Từ âm nhạc chữa lành đến những bản rock kinh điển đầy ảo giác, đây là những ca khúc hay nhất để bạn thưởng thức trong hành trình khám phá nội tâm.
Chào các bạn, những người yêu âm nhạc, yêu thiên nhiên, đam mê trải nghiệm thức thần và kết nối với bản thân, tôi là Shylah Ray Sunshine, một ca sĩ – nhạc sĩ, nhạc công, người mẹ và huấn luyện viên thanh nhạc chuyên nghiệp. Xuất thân từ Canada, tôi tự hào là một phụ nữ thổ dân Canada đang sống ở California và đã được may mắn chia sẻ âm nhạc của mình trên khắp thế giới. Các bài hát của tôi xoay quanh sự chân thật của cảm xúc, chữa lành tâm hồn, trao quyền cho chính mình, tôn vinh bản sắc dân tộc, khao khát về bình đẳng, thay đổi tích cực cho văn hóa và xã hội, xây dựng cộng đồng và sống hài hòa với thiên nhiên. Tôi luôn học hỏi trên hành trình này và thành thật mà nói, tôi không biết gì nhiều, nhưng tôi biết ngôn ngữ của âm thanh và âm nhạc. Tôi dành nhiều thời gian để lắng nghe, nó giúp chúng ta thấu hiểu và xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống. Tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu tất cả các loại nhạc. Tôi cũng đã có kha khá trải nghiệm với cần sa, nấm, ayahuasca và peyote, và điều tuyệt vời nhất đối với tôi là âm nhạc mà tôi đã khám phá, học hỏi và trải nghiệm trong những hành trình của mình. Sự kết nối, sự thức tỉnh vĩ đại. Bản thân âm nhạc vốn là một hành trình. Hy vọng bạn sẽ thích thú tìm hiểu và lắng nghe những điều tuyệt vời ở đây giống như tôi.
Những siêu phẩm thức thần vượt thời gian
Thức thần có nhiều khái niệm và phong cách âm nhạc khác nhau. Cộng đồng người bản địa trên khắp thế giới đã sáng tạo ra âm nhạc, vải vóc và các loại hình nghệ thuật lấy cảm hứng từ trải nghiệm thức thần của họ hàng ngàn năm nay. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về điều đó sau, nhưng trước tiên, hãy cùng điểm qua một vài tác phẩm kinh điển từ thời kỳ phục hưng đầu tiên của nhạc thức thần. Những giai điệu này mang đến một góc nhìn thú vị về sự tự nhận thức bản thân, mở rộng tư duy và hơn hết là tạo nên một cuộc cách mạng cho cả một thế hệ.
1. Breathe (In the Air) – Pink Floyd
Đây là một ca khúc HUYỀN THOẠI. Nếu bạn chưa từng nghe qua toàn bộ album này thì quả là một thiếu sót lớn. Nó nằm trong “The Dark Side of the Moon“, album nổi tiếng nhất của Pink Floyd, thứ nhất là nhờ hình ảnh bìa đĩa, thứ hai là do sự khác biệt hoàn toàn giữa từng bài hát, từ nhịp điệu, lớp lang giọng hát cho đến những đoạn sample gây chú ý như tiếng đồng hồ, máy tính tiền và quan trọng nhất là cách sử dụng saxophone, synthesizer và tiếng đàn guitar đầy gợi mở. Ca khúc này chạm đến tận sâu tâm hồn – yêu cầu chúng ta tạm dừng – và hít thở. Cảm giác như đang phiêu lãng trong màn đêm, vượt qua khỏi mọi giới hạn của thời gian và không gian. Ngay cả khi đã nghe nhiều lần, tôi vẫn khuyên bạn nên nghe lại một lần nữa với sự tập trung cao độ và sự trợ giúp của “thảo dược thiên nhiên” và thả mình vào nó.
