló qua những tán cây, Harris nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên không nhất thiết phải nằm ở sự hùng tráng của nó.
Sau khi đắm mình trong sắc màu tuyệt đẹp của buổi hoàng hôn, cuộc sống của Harris một lần nữa bước sang trang mới. Đêm hôm đó, anh mượn chiếc xe lăn có đệm đầu gối của một người quen để có thể thay đổi tư thế thoải mái cho hai chân. Trong lúc đổi chân, Harris bất ngờ nhận ra mình có thể co duỗi chân phải về phía mông. Khi anh gõ nhẹ lên gân kheo, cơ bắp phản ứng lại – điều chưa từng xảy ra kể từ khi bị thương, ngay cả trong môi trường trọng lực thấp của bể bơi, bất chấp tám tháng vật lý trị liệu.
Bàng hoàng pha lẫn do dự, Harris vội vàng chia sẻ điều kỳ diệu này với người bạn vật lý trị liệu. Cả hai đều không thể lý giải được điều gì vừa xảy ra, bởi lẽ cử động này hoàn toàn nằm ngoài khả năng của Harris chỉ sáng hôm đó. Vừa phấn khích vừa hoang mang, Harris không khỏi nghi ngờ những cây nấm đóng vai trò nhất định trong sự tiến triển vượt bậc của mình. Thứ mà anh nghĩ là trải nghiệm thư giãn với nấm thức thần – một cách để cảm thấy bình thường và hòa nhập – hóa ra lại có tác dụng trị liệu sâu sắc: Tâm trí và cơ thể anh kết nối trở lại, điều chưa từng xảy ra kể từ lúc anh bị tai nạn.
Sáng hôm sau, Harris tỉnh dậy, lo sợ mọi thứ chỉ là ảo giác hoặc khả năng mới tìm thấy sẽ biến mất trong một đêm. May mắn thay, cơ gân kheo của anh vẫn phản ứng. Kết nối thần kinh cơ được thiết lập đêm trước vẫn còn nguyên vẹn.
Vậy anh đã làm gì tiếp theo? Sau trải nghiệm ở lễ hội âm nhạc, Harris bắt đầu chú ý đến tiềm năng của chất thức thần trong việc phục hồi thể chất.
“Tôi đã trì hoãn việc đối mặt với chứng trầm cảm trong vài năm, điều này có thể ảnh hưởng vào quá trình phục hồi của tôi, vì nhiều bệnh nhân chấn thương cột sống thường trải qua chứng trầm cảm nặng nề ngay từ giai đoạn đầu,” anh chia sẻ với Outside. “Bằng cách nào đó, tôi có được mục đích trong hành trình chữa bệnh, nó cho phép tôi dành nhiều thời gian, công sức và động lực để tiếp tục nỗ lực trong vật lý trị liệu.”
Gần chín năm sau tai nạn, khả năng đi lại của Harris đã cải thiện đáng kể. Dù vẫn cần sử dụng gậy, nhưng anh đã có thể tự mình trải nghiệm thiên nhiên – điều mà trước đây tưởng chừng như không thể. Thỉnh thoảng, Harris còn tham gia trượt tuyết và đạp xe địa hình.
Harris thực hiện vật lý trị liệu tại bệnh viện Craig
Điều đáng chú ý là trải nghiệm của Harris không phải điều hiếm gặp. Giới khoa học đang nghiên cứu tiềm năng của chất thức thần trong việc hỗ trợ phục hồi thể chất. Psilocybin được cho là thúc đẩy quá trình hồi phục bằng cách tăng tính linh hoạt thần kinh (neuroplasticity) – khả năng hình thành các kết nối thần kinh mới, và sinh thần kinh (neurogenesis) – quá trình tạo ra các tế bào thần kinh mới của não bộ.
