Trong một buổi hội thảo Zoom đông nghẹt người giữa mùa dịch, nói về microdosing trong điều trị nghiện, một vài người lên tiếng cảnh báo về cách tiếp cận quá đơn giản và có phần nguy hiểm trong việc mô tả chứng nghiện. Chỉ vài giây sau, cả nhóm đã dậy sóng.
“Sao bạn lại mang năng lượng tiêu cực vào đây?”
“Người thuyết trình làm tốt mà, sao không ghi nhận điều đó?”
“Không thích microdosing thì mời ra ngoài!”
Tôi cũng không quá bất ngờ, vì từng chứng kiến nhiều cuộc trò chuyện xoay quanh chất thức thần nơi mà “tiêu cực” bị cấm cửa, còn những phê bình chính đáng thì bị gắn mác “phá vibe”. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là sự đồng thuận của cả nhóm, thậm chí người điều phối buổi nói chuyện cũng hùa theo, quở trách những người chỉ trích. Mà nghĩ lại thì cũng dễ hiểu, nếu những lời phê bình kia làm lung lay miếng cơm microdosing của anh ta, phản ứng đó cũng… hợp lý.
Một câu chuyện còn kỳ quặc hơn xảy ra vào tháng 2/2021. Một video lan truyền cho thấy Tiến sĩ Martin Ball – người từng làm hướng dẫn 5-MeO-DMT – kể lại việc mình từng… nôn vào mặt một người khách đang nằm bất tỉnh vì dính độc cóc. Càng có người chỉ trích hành vi sai trái đó, lại có một phản ứng ngược, chê bai những người “quá nhạy cảm”, “rung động thấp”, “yếu đuối”.
Tôi tin rằng ai cũng xứng đáng được nghe và phản biện. Nhưng có những điều sai rành rành như việc nôn vào mặt một người bất tỉnh thì không thể nào biện hộ nổi. Ấy vậy mà trong cộng đồng ‘psychonaut’ vẫn có nhiều người cố bảo vệ hành động đó.
Vậy rốt cuộc, tôi đang muốn nói tới điều gì? Là xu hướng phủ nhận điều tiêu cực, là sự lên án những ai dám đặt câu hỏi hay chỉ ra những điều bất ổn. Tôi gọi hiện tượng này là “né tránh bằng ảo giác” (psychedelic bypassing).
Né tránh bằng ảo giác: Là khi ta dùng lý lẽ tâm linh hay trải nghiệm thức thần để bao biện cho những hành vi sai trái, chối bỏ mặt tối của bản thân, gò bó cảm xúc vào hai nhãn “tốt” và “xấu”, rồi gạt đi mọi thứ không hợp vibe – miễn sao ta cảm thấy mình đang sống “thức tỉnh” hơn, “cao rung động” hơn.
Đôi nét về “Né tránh tâm linh” (Spiritual Bypassing)
Để hiểu “né tránh bằng ảo giác”, trước hết phải hiểu khái niệm “né tránh tâm linh”.
Năm 1984, giáo viên thiền định kiêm nhà trị liệu tâm lý John Welwood đã đưa ra thuật ngữ “spiritual bypassing” (né tránh tâm linh). Trong cuốn Spiritual Bypassing: Khi tâm linh khiến ta xa rời điều thật sự quan trọng của Robert Augustus Masters, ông mô tả đây là việc “dùng thực hành và niềm tin tâm linh để né tránh cảm xúc đau đớn, những tổn thương chưa lành và các nhu cầu phát triển chưa được đáp ứng”.
Nói cách khác, nó là cách ta dùng ngôn ngữ “giác ngộ” để lẩn trốn thực tại. Robert Masters gọi đây là “trốn tránh trong lớp áo thiêng”, một kiểu né tránh không chỉ được cho phép mà còn được tán dương như thể đó là con đường đúng đắn để tiến hóa tinh thần.
Điều này có liên quan gì đến Chất thức thần?
Nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng đây là một câu hỏi nghiêm túc: Chẳng phải chất thức thần bắt buộc ta phải đối mặt với những sự thật đau đớn dù ta có muốn trốn tránh đến mức nào đi nữa? Ừ thì… nhiều lúc là vậy. Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Giữa làn sóng nghiên cứu khoa học ngày càng dày đặc, chứng minh tác dụng chữa lành sâu sắc của chất thức thần đối với đủ loại vấn đề, nhiều người ủng hộ lại quên mất một điều quan trọng: cái gì có khả năng chữa lành thì cũng có thể làm tổn thương. Bất chấp những lời quảng bá tích cực từ truyền thông chính thống, việc sử dụng chất thức thần không phải là con đường đảm bảo đến với sự chữa lành. Chúng có thể giúp ta hàn gắn những tổn thương nhưng đồng thời cũng có thể khiến ta lún sâu hơn vào việc lảng tránh chúng. Và như câu chuyện của Ball, người nôn vào mặt khách hàng bất tỉnh, thậm chí còn có thể khiến ta trở thành kẻ gây ra tổn thương.
Bạn chỉ cần lướt Erowid một vòng là thấy không ít trường hợp dùng chất thức thần khiến người dùng rơi vào trạng thái loạn thần. Trên trang Chacruna, có cả loạt bài viết vạch trần tình trạng phân biệt giới tính và chủng tộc trong chính cộng đồng thức thần – thậm chí xảy ra ngay ở những tổ chức có ảnh hưởng lớn. Đào kỹ hơn, sẽ thấy không thiếu nạn nhân từng bị lạm dụng thể xác, tinh thần hay tình dục trong những buổi lễ được gắn mác “chữa lành an toàn”.
Chất thức thần là chất khuếch đại không định hướng – nghĩa là nó có thể khuếch đại cả ánh sáng lẫn bóng tối trong ta. Nó có thể mở ra góc nhìn mới mẻ, khơi gợi sự tò mò và tự soi chiếu; nhưng cũng có thể khiến những niềm tin méo mó và hành vi sai lệch bám rễ sâu hơn. Nếu chất thức thần chỉ có khả năng thức tỉnh, vậy thì vì sao CIA lại từng dành hàng chục năm nghiên cứu chúng như một công cụ kiểm soát con người?
Tất cả nằm ở “ý định” và “bối cảnh”. Nếu người dùng đang tự dối mình, thì chất thức thần sẽ càng khuếch đại sự dối trá đó. Và đừng xem thường sức mạnh tự lừa của não bộ. Như Carl Jung từng nói: “Con người sẽ làm mọi thứ – dù điên rồ đến đâu – miễn là không phải đối mặt với chính linh hồn mình.”
Ấy vậy mà một quan điểm vẫn đang lan rộng: rằng chất thức thần chỉ có thể làm thế giới tốt đẹp hơn, và bất kỳ ai dám nêu ra nguy cơ tổn hại đều bị xem là “kẻ phá hoại phong trào”. Những nạn nhân và người đồng hành bị dìm tiếng bởi một đám đông truyền giáo, miệng rao giảng rằng: “FDA sắp duyệt rồi! Giờ không phải lúc phá hỏng mọi nỗ lực này!”
Không ai muốn lịch sử lặp lại – thêm một ông Nixon nào đó cấm đoán tất cả những chất có khả năng giúp đỡ hàng triệu người. Nhưng nếu sự trốn tránh lan rộng mà không được nhìn nhận, nó sẽ dần trở thành văn hóa. Và một khi văn hóa đó né tránh vấn đề nghiêm trọng, rồi quay ra công kích những ai dám nói thật, thì chính nó đang đào sâu thêm những lối mòn tổn thương trong não bộ – làm hại chính bản thân ta, những người thân yêu, và cả thế giới này.
Dù có chạm đến tầng linh thức cao nhất đi nữa, một cộng đồng né tránh vấn đề cốt lõi sẽ không bao giờ là một cộng đồng có khả năng chữa lành thật sự.
Vì sao con người lại dễ rơi vào kiểu né tránh bằng ảo giác?
Nhiều khi, lý do đơn giản chỉ là: ta không muốn nghe điều mình không muốn nghe.