2. White Rabbit – Jefferson Airplane
Tôi yêu bài hát này vì nó miêu tả cực kỳ chính xác cảm giác của một chuyến trip. Nghe thôi cũng thấy phê. Không cần thuốc gì cả. “White Rabbit” mang đến những hình ảnh sống động, kỳ ảo nhưng vui vẻ – hệt như đang lạc vào thế giới ảo giác vậy. Ca khúc kinh điển này có hơi khó hiểu đối với trẻ em, nhưng khi trưởng thành, cảm nhận lại sẽ hoàn toàn khác. Giọng hát của Grace Slick ma mị và mạnh mẽ. Cách thể hiện của cô ấy đủ để khiến bạn nổi da gà.
3. Tomorrow Never Knows – The Beatles
Mở đầu với tiếng đàn tanpura Ấn Độ du dương, nhịp trống thôi miên và những âm thanh kỳ lạ như tiếng chim hót. Xen kẽ trong đó là thông điệp: “TẮT NÃO BẠN ĐI. THƯ GIÃN. VÀ THẢ MÌNH TRÔI DÒNG”. The Beatles quả là những bậc thầy, họ chứng minh cho cả thế giới thấy âm nhạc và chất thức thần có thể tạo nên điều kỳ diệu và những kiệt tác. Bài hát này mang cảm giác như đang lênh đênh trên bè gỗ xuôi theo dòng chảy nội tâm. Một sự buông bỏ hoàn toàn. Nhận ra ý nghĩa bên trong chính là sự tồn tại. Rằng TÌNH YÊU là tất cả. Và quan trọng nhất, kết thúc chỉ là sự khởi đầu. “Tomorrow Never Knows” nhắc nhở chúng ta về sự thật giản đơn rằng ngày mai luôn là một ẩn số. Đúng là “chẳng ai biết trước được ngày mai”.
Nhạc Ayahuasca
Tôi chưa từng nghe thấy, thậm chí không thể mường tượng được cách âm nhạc được truyền tải qua một loài thực vật cho đến khi biết đến Ayahuasca. Loài cây kỳ diệu này đã kết nối với vô số người để ban tặng cho chúng ta món quà âm nhạc. Các cộng đồng bản địa ở Amazon kể rằng cây Ayahuasca dạy cho mỗi người những bài hát độc đáo của riêng họ, được gọi là icaros, trong thời gian “kiêng khem” – khi họ tách biệt và chỉ ăn thực vật, thường là để chuẩn bị cho các buổi lễ.
Có quá nhiều bài hát Ayahuasca tuyệt vời đến mức không thể liệt kê hết, và cũng chẳng thể phân định bài nào hay nhất. Cái hay của nhạc Ayahuasca là ở sự độc đáo và không có loài thực vật nào mang đến những giai điệu thần bí như vậy. Ayahuasca là một sinh vật sống với tinh thần mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ ràng qua các bài hát mang tính chữa lành. Danh sách dưới đây là các bài hát được yêu thích, chúng do những người khác nhau sáng tác và cũng có nhiều phiên bản khác nhau. Hy vọng bạn sẽ tìm được những bài hát chạm đến tâm hồn và hát chúng với sự tôn kính lớn lao.
Đây là một trong những bài hát chữa lành hay nhất mà tôi từng nghe. Nó như một bài ca dành tặng các linh hồn thực vật. Cách bài hát này được sử dụng như lời cầu nguyện mở đầu buổi lễ giống như một cái vuốt ve nhẹ nhàng từ Mẹ Trái Đất. Sunarai là lời mời gọi, chào đón tất cả các loài thực vật, những người bạn đồng hành, những bậc thầy. Bài hát còn giới thiệu những gì sẽ được tôn vinh trước khi bắt đầu buổi lễ bằng cách liệt kê tên các loại thuốc truyền thống của thổ dân và cả động vật. Sunarai dễ học và rất dễ nhớ. Lần đầu tiên nghe, tôi đã cảm thấy quen thuộc và nó tạo ra một sự mở đầu mạnh mẽ. Bản gốc thì tuyệt đẹp và vẫn là lời cầu nguyện phổ biến để bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc với Ayahuasca.
