Sau thời Phục hưng Thức thần: Điều gì chờ đợi chúng ta ở phía trước?

Psychedelics – chất thức thần – có cách dạy con người rất riêng. Không theo lối mòn, không dễ đoán.

Chúng khơi mở tâm hồn ta, chỉ cho ta thấy những điều sâu kín bên trong, khiến ta bật cười trước sự trớ trêu của đời sống, và cả đối diện với những sự thật đau lòng – những điều ta cần thấy để trưởng thành. Lịch sử của chất thức thần ở phương Tây cũng lắm thăng trầm như chính những chuyến “trip”, và giờ đây, nó đang bước vào một bước ngoặt quan trọng.

Kỷ nguyên Khai sáng thức thần

Sau nhiều năm bị cấm đoán rồi được khơi dậy lại trong giới nghiên cứu, và gần đây là sự trỗi dậy mạnh mẽ của “chủ nghĩa tư bản thức thần” – chất thức thần dần lấy lại được vị thế cả trong y học lẫn văn hóa đại chúng. Nhiều người nổi tiếng không ngừng chia sẻ về trải nghiệm với ayahuasca, kéo theo làn sóng du lịch tâm linh đến các trung tâm trị liệu kỳ lạ ở Nam Mỹ. Ở Mỹ, MDMA và psilocybin đang trên đà được công nhận như thuốc điều trị hợp pháp. Úc đã bất ngờ cho phép sử dụng cả hai trong điều trị từ năm 2023. Bang Oregon đã mở đường cho người trưởng thành dùng psilocybin để trị liệu và khám phá bản thân. Colorado cũng bật đèn xanh cho việc dùng các loại thuốc thức thần từ thực vật, còn California thì chỉ còn một bước nữa là hợp pháp hoá.

Mỗi thời kỳ đều mang một cái tên. Giai đoạn hồi sinh nghiên cứu chất thức thần từ đầu những năm 2000 được gọi là Thời kỳ Phục Hưng Thức Thần – hay “Làn sóng thứ hai” – sau khi làn sóng đầu tiên bị dừng lại vào thập niên 70. Nhưng giai đoạn đó chủ yếu xoay quanh một hướng tiếp cận: trị liệu bằng chất thức thần.

Giờ đây, chất thức thần đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực – từ hòa giải xung đột giữa người Israel và Palestine, đến nghiên cứu sáng tạo, phát triển lãnh đạo, hay truy cầu tâm linh. Những hệ thống tín ngưỡng bản địa, các buổi trị liệu, trung tâm tu tập, tôn giáo và lễ hội – tất cả đang dần đan xen thành một hệ sinh thái đa dạng và đầy màu sắc. Có vẻ như ta đang bước vào một giai đoạn mới – Làn sóng thứ ba, hay như Jerónimo Mazarrasa gọi là Thời kỳ Khai sáng thức thần.

Nhưng câu hỏi lớn vẫn là: liệu thời kỳ này sẽ đưa chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, nơi con người có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chia rẽ chính trị hay khủng hoảng tinh thần? Hay cuối cùng, nó chỉ là một phiên bản mới – rực rỡ hơn, “bay màu” hơn – của thế giới tiêu dùng rỗng tuếch? Chúng ta đang đứng giữa hai khả năng: một là mở rộng nhận thức và khả năng tập thể, hai là sa vào một xã hội loè loẹt nơi ánh sáng của chất thức thần bị nuốt chửng bởi những lời hứa sáo rỗng và cạm bẫy quen thuộc của chủ nghĩa tiêu dùng.

Chất thức thần thay đổi nhận thức của chúng ta như thế nào?

Việc làn sóng thứ ba của chất thức thần có thể tạo ảnh hưởng lớn đến xã hội hay không là một câu hỏi không dễ trả lời. Khi bàn đến chất thức thần hay những thực hành mang tính chuyển hoá, người ta rất hay rơi vào kiểu nói mơ hồ, đầy hy vọng nhưng thiếu thực tế. Một niềm tin khá phổ biến trong cộng đồng tâm linh hiện đại là: nếu đủ nhiều người “nâng cao ý thức”, thế giới rồi sẽ hoá thành thiên đường – tràn ngập yêu thương, giác ngộ và hòa bình. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế, niềm tin ấy lại che lấp đi tiềm năng thực sự của chất thức thần.