Ví dụ đầu năm 2021, một nghiên cứu sơ bộ từ Đại học Imperial College London chỉ ra rằng những lợi ích “kỳ diệu” của microdosing – vốn được tung hô trên khắp các podcast và blog – thực ra có thể chỉ là hiệu ứng giả dược.
Phản ứng từ cộng đồng microdosing thì sao?
Rất nhanh chóng, nhiều người bác bỏ hoàn toàn nghiên cứu này, chẳng buồn xem xét nó có cơ sở gì không – chỉ vì kết quả không “ăn khớp” với niềm tin (hoặc lợi ích kinh tế) của họ.
Những trường hợp né tránh kiểu này khá dễ nhận ra. Nhưng cũng có lúc, sự né tránh tinh vi và khó nắm bắt hơn – xuất phát từ những tầng sâu vô thức trong tâm lý con người.
Khi “tâm lý” và “tâm linh” không bước cùng nhau
Robert Augustus Masters cho rằng việc né tránh dễ nảy sinh khi người ta tách riêng phần “tâm linh” ra khỏi “tâm lý”, rồi đề cao phần tâm linh hơn. Rất nhiều phương pháp tu tập hiện nay khuyên người ta “buông bỏ đau khổ”, tập trung vào sự tích cực, xây dựng một nội tâm “bình an” và đóng chặt mọi lối vào của những cảm xúc tiêu cực. Kiểu như: “Đừng để ý tới nỗi đau – chỉ cần hướng về ánh sáng, rồi mọi thứ sẽ tự ổn.”
Vấn đề là phần lớn nỗi đau không phải do năng lượng thấp hay rung động sai mà đến từ những tổn thương tâm lý. Và nếu chỉ dùng tâm linh để chối bỏ nó, thì nó không biến mất, mà chỉ lặn sâu hơn. Thiền định có thể mang lại sự chữa lành. Nhưng nếu không khéo, nó cũng có thể khiến người ta dần rút lui khỏi thế giới thực, mất khả năng kết nối sâu sắc và thân mật với người khác.
Trong cuốn A Path With Heart, thiền sư Jack Kornfield kể rằng, sau 10 năm tu tập nghiêm ngặt trong môi trường Phật giáo, ông tưởng mình đã vượt qua được những tổn thương cũ. Nhưng khi quay lại Mỹ và bước vào một mối quan hệ tình cảm, ông nhận ra mình vẫn “vô cùng non nớt về mặt cảm xúc, vẫn tái diễn những vòng luẩn quẩn cũ: đổ lỗi – sợ hãi – khao khát – rồi lại chối bỏ.”
Việc sống tách biệt trong tu viện khiến ông không chạm được tới những vết thương gắn với mối quan hệ và cảm xúc. Kornfield viết: “Tôi từng chứng kiến rất nhiều người lầm tưởng tu tập tâm linh là một cách để thoát khỏi cuộc sống, tránh né đau khổ vốn có của kiếp người.”
Dù ta có thiền bao nhiêu năm hay “thăng” lên bao nhiêu tầng vũ trụ nhờ chất thức thần, thì nếu vẫn né tránh những vấn đề tâm lý gốc rễ, ta vẫn chưa thật sự trưởng thành.
Cái bẫy của “siêu việt” và “hòa làm một”
“Transcendence” hay “siêu việt” là một khái niệm rất phổ biến trong cộng đồng chất thức thần, thường được hiểu là con đường vượt qua nỗi đau để trở nên toàn vẹn. Nhưng chính nó cũng có thể trở thành cái cớ cho việc né tránh: người ta dễ rơi vào thái độ chối bỏ những phần “xấu xí”, “đau đớn” bên trong mình, vì nghĩ rằng chúng là thứ phải vượt qua thay vì được thấu hiểu.
Masters viết: “Khi việc vượt qua quá khứ được đặt cao hơn việc lắng nghe và chữa lành nó, thì né tránh là điều khó tránh khỏi.” Một sự siêu việt lành mạnh sẽ bao gồm cả phần đã vượt qua, còn siêu việt lệch lạc thì lại né tránh nó và tự huyễn rằng: càng xa rời bóng tối, ta càng gần ánh sáng.