2. Oso Blanco (White Bear)
Oso Blanco là một bài hát chữa lành được yêu thích bằng tiếng Tây Ban Nha. Nó như một lời cầu nguyện kể về câu chuyện đẹp giữa động vật và tinh thần của chúng. Bài hát mang thông điệp hy vọng và ý nghĩa, gieo mầm niềm tin vào vẻ đẹp và phép màu. Lời bài hát nhắc đến bốn phương truyền thống của Nam Mỹ và các loài vật linh thiêng. Oso Blanco có nhiều phiên bản, thường được chơi với đàn guitar acoustic, kết hợp với nhạc lắc, bộ gõ và đôi khi là sáo hoặc tiếng còi. Lời bài hát khá nhiều (nghe lần đầu hơi khó nhớ), nhưng giai điệu lại mang đến cảm giác thanh bình, đưa bạn đến với khu rừng già, bầu trời và những điều kỳ diệu khác.
3. Agua de Estrellas (Water of Stars)
Ngay từ lần đầu tiên nghe Agua de Estrellas, tôi biết nó đặc biệt. Cách bài hát mở đầu chậm rãi, nhẹ nhàng, như đang trò chuyện với nước và những vì sao. Nó giống như một bài hát ru êm dịu. Bài hát ca ngợi vẻ đẹp của Mẹ Trái Đất. Lời bài hát khuyến khích chúng ta bình tĩnh, thanh tẩy và chữa lành. Nó mang tính sùng bái nữ tính. Các câu hát được lặp lại khi bài hát dần dâng cao, nhẹ nhàng ca ngợi sức mạnh chữa lành của thiên nhiên và mục đích yêu thương tất cả. Theo truyền thống được hát bằng tiếng Tây Ban Nha, acapella hoặc với đàn guitar. Đây là bài hát mà bạn khó có thể ngồi yên khi tham gia buổi lễ. Giai điệu cùng ca từ sẽ đưa bạn đến với vòng tay ấm áp của Mẹ Ayahuasca.
Nhạc Nấm thức thần
Âm nhạc nấm thật vi diệu. Nó thăng trầm, phiêu lãng, gợi suy tư; mang lại cảm giác êm dịu, mềm mại hoặc những trào dâng năng lượng sôi động, hân hoan. Tôi đã không quen thuộc với dòng nhạc lấy cảm hứng từ nấm cho đến khi bắt đầu tham dự các lễ hội. Tôi đã nghe rất nhiều nhạc EDM, xem những hình ảnh ảo diệu kiểu fractal xoắn não, và nó bắt đầu hấp dẫn tôi. Tôi đã quá quen với việc “phê” nấm một mình hoặc với những người bạn thân thiết, và rồi đột nhiên, cảm giác như cả thế giới đều biết đến psilocybin và khả năng chữa lành của nó. Cũng giống như bào tử nấm, các thể loại nhạc này ngày càng phong phú và đa dạng.
1. Mark Farina
Tôi chỉ biết đến Mark Farina dạo gần đây, nhưng phải công nhận rằng Mark chính là người truyền cảm hứng cho cả một dòng nhạc. Tôi yêu những âm thanh old school của ông ấy. Album “Mush Jazz” 2008 của Farina thật tuyệt vời. Các album đầu pha trộn giữa nhạc dance sôi động, nhịp EDM/house/hip hop lặp đi lặp lại, xen kẽ với những đoạn sample “phê pha” với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Nhạc của Farina trải dài từ nhịp chậm rãi đến dồn dập, đủ để bạn phiêu theo từng giai điệu, thoát khỏi tâm trí và đạt đến trạng thái thăng hoa. Nghe nhạc Farina dù đang làm việc, đi cà phê, nhảy múa, “bay”, hay đơn giản là nằm chill thì đều tuyệt cả. Rất đáng để khám phá thêm!
2. Yaima
Giọng hát của Yaima trong ca khúc “Pepper Proud” có lẽ là một trong những giọng hát hay và thanh thoát nhất mà tôi từng nghe. Âm nhạc của bộ đôi này giống như những giai điệu viễn du từ thiên đường, chạm xuống trần gian để chữa lành tâm hồn và lan tỏa thông điệp yêu thương. Ngay cả khi không dùng chất thức thần, âm nhạc của Yaima vẫn là một liều thuốc quý giá. Còn khi kết hợp với nấm thì nó chạm sâu vào tâm trí bạn. Bạn có thể cảm nhận được sự tận tâm của họ dành cho âm nhạc và Mẹ Trái Đất. Âm nhạc của Yaima như một liệu pháp tinh thần giúp cân bằng hệ thần kinh. Cách phối hợp đa dạng các nhạc cụ như didgeridoo, sáo, đàn hạc, mandolin, handpan, kalimba cùng bộ gõ độc đáo và nhịp trống đặc biệt tạo nên những giai điệu chạm đến trái tim, đưa bạn vào sâu thẳm bên trong.