Trong cuốn Bức Tranh Toàn Cảnh: Chất Thức Thần Giúp Chúng Ta Hiểu Thế Giới Như Thế Nào, tôi cho rằng: chất thức thần không chỉ làm thay đổi nhận thức cá nhân, mà còn có khả năng biến đổi cả xã hội. Nhưng cái “tiềm năng chuyển hoá” ấy không hề đơn giản hay mơ hồ như cụm từ “nâng cao ý thức”. Nó sâu hơn, phức tạp hơn và thú vị hơn nhiều.

Một trong những điều tôi nhấn mạnh là: quá trình này vốn mang tính phản văn hoá. Dù có bao nhiêu nỗ lực cố gắng “tẩy trắng” chất thức thần – biến chúng thành thứ dễ được y học chấp nhận, phù hợp với giới công nghệ, hay thậm chí các bà mẹ hiện đại – thì bản chất của chúng vẫn luôn là phá vỡ chuẩn mực. Và nếu không làm được điều đó, thì làm sao gọi là chuyển hóa?

Điều này không mang hàm ý chính trị. Nó bắt nguồn từ chính trải nghiệm nội tại mà chất thức thần mang lại. Chúng thay đổi cách ta nhìn bản thân, nhìn người khác và nhìn thế giới. Chúng bóc trần những điều ta từng che giấu, cho ta thấy cái đẹp ẩn trong cái xấu, và ngược lại. Chúng đặt dấu hỏi lớn cho mọi khuôn mẫu mà ta từng tin là bất biến – từ cách trị liệu tâm lý, các chuẩn mực xã hội, đến niềm tin về thế giới này. Nhưng làm sao những thay đổi mang tính cá nhân đó lại có thể dẫn đến chuyển biến mang tính hệ thống?

Để hiểu điều này, ta cần nhìn qua lăng kính khoa học thần kinh. Một trong những cơ chế khiến chất thức thần mạnh mẽ đến vậy là khả năng “phá khung”. Ai trong chúng ta cũng đều có một “khung nhận thức” – một tập hợp những giới hạn vô hình định hình cách ta nhìn bản thân, người khác và thế giới xung quanh. Nhà thần kinh học Mark Lewis cho rằng trầm cảm và nghiện ngập là hệ quả của hiện tượng “thu hẹp qua lại”: khung nhận thức ngày càng bị bóp nhỏ lại, như thể mắc kẹt trong một vòng lặp, khiến ta dần rơi vào một thực tại tăm tối, ngột ngạt.

Nghiên cứu mới về chất thức thần đang dần xác nhận điều này. Robin Carhart-Harris – một trong những nhà khoa học tiên phong – đưa ra giả thuyết rằng chất thức thần có thể mở ra một “cửa sổ dẻo dai thần kinh”, cho phép não bộ thiết lập những kết nối mới. Nhiều nhà nghiên cứu xem chất thức thần như “chất xúc tác kết nối”: chúng giúp các vùng não tưởng chừng không liên quan trò chuyện với nhau,giúp ta kết nối lại với những phần bị lãng quên trong chính mình, với người khác, và với thế giới xung quanh. Nhờ đó, chúng có thể giúp ta thoát khỏi những thói quen hay định kiến tiêu cực, mở ra cơ hội để xây dựng những hành vi, góc nhìn mới. Dĩ nhiên, nếu đi sai hướng, chúng cũng có thể khiến ta mắc kẹt trong một “đường hầm nhận thức” chật hẹp hơn nữa.

Nhà khoa học nhận thức John Vervaeke cho rằng: nếu “thu hẹp qua lại” có thể đẩy con người vào trầm cảm, thì ngược lại, cũng phải tồn tại một dạng “mở rộng qua lại” – nơi khung nhận thức trở nên rộng mở, linh hoạt và đa chiều hơn. Một trải nghiệm chất thức thần lành mạnh chính là ví dụ điển hình cho điều đó. Bản chất của những trải nghiệm này là thách thức các khuôn mẫu cũ kỹ – về văn hoá, chính trị, hệ tư tưởng – vì khi nhận thức mở rộng, những khuôn đó trở nên lỗi thời, chật chội và không còn phù hợp nữa.