Nhà tâm lý học Ken Wilber từng đưa ra quan điểm rằng: phát triển cá nhân không phải là vượt lên và bỏ lại, mà là vượt lên và bao gồm – nghĩa là không chối bỏ cái cũ, mà tích hợp nó trong sự trưởng thành.
Tương tự như vậy, “oneness” hay “tất cả là một” cũng thường xuyên được nhắc đến trong các cộng đồng chất thức thần. Khi có mâu thuẫn, bất đồng hay khác biệt, người ta hay nói: “Chúng ta đều là một.” Nghe thì đẹp, nhưng nếu chỉ dùng câu đó để né tránh sự khác biệt, thì nó vô tình phủ nhận luôn thực tế rằng: con người khác nhau, có những con người chịu bất công, bị thiệt thòi, và trải nghiệm cuộc sống này theo cách rất khác.
Một kiểu “hòa làm một” mà loại trừ tất cả những ai không chung quan điểm, không dùng cùng loại thuốc, hay không rung động cùng tần số thì chỉ là sự “hòa hợp” trong một chiếc bong bóng. Một cái bong bóng dễ vỡ, và sợ hãi bất cứ điều gì dám chạm vào để làm nó bể.
Hạnh phúc là nơi “cái tôi” tan rã
Robert Masters từng viết: ta dễ rơi vào trạng thái né tránh mang màu sắc tâm linh khi nghĩ rằng tu tập sẽ đưa mình đến một “chốn tốt đẹp” hơn – nơi không còn khổ đau, nơi ánh sáng và tình yêu lên ngôi như một Vườn Địa Đàng vừa được hồi sinh.
Và khi hình mẫu lý tưởng ấy trở thành đích đến, ta bắt đầu xem những phần không hoàn hảo bên trong mình là thứ đáng xấu hổ, thậm chí là kẻ thù. Ta chối bỏ sự tồn tại của chúng, vì trong hệ giá trị “cao – thấp”, “tốt – xấu”, thì những phần ấy chứng minh rằng mình vẫn còn “xa ánh sáng”. Và nếu ta đang cố thể hiện rằng mình đã “tiến hóa tinh thần”, thì những mảng tối kia… càng không được để lộ.
Ta dồn nén chúng xuống, nở một nụ cười từ bi bề ngoài, cố gắng tỏ ra bao dung và yêu thương, rồi ép mình phải “vượt lên” những gì được xem là phần thấp kém của bản thân.
Hiện tượng này càng rõ trong cộng đồng chất thức thần, đặc biệt là với khái niệm “cái chết của bản ngã” (ego death). Bản ngã vốn là nơi chứa những phần “xấu xí” của con người và thường bị gắn mác tiêu cực. Và khi mục tiêu là xóa bỏ bản ngã, thì mọi dấu hiệu của cái tôi đều trở thành chướng ngại. Khi bản ngã không còn được nhìn nhận như một phần tự nhiên trong cấu trúc nội tâm, ta bắt đầu tạo ra xung đột ngay bên trong chính mình.
Điều này có thể bắt nguồn từ cách chất thức thần được truyền thông giống như các phương pháp chữa lành khác như yoga hay thiền định: “Cứ làm đi, rồi cuộc sống sẽ thay đổi kỳ diệu!” Với chất thức thần, lời hứa đó càng hấp dẫn hơn vì tác dụng nhanh, và có cả một kho nghiên cứu khoa học ủng hộ. Nhưng khi tin rằng đây là một “phép màu”, ta dễ bị cuốn vào ảo tưởng rằng chỉ cần dùng thuốc là sẽ đến được một vùng đất hạnh phúc, nơi mọi rắc rối biến mất cùng cái tôi.
Nhưng sự thật là nếu không thay đổi cách sống và lối nghĩ, thì mọi cảm giác “thức tỉnh” chỉ là khoảnh khắc thoáng qua. Cảm thấy nhẹ nhõm, nhìn ra được nguyên nhân nỗi đau chỉ là khởi đầu. Nếu không có sự cam kết bước tiếp, kết quả cũng sẽ trôi đi rất nhanh.