3. East Forest
Ba từ: ALBUM RAM DASS. Album này chứa đựng những lời yêu thương và triết lý sâu sắc, lay động tâm hồn. Các bản nhạc của East Forest nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng và kích thích tư duy. Nó giống như thể Chúa đang chơi piano, còn Trái Đất thì đệm đàn hạc, harmonium, đàn dây và hòa âm cùng tiếng côn trùng rả rít. Mỗi bài hát mang đến một cảm nhận khác nhau, kể cả những bản nhạc không lời và những giai điệu drone theo phong cách Ấn Độ. Đây là nhạc phẩm hoàn hảo cho một chuyến trip cùng psilocybin, thỏa sức phiêu lãng với những miền đất kỳ thú được tạo nên bởi âm nhạc.
Nhạc Acid
LSD là một trải nghiệm mới mẻ đối với tôi. Tôi chưa bao giờ thử acid cho đến tận năm 2022 (ừ thì hơi trễ nhưng muộn còn hơn không đúng không?).
Tôi cũng hơi ngần ngại thử nó sau khi nghe qua vô số câu chuyện. Sợ đào xới tâm lý quá sâu, sợ “phê” đến mức không chịu nổi. Nhưng thú thật, lớn lên với nhạc Rock thập niên 60s, 70s, tôi cảm nhận được cả một giai đoạn lịch sử qua từng nghệ sĩ. Đôi khi tôi nghĩ mình cần thuốc để cảm hết cái hay của nhạc này. Nó mãnh liệt, kỳ lạ, hỗn loạn, nhưng cũng hài hước, vui vẻ, u tối, nhưng lại vô cùng cuốn hút.
The Grateful Dead chắc chắn là ban nhạc Jam huyền thoại nhất của dòng nhạc thức thần. Tôi biết đến The Dead thời còn trung thành với áo tie-dye, hoàn toàn không biết đây là ban nhạc tiên phong cho cả một trào lưu “nâng cao nhận thức” bằng chất thức thần, thời mà mọi người chỉ mong muốn hòa bình và yêu thương. Âm nhạc của họ đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ người hâm mộ cuồng nhiệt. “Eyes of the World” là ca khúc tôi thích nhất, còn “Friend of the Devil” và “Althea & Ripple” là hai bài được stream nhiều nhất của họ. “Truckin,” “Sugar Magnolia,” và “Dark Star” cũng là những ca khúc không thể bỏ qua, nhưng nếu bạn là một Deadhead đích thực, bạn sẽ yêu tất cả.
2. The Doors
Hãy dành một chút thời gian để cảm nhận tiêu đề một số bài hát của The Doors: “Hello, I love you” (Này, Anh yêu em); “People are Strange” (Mọi người thật kỳ lạ); “Waiting for the Sun” (Đợi mặt trời mọc); “The Crystal Ship” (Con tàu pha lê); “Love Street” (Phố tình yêu); “Touch me” (Hãy chạm vào anh); “Light my Fire” (Hãy thắp sáng ngọn lửa trong anh); “Love her Madly” (Yêu cô ấy đến điên cuồng); “Break on Through” (Phá vỡ rào cản); “My Wild Love” (Tình yêu hoang dại của anh); “Indian Summer” (Mùa hè Ấn Độ); “Peace Frog” (Ếch hòa bình); “The Unknown Soldier” (Người lính vô danh); “Riders on the Storm” (Những kẻ cưỡi bão); “When the Music’s Over” (Khi không còn có âm nhạc); “The End” (Và thế là hết).