Nhưng câu hỏi lớn vẫn còn đó: Làm thế nào để chất thức thần không chỉ thay đổi cách ta nhìn, mà còn thay đổi được cả xã hội?

Từ Làn sóng thứ hai đến Làn sóng thứ ba

Nếu thời kỳ Khai sáng thức thần thật sự muốn tạo ra thay đổi lớn cho thế giới, thì nó không thể chỉ dừng lại ở việc mỗi người “mở rộng nhận thứ”. Nó phải kéo theo một cuộc tái định hình sâu sắc về giá trị sống, về cách vận hành của nền kinh tế – những thứ đang âm thầm dẫn cả nền văn minh nhân loại đến bờ vực.

Thật ra, ý tưởng này chẳng mới mẻ gì. Nó chính là tinh thần cốt lõi của phong trào phản văn hóa từng bùng lên mạnh mẽ trong Làn sóng thứ hai, và âm ỉ suốt những năm mà chất thức thần bị gạt ra ngoài lề xã hội. Khi đó, chất thức thần không phải là “thuốc bổ não” hay công cụ tăng năng suất cho dân công sở. Nó được nhìn nhận như một chất xúc tác cho sự thay đổi – thay đổi văn hóa, thay đổi xã hội, thay đổi cách con người sống cùng nhau.

Nhưng như mọi thứ liên quan tới chất thức thần chẳng có gì đơn giản. Không thể cứ bỏ LSD vào nguồn nước rồi mong cả thế giới tự nhiên “ngộ ra chân lý” và cùng nhau xây dựng thiên đường lý tưởng. Để hiểu rõ điều này, ta hãy tua ngược về 50 năm trước – không phải mùa hè tình yêu, mà là bên vệ đường gần một nhà tù ở California. Tháng 9 năm 1970, một nhóm cách mạng cánh tả là Weather Underground đã tổ chức cho biểu tượng chất thức thần nổi tiếng là Timothy Leary vượt ngục. Ông cùng vợ trốn sang Algeria, được thủ lĩnh Lực lượng Báo Đen Eldridge Cleaver đang lưu vong ở đó cưu mang.

Rồi Cleaver bắt đầu mất kiên nhẫn. Ông viết thư trách nhóm Weather Underground: “Chúng tôi đồng ý tiếp nhận Timothy và Rosemary theo đề nghị của các bạn, như một cách thể hiện tình đoàn kết và sự tôn trọng sâu sắc dành cho phong trào cách mạng tuyệt vời của các bạn. Nhưng giờ thì tôi phải nói thật – có gì đó rất không ổn với bộ não của vợ chồng nhà Leary. Và theo tôi, nguyên nhân là do họ đã ‘trip’ quá nhiều.”

Câu chuyện này phản ánh một mâu thuẫn kéo dài giữa chất thức thần và các phong trào xã hội: Làm sao một người như Cleaver – người đang sống giữa thực tại khốc liệt của nạn phân biệt chủng tộc – có thể chấp nhận ý tưởng rằng chỉ cần “mở rộng ý thức” là mọi vấn đề sẽ được giải quyết? Cái nhìn đó quá hời hợt, quá bay bổng so với những gì đang diễn ra trong đời sống thật.

Nếu Làn sóng thứ hai là lúc xã hội chấp nhận chất thức thần trở lại, nhưng chỉ trong khuôn khổ trị liệu tâm lý, thì Khai sáng thức thần là bước chuyển tiếp theo khi chất thức thần được ứng dụng vào nhiều thực hành khác nhau, kết hợp với nhiều thế giới quan, niềm tin, truyền thống. Ở đây, câu hỏi không còn là “dùng chất gì”, mà là dùng như thế nào – và “cách dùng” mới thật sự tạo nên khác biệt.

Không chỉ là “dùng gì” mà là “dùng như thế nào”

Để hiểu đúng về chất thức thần, ta cần thay đổi góc nhìn: đừng chỉ chăm chăm vào chất đó là gì, mà hãy để ý xem trải nghiệm ấy dẫn dắt ta ra sao. Chất thức thần không chỉ là một chất, mà là một cách suy nghĩ, một kiểu cảm nhận, một phương pháp kết nối những ý tưởng tưởng chừng không liên quan để rồi mở ra những góc nhìn hoàn toàn mới.