Người trong cộng đồng chất thức thần cũng hay nói đến khái niệm “integration” hay “tích hợp”như một đích đến: “Tôi đã tích hợp được những nhận thức sâu sắc sau khi dùng MDMA, nên giờ tôi hết lo âu rồi.” Nhưng chữa lành không phải là một con đường thẳng, cũng không phải chuyện “xong là xong”. Nó có thể đi theo chu kỳ, và nếu ta bám víu vào trạng thái an lạc, thì ta rất dễ né tránh những gì đe dọa cảm giác ấy.
Tích hợp không phải đích đến mà là quá trình liên tục cần sự hiện diện, quan sát và tham gia chủ động. Như Carl Jung từng viết: “Không có tiến hóa theo đường thẳng – chỉ có những vòng xoay quanh bản thể.”
Khi tư duy nhị nguyên len lỏi vào trải nghiệm phi nhị nguyên
Việc né tránh này còn đến từ chính lối tư duy nhị nguyên mà ta mang theo vào những trải nghiệm phi nhị nguyên mà chất thức thần mở ra. Khi tiếp xúc với những trạng thái ý thức không còn tuân theo logic thông thường, tâm trí lại có xu hướng chia mọi thứ thành tốt – xấu, ta – người khác, đúng – sai… để dễ hiểu, dễ kiểm soát hơn.
Hãy tưởng tượng tôi dùng 5 gram nấm và có một trải nghiệm tâm linh sâu sắc – tôi nhận ra bản chất mình là tình yêu thuần khiết. Cảm giác đó mạnh đến mức tôi tin rằng mọi phần “xấu” bên trong mình đã được thanh tẩy hoàn toàn.
Nhưng ba ngày sau, khi đang lái xe, có người cắt mặt và tôi lập tức nổi giận, buột miệng chửi rủa. Rồi tôi tự nhủ: “Không thể nào – mình là tình yêu cơ mà. Mình không thể vừa là tình yêu, vừa tức giận như vậy được.” Vậy là tôi bắt đầu chối bỏ cơn giận, tự thuyết phục rằng nó không phải “mình”. Và từ đó, một cuộc chiến âm thầm bắt đầu trong tâm trí – giữa cái “tôi lý tưởng” và cảm xúc mà tôi không thể chấp nhận.
Ngược lại, nếu tôi có thể nhìn nhận rằng mình vừa là tình yêu, vừa có thể nổi giận thì tôi sẽ có không gian bên trong để đón nhận cảm xúc ấy. Tôi có thể quan sát cơn giận, nhưng không để nó định nghĩa mình, cũng không cần phải sợ hãi hay phủ nhận nó.
Và chính trong khoảng không đó khi ta không ép buộc bản thân phải “hoàn hảo”, không chạy trốn cảm xúc – việc chữa lành thật sự mới có thể bắt đầu.
Sự thụ động và sự né tránh cảm xúc giận dữ
Trong nhiều cộng đồng tâm linh, giận dữ thường bị xem là cảm xúc “năng lượng thấp”, thứ mà mọi người cần tránh hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn. Chỉ khi nào giận dữ không còn tồn tại, bạn mới có thể sống trong trạng thái bình an, hay đạt được một lý tưởng như niết bàn.
Nhưng vấn đề ở đây là giận dữ là một cảm xúc tự nhiên và mạnh mẽ của con người. Những cảm xúc mạnh mẽ không biến mất chỉ vì ta phủ nhận chúng. Chúng sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, và nếu không được thể hiện ra bên ngoài, thì chúng quay vào trong, trút xuống chính ta.
Như Masters đã viết: “Không có cảm xúc tiêu cực. Chỉ có những hành vi tiêu cực mà ta làm khi đối diện với cảm xúc đó. Cảm xúc bản thân chúng không xấu hay tốt – chúng chỉ là vậy thôi.”