Jim Morrison, thủ lĩnh của The Doors, là một thiên tài thi ca. Anh ấy đại diện cho mặt tối, thậm chí là nổi loạn, của sự kết hợp giữa điên cuồng và âm nhạc. Lời ca và phong cách biểu diễn của anh kết hợp với tiếng đàn Rhodes đặc trưng, tạo nên một âm thanh mà không ai có thể sao chép được. Một khi cánh cửa The Doors mở ra… thì rất khó để đóng lại.
3. Pink Floyd
Tùy vào từng album nhưng tôi nghĩ tất cả đều có thể đồng ý rằng “The Dark Side of the Moon” là album kinh điển của Pink Floyd và dễ nhận biết nhất. Tất cả các album của họ đều chứa đầy những âm thanh và giọng hát kỳ lạ xen lẫn các đoạn chuyển hợp âm rùng rợn, u tối và ảo diệu. Bạn có thể cảm nhận được họ đã “đi sâu” vào trải nghiệm này. Một số bài hát như “Money” và “Time & Breathe” có chủ đề lặp đi lặp lại và cấu trúc verse/chorus quen thuộc hơn so với những bài hát cuối những năm 60. Nhiều đoạn nhạc cụ độc tấu và album thử nghiệm không lời cho thấy họ đã dùng RẤT NHIỀU chất kích thích/thức thần và bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó qua âm nhạc của họ. “Wish You Were Here” là một bài hát đẹp mà tôi từng nghĩ là một bản tình ca, và “Comfortably Numb” là bài hát nhẹ nhàng nhất trong album “The Wall“, nó nói lên sự thật về mong muốn trốn khỏi nỗi đau, nhưng đồng thời chấp nhận nó. Những bài hát như thế này có khả năng chữa lành rất lớn, đặc biệt là khi đang trong một chuyến trip.
Nhạc Rock thức thần
Tuyển chọn những ca khúc Rock thức thần đỉnh cao khiến người ta đau đầu vì sự phong phú của chúng. Đặc trưng của dòng nhạc này là những màn trình diễn guitar điện đầy năng lượng, solo bùng nổ, tiếng cymbal dồn dập, bassline nặng trịch và giọng hát gào thét đầy đam mê. Chúng đưa người nghe đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa, phiêu lãng.
1. Purple Haze/ Bold as Love by Jimi Hendrix
Chỉ cần nhìn thoáng qua bìa album, người nghe đã có thể mường tượng được phong cách âm nhạc mạnh mẽ của Jimi Hendrix. Giai điệu guitar điện đặc trưng của ông xuất hiện xuyên suốt từng ca khúc, tạo nên một sức mạnh âm nhạc không thể phủ nhận. Cách chơi guitar của ông đưa người nghe đến một chiều kích mới của thưởng thức âm nhạc, một trải nghiệm bùng nổ và đầy sáng tạo. Âm nhạc của Jimi Hendrix toát lên cá tính mãnh liệt, thậm chí có thể nói là quyến rũ theo một cách riêng. Nó thôi thúc người nghe hòa mình vào dòng chảy âm nhạc, tận hưởng sự phiêu lãng bất tận.
Ra mắt vào năm 1968, đúng vào thời kỳ bùng nổ của văn hóa sử dụng chất kích thích, ca khúc “White Room” của Cream là một minh chứng điển hình cho ảnh hưởng của cần sa, rượu và cocaine lên sáng tác nhạc Rock. Bài hát đề cập đến mối quan hệ giữa con người và chất kích thích, sử dụng hình ảnh ẩn dụ căn phòng trắng để miêu tả những trải nghiệm biến đổi cảm xúc, thăng hoa và đôi khi là cả sự hoang mang. Phần mở đầu của ca khúc mang đến cảm giác hồi hộp pha chút ám ảnh, với nhiều lời ca đan xen, đôi khi khiến người nghe khó nắm bắt mạch ý. Tuy nhiên, màn solo guitar ấn tượng ở phần kết đã cứu vãn tất cả, khẳng định chất lượng đỉnh cao của ca khúc. Nhìn chung, “White Room” là một sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố Rock mạnh mẽ và giai điệu êm ái, nhẹ nhàng.