Và nếu nhìn rộng ra toàn xã hội, ta có thể nói rằng có một “tư duy thức thần” – một cách tiếp cận mang tính linh hoạt, sáng tạo, chơi đùa với tư tưởng, không bị đóng khung. Điều này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, kinh doanh đến cộng đồng và nghệ thuật.

Tất nhiên, để những phẩm chất đó được phát huy, trải nghiệm cần được chuẩn bị kỹ – từ tâm thế (set), không gian (setting), cho đến cách ta tích hợp nó vào đời sống sau đó. Kỳ vọng, văn hóa, nghi thức, mục đích – tất cả đều ảnh hưởng sâu sắc đến những gì ta trải qua. Vậy nên, muốn nói tới “khai sáng thức thần”, ta không thể chỉ nhìn vào não bộ hay chỉ số mà phải nhìn vào cách con người trải nghiệmhọc hỏi từ đó.

Dù khoa học thường ưu tiên số liệu định lượng, nhưng bản chất trải nghiệm thức thần lại là thứ không thể đo đếm đơn giản: đó là hành trình khám phá bản thân nơi ta đối diện với nỗi đau, nhận ra những vòng lặp trong tâm trí, và dần dần chữa lành. Chữa lành bằng chất thức thần không phải là phép màu, mà là một quá trình đòi hỏi sự chủ động, chấp nhận buông bỏ, và một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng thay đổi của chính mình.

Và chính trong trải nghiệm ấy ta thấy mới được sức mạnh thật sự của Khai sáng thức thần. Để hiểu rõ hơn, ta cần quay về một câu hỏi nền tảng: Con người thật sự suy nghĩ và hành động như thế nào?

Khoa học nhận thức 4E

Theo lý thuyết 4E trong khoa học nhận thức, tư duy của con người không tồn tại độc lập trong não bộ, mà còn là sự tổng hòa của 4 yếu tố: thể chất (embodied), môi trường (embedded), hành động (enacted), và mở rộng (extended).

  • Thể hiện qua cơ thể (Embodied): Cách ta cảm nhận thế giới phụ thuộc vào cơ thể ta – từng chuyển động, hơi thở, cảm giác ở lòng bàn chân cũng góp phần định hình nhận thức.
  • Gắn với môi trường (Embedded): Suy nghĩ không thể tách rời khỏi bối cảnh sống. Cá voi sinh ra để sống ở đại dương, không phải trôi lơ lửng giữa bầu trời.
  • Được mở rộng (Extended): Không ai một mình tạo ra được chiếc điện thoại bạn đang dùng. Nó là kết quả của hàng nghìn bộ óc cùng hợp tác. Tư duy cũng vậy – luôn được mở rộng qua cộng đồng.
  • Sinh ra từ hành động (Enacted): Mọi suy nghĩ, cảm xúc đều được hình thành qua hành động. Cách ta sống, làm việc, tương tác đều phản chiếu lại và ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ.

Nhà nghiên cứu John Vervaeke còn bổ sung hai yếu tố nữa: Cảm xúc (Emotion)Sự thích nghi mở rộng (Exaptation) – tức là khả năng một đặc điểm ban đầu có chức năng A, nhưng sau này lại “được dùng” cho chức năng B. Như lưỡi dùng để ăn, nhưng rồi lại dùng để nói. Hay lông chim vốn để bay, nhưng rồi được tận dụng để… tán tỉnh bạn tình.

Vervaeke cho rằng đây là cốt lõi của cách con người tư duy. Chúng ta dùng cùng một hệ thống não bộ cho việc định hướng trong không gian và xử lý khái niệm trừu tượng. Khi ta nói “tôi đang tiến tới một ý tưởng”, “tôi lùi lại để nhìn vấn đề từ xa”, hay “tôi bị mắc kẹt trong suy nghĩ” – ta đang mượn chính ngôn ngữ không gian để diễn tả cách suy nghĩ.

Một người tập Thái Cực Quyền sẽ học được cách giữ thăng bằng  không chỉ cho cơ thể, mà cả trong mối quan hệ và cảm xúc. Một vũ công salsa có thể mang nhịp điệu, sự mềm mại và phối hợp ấy vào