Khi ta phán xét cơn giận, thực tế là ta đang phán xét những hành vi gây hại mà giận dữ có thể dẫn đến như thù hằn hay bạo lực. Tuy nhiên, cảm xúc và hành vi là hai điều khác nhau. Nếu ta hiểu rõ nguồn gốc của giận dữ và cách nó hình thành, ta sẽ tìm được những cách thể hiện cảm xúc này một cách lành mạnh và ý thức hơn.
Khi ta coi giận dữ là “năng lượng xấu”, ta không chỉ phủ nhận cảm xúc này trong bản thân mà còn đánh giá nó ở người khác. Và khi một cộng đồng coi sự phán xét đó là đúng đắn, họ đang từ chối một cảm xúc quan trọng, một cảm xúc có thể dạy ta rất nhiều về ranh giới cá nhân, nhu cầu sâu sắc và những vết thương chưa lành.
Khi nghe về việc một người hành nghề lạm dụng khách hàng, việc tức giận là phản ứng hoàn toàn tự nhiên. Nếu ta cố né tránh cơn giận đó, ta đang bỏ qua những bài học quý giá mà cảm xúc này mang lại. Ta có thể vô tình biện minh cho hành vi sai trái của người hành nghề, nói rằng: “Họ cũng đang cố gắng thôi. Mình là ai mà phán xét đúng sai?” Khi đó, cả cơn giận và hành vi sai trái đều bị bỏ qua, trong cái gọi là “bao dung” và “tha thứ”. Điều này tạo ra một sự thụ động – một trạng thái giống như việc tê liệt cảm xúc, tránh né đối diện với thực tế và những vấn đề cần phải đối mặt. Đôi khi, điều dễ chịu nhất là “buông bỏ mọi thứ”.
Có thể tất cả điều này bắt nguồn từ một nỗi sợ sâu xa: sợ phải phán xét. Chủ nghĩa tương đối đạo đức tức là niềm tin rằng mỗi người có hệ giá trị riêng và không ai có quyền can thiệp vào điều đó có vẻ dễ chịu, nhưng thực ra lại khuyến khích sự thụ động, cho phép cái sai tiếp tục tồn tại mà không được chất vấn.
Cảm giác giận dữ trước những hành vi gây hại không phải là “năng lượng xấu”. Đó là một phản ứng chính đáng và cần thiết với những vấn đề có thể sẽ hủy hoại tất cả những gì đang được xây dựng trong cộng đồng chất thức thần nếu không được giải quyết.
Chỉ có thay đổi thực sự khi ta dám đối diện với vấn đề và nhìn thẳng vào những điều sai trái. Đôi khi, chính cảm xúc giận dữ sẽ giúp ta nhận ra vấn đề đó nằm ở đâu.
Hội chứng Guru là gì?
Có không ít người trong cộng đồng chất thức thần tự xưng là “guru”, nhiều người trong số đó không giỏi về việc hướng dẫn mà lại rất thành thạo trong việc né tránh. Làm sao mà một “người chữa lành” tự xưng có thể gây ra hành vi lạm dụng tình dục với người tham gia – một vấn đề lâu dài trong không gian thức thần – và lại có thể thoát khỏi trách nhiệm?
Theo Masters, hiện tượng né tránh này bắt nguồn từ “ảo tưởng về việc đã đạt được một cấp độ cao hơn trong sự tồn tại”. Những người làm hướng dẫn này có thể đã có những trải nghiệm chất thức thần sâu sắc, nhưng họ lại nhầm lẫn việc đạt được những trạng thái đó với việc đạt đến một giai đoạn cao trong quá trình tu luyện tâm linh.
Và đây chính là chỗ mà chất thức thần tạo ra một dạng né tránh đặc biệt khó nhận biết. Khác với thiền, cần nhiều năm để đạt được một trải nghiệm cao trào, chất thức thần có thể đưa bất kỳ ai vào cuộc đối diện đột ngột với cõi tâm linh. Trải nghiệm đó có thể mạnh mẽ đến mức người trải nghiệm cảm thấy như mình đã được tái sinh, nơi những lo âu của “bản thân cũ” giờ đã hoàn toàn tan biến. Điều này có thể đúng trong một khoảng thời gian, nhưng rồi khi những lo lắng đó quay lại thì sao? Nếu trải nghiệm này đã tái sinh họ, thì những vấn đề đó không thể là của họ nữa, đúng không? Thực tế, người này không nhận ra rằng “cái tôi không còn” mới này thực chất là một cái tôi mới được xây dựng trên nền tảng cũ, và với những vấn đề chưa được giải quyết, cái tôi này vẫn mang nhiều nét giống với cái tôi trước đó hơn họ muốn thừa nhận.