3. Stairway to Heaven by Led Zeppelin
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến “Stairway to Heaven” của Led Zeppelin trong danh sách này. Mặc dù không hoàn toàn được xếp vào thể loại thức thần theo nghĩa thuần túy, ca khúc vẫn mang đến những trải nghiệm âm nhạc đặc biệt, kích thích và đầy cảm xúc. Đây là một kiệt tác đích thực, xứng đáng với danh hiệu huyền thoại vượt thời gian. Mở đầu êm dịu với sự kết hợp của guitar và sáo, các verse sau đó dẫn dắt người nghe vào một câu chuyện viễn tưởng mang hơi hướng Celtic, kể về hành trình tìm kiếm điều gì đó xa vời của một người phụ nữ. Những lớp lang guitar đan xen, chậm rãi đẩy cao trào, tạo nên một màn trình diễn đỉnh cao của Jimmy Page và Robert Plant. Nghe ca khúc từ đầu đến cuối, bạn sẽ bị cuốn hút bởi những cung bậc cảm xúc dâng trào, vẻ đẹp lạ lùng và đầy mê hoặc. Tiếng guitar solo thần sầu, tiếng trống dồn dập và những nốt cao chót vót vang lên cùng tiếng hét “when we are all One and One is all” (khi chúng ta là Một và Một là tất cả) đủ sức khiến người nghe choáng ngợp, đắm chìm vào thế giới âm nhạc kỳ ảo. Mặc dù ca khúc không giải thích rõ ràng “nơi đó” là gì, nhưng hành trình tìm kiếm của người phụ nữ vẫn khơi gợi nhiều suy ngẫm cho người nghe về ý nghĩa của cuộc sống và sự khao khát vươn tới những điều vĩ đại.
Nhạc Pop thức thần
Những người yêu nhạc thường đánh giá thấp nhạc “pop” vì cho rằng nó thiếu chiều sâu và sự sáng tạo. Dù vậy, “pop” đơn giản chỉ là “nhạc đại chúng” – một khái niệm luôn biến đổi theo từng thập kỷ. Lý do khiến nhạc pop phổ biến là vì nó dễ nghe, kích thích vũ đạo và niềm vui, chứa đựng những thông điệp chung về trải nghiệm của con người. Dưới đây là một vài ca khúc Pop thức thần yêu thích của tôi.
1. Lucy in the Sky with Diamonds by The Beatles
Một ca khúc Psy-Pop kinh điển, đáng nhớ và phổ biến với hầu hết mọi người, “Lucy in the Sky with Diamonds” đưa chúng ta vào một chuyến du hành thị giác đầy màu sắc và sống động. Hãy tưởng tượng mình đang ở trên chiếc thuyền cùng The Beatles, du ngoạn, với những âm thanh xung quanh ảo diệu như trạng thái xuất thần và tiếng đàn tổng hợp kỳ lạ. Lucy có thể không phải hình mẫu lý tưởng cho mọi người, nhưng cô ấy luôn tỏa sáng, bất kể bạn có “bay” hay không.
2. Time of the Season by The Zombies
Bài hát này luôn khiến tôi liên tưởng đến những quán bar tối tăm hoặc nhà để xe của những ông chú trung niên đang sửa xe máy, uống bia với bạn bè vào tối thứ Sáu. Lần đầu tiên nghe bài hát này lúc nhỏ, tôi đã bị ấn tượng bởi tiếng vỗ tay, tiếng thở dài “ahhs” đầy gợi cảm, và sự hòa âm ba giọng tuyệt vời trong phần điệp khúc – điều mà cho đến tận ngày nay, nó vẫn khiến tôi kinh ngạc. Những đoạn solo keyboard dài và u buồn xen giữa các khổ nhạc nhắc nhở chúng ta rằng, lúc nào cũng là mùa để yêu thương.