“Psilocybin làm tăng chất dẫn truyền thần kinh trong não bằng cách khiến các tế bào thần kinh khỏe mạnh phản ứng nhạy hơn với các chất dẫn truyền thần kinh lưu thông như serotonin,” Giám đốc khoa học của công ty nghiên cứu chất thức thần Wesana Health – Mark Wingertzahn, giải thích. “Những thay đổi về hóa học não bộ này có thể đảo ngược teo thần kinh và giúp các tế bào thần kinh khỏe mạnh phục hồi nhanh chóng các tế bào bị tổn thương, cho phép chúng tiếp tục truyền tín hiệu bình thường. Lợi ích lâu dài của psilocybin được cho là liên quan đến việc tái tạo các tế bào thần kinh và đường dẫn thần kinh có thể đã bị thoái hóa.”
Điều này có thể lý giải trải nghiệm của Harris – psilocybin có khả năng kích hoạt lại đường dẫn thần kinh giữa gân kheo và não bộ vốn đang không hoạt động của anh.
Chỉ có một nghiên cứu điều tra mối liên quan giữa chất thức thần và chấn thương cột sống. Vào đầu những năm 2000, Tiến sĩ Victor Arvanian và nhóm của ông tại Đại học Stony Brook đã thí nghiệm trên chuột bị liệt bằng cách tiêm kết hợp LSD và neurotrophin-3, một loại protein hỗ trợ sự phát triển của các tế bào thần kinh mới từ tế bào gốc. Kết quả cho thấy những con chuột được điều trị bằng cả hai chất phục hồi nhanh hơn đáng kể so với nhóm đối chứng chỉ nhận được một trong hai chất hoặc không được điều trị gì. Đây là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu chấn thương cột sống, lĩnh vực vốn nổi tiếng với tiến triển chậm. Tuy nhiên, phòng ban của Tiến sĩ Arvanian đã quyết định ngừng sử dụng LSD trong các thí nghiệm tiếp theo.
Sau trường hợp của Harris, hai nghiên cứu độc lập đã được tiến hành để tìm hiểu tác động của psilocybin lên bệnh nhân chấn thương sọ não (Traumatic Brain Injury – TBI). Một nghiên cứu do Đại học Miami thực hiện, nghiên cứu còn lại là sự hợp tác giữa các nhà khoa học tại Đại học Imperial College London và tổ chức phi lợi nhuận Heroic Hearts. Cả hai nghiên cứu đều tập trung vào trường hợp TBI đi kèm rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) – một tình trạng đã được nghiên cứu nhiều liên quan đến chất thức thần. Những nghiên cứu trước đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt các nghiên cứu mới. Mặc dù TBI là chấn thương vật lý còn PTSD là di chứng tâm lý sau sang chấn, cả hai đều gây ra các triệu chứng về thể chất và cảm xúc tương tự như mệt mỏi, khó chịu và lo lắng.
Các nghiên cứu về TBI có ý nghĩa quan trọng cho nghiên cứu chấn thương cột sống vì sự tương đồng đáng kể giữa hai loại tổn thương này. Bằng cách tận dụng kiến thức thu được từ nghiên cứu TBI với chất thức thần, các nhà nghiên cứu có thể vận động cấp ngân sách hiệu quả hơn để khám phá những ứng dụng tương tự cho chấn thương cột sống. Tuy nhiên, theo Evan Lewis, bác sĩ thần kinh và phó chủ tịch phụ trách thần kinh học tại Numinus, công ty nghiên cứu về chất thức thần của Canada, điều này là không cần thiết. “Các tế bào não bộ hoàn toàn giống với tế bào tủy sống,” ông nói với Outside.
Mặc dù chưa có kết luận chắc chắn về tác động của chất thức thần lên chấn thương cột sống, các nghiên cứu vẫn đang diễn ra. Các nhà khoa học cũng đang thận trọng theo dõi tình trạng co cứng cơ nghiêm trọng ở bệnh nhân dùng liều cao.
Nhưng có một điều chắc chắn là psilocybin đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành sức khỏe tinh thần và thể chất của Harris. Nó giúp anh tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi. “Chất thức thần vừa là con đường, vừa là người dẫn đường trên con đường ấy,” Harris chia sẻ đầy hy vọng.
1cm2 tổng hợp