Vấn đề nguy hiểm ở đây là việc biện minh cho hành vi gây hại. “Ngay cả những hành vi lạm dụng rõ ràng từ một người thầy tâm linh cũng có thể bị biện minh là cơ hội để học viên phát triển trong tu luyện của họ,” Masters viết. Đây chính là kiểu thao túng tâm lý cực đoan, được che đậy bởi cái tôi tự cho mình là bất khả xâm phạm, với lý do là cái tôi đó không còn và không bị chi phối bởi những thôi thúc “thấp kém.”
Có thể ta sẽ cho rằng xu hướng này chỉ xảy ra ở những người hành nghề ngầm, nhưng những tiết lộ gần đây lại chỉ ra rằng ngay cả những bác sĩ hay nhà trị liệu công khai cũng có thể mắc phải vấn đề này. Nhà nghiên cứu Matthew Johnson mô tả xu hướng này như sau: “Khuynh hướng tin rằng bản chất của những trải nghiệm mà mọi người có khi sử dụng chất thức thần là quá thiêng liêng hoặc quan trọng đến mức các quy tắc bình thường không còn áp dụng, dù đó là các quy tắc về ranh giới trong điều trị lâm sàng, trong thực hành tâm lý học, y học, triết lý khoa học hay đạo đức.”
“Chất thức thần có thể làm khuếch đại những lạm dụng quyền lực tinh tế có thể tồn tại trong các hành vi thường ngày của tâm lý học lâm sàng hay y học,” Johnson tiếp tục. “Các nhà khoa học hay nhà trị liệu có thể, mà không nhận thức rõ, rơi vào cái bẫy của việc đóng vai guru hay linh mục, truyền đạt những triết lý cá nhân mà không có cơ sở thực nghiệm vững chắc.”
Mặc dù chất thức thần có thể giúp khuếch đại quá trình chữa lành trong trị liệu, nhưng chúng cũng có thể khuếch đại sự chuyển giao cảm xúc – cảm xúc vô thức mà khách hàng dành cho nhà trị liệu. Nếu những người hành nghề giỏi trong việc né tránh, họ dễ bị cuốn vào sự chuyển giao ngược – cảm xúc của nhà trị liệu phản ứng lại với cảm xúc chuyển giao của khách hàng. Sự chuyển giao ngược này có thể bộc lộ theo những cách gây hại, và nhà trị liệu có thể biện minh cho hành vi sai trái của mình là “một phần trong quá trình chữa lành của khách hàng” giống như cách Martin Ball biện minh cho hành vi nôn vào mặt khách hàng của mình.
Trách nhiệm khi hướng dẫn trong những trạng thái phi thường
Mức độ né tránh trong cộng đồng thức thần phải lớn đến mức nào để những người bị cho là đã gây ra hành vi lạm dụng nghiêm trọng trong không gian này lại có thể leo lên các vị trí cao và trở thành những người phát ngôn có ảnh hưởng trong hệ sinh thái thức thần?
Một phần trong tôi muốn tin rằng những người im lặng trong các vụ bê bối lạm dụng xứng đáng có cơ hội thứ hai, để tôi có thể đặt những phản ứng của mình dưới một cái “hiểu biết” và “tha thứ” cao hơn.
Có lẽ mọi người đều xứng đáng có cơ hội thứ hai, nhưng việc cho người khác cơ hội chuộc lỗi không có nghĩa là cho phép họ tiếp tục gây hại mà không phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng việc nhìn nhận một cách trung thực khả năng né tránh của chính mình, dù có hay không có chất thức thần sẽ là một bước khởi đầu tốt.
1cm2 tổng hợp