3. Runaway Houses City Clouds by Tame Impala
Đây mới thực sự là một bài hát “trippy”. Hầu hết các ca khúc của Tame Impala đều vậy. “Runaway Houses City Clouds” đưa chúng ta vào một hành trình, từ rock đến pop rock, rồi đến một phần giữa dài dằng dặc với những giai điệu tổng hợp mượt mà, lặp đi lặp lại cho đến khi vỡ ra thành những âm thanh lấp lánh như bầu trời đầy sao. Tôi thích lời bài hát “it’s true that some things have to change” (đúng là một số thứ phải thay đổi), đề cập đến những biến chuyển không thể tránh khỏi trên đường đời, hay đơn giản là sự tiến hóa của chúng ta với tư cách con người. Phần nhạc cụ vũ trụ và không gian với đoạn riff guitar lặp đi lặp lại tuyệt đẹp, khiến tôi có thể đắm chìm mãi mãi. Đây là một ca khúc dài vì lý do đó, mang cảm giác như đang thăng hoa vào thế giới thần tiên của nhạc Pop thức thần.
Nhạc Rap thức thần
“Trippy” có lẽ không phải từ đầu tiên nảy ra trong đầu chúng ta khi nghĩ về nhạc thức thần. Tôi đã phải nghe rất nhiều nhạc rap để tìm ra yếu tố khiến một bài rap tạo cảm giác “phê pha” như đang trên chuyến du hành tâm trí, hoặc thứ gì đó tôi thích nghe khi phê. Vì thông thường, tôi không nghe nhạc rap khi sử dụng chất thức thần, nên những bài hát này được chọn lọc không chỉ dựa trên độ nổi tiếng của nghệ sĩ mà còn cả về chất lượng và nội dung ca từ.
Lần đầu tiên nghe bài này của A$AP ROCKY tôi đã không ngờ nó lại hay như vậy. Ngay lập tức, tôi bị nó mê hoặc và cho đến tận bây giờ, cảm giác ấy vẫn không đổi. Nó thô ráp, cực kỳ gợi tình, giai điệu mang âm hưởng vũ trụ phi thường, và là thứ bạn muốn nghe cùng người yêu khi cả hai đều đang “phê”. Ít nhất thì đó là điều tôi vẫn luôn tưởng tượng. Kịch tính và nóng bỏng tột độ với những câu từ như “girl, I really f*ck you on love, sex, dreams” (Em yêu, anh thực sự muốn đưa em lên đỉnh cao của tình yêu, ham muốn và giấc mơ). Cảnh báo trước khi nghe: nó khiến bạn khao khát LSD. Hoặc ham muốn tình dục. Hoặc cả hai. Hãy lựa chọn khôn ngoan.
2. Highest in the Room by Travis Scott
Mở đầu bài hát giống như nhạc nền của một bộ phim kinh dị cũ rùng rợn, sau đó nhanh chóng chuyển thành nhịp điệu mạnh mẽ và thôi miên. Đây là phong cách rap đặc trưng của Travis Scott; bạn khó có thể nghe rõ anh ấy đang rap gì nhưng điều đó chẳng quan trọng vì nó nghe quá tuyệt vời. Tôi hình dung ra một căn phòng đầy khói mù với Travis lơ lửng trên cao, ánh đèn màu sắc và thỉnh thoảng liếc nhìn vào gương, đôi mắt thay đổi, cái tôi biến ảo, những hình ảnh tăm tối hiện lên. Bằng cách nào đó, giữa bầu không khí kỳ quái ấy, nó cũng mang lại cho tôi cảm giác an toàn vì tôi biết mình chỉ đang “phê” và nỗi sợ hãi đó không thực sự.
Một kiệt tác thực sự. Mac Miller đã làm nên điều kỳ diệu với album “Swimming”. Bài hát này là ca khúc thức thần nổi bật nhất. Nó nói về việc lắng nghe bản thân, du hành thời gian, nhìn với đôi mắt nhắm và chấp nhận ngay khi mọi thứ trở nên mất thăng bằng và khó chịu – hệt như đang miêu tả một hành trình nội tâm đầy ảo giác. Khi bài hát chuyển hẳn sang một nhịp điệu và tiết tấu khác, nó giống như một làn gió thổi qua, tượng trưng cho khoảnh khắc chúng ta nhận ra sự lãng quên mà chúng ta gọi là cuộc sống sẽ không kéo dài mãi mãi. An nghỉ nhé, MAC.
1cm2 tổng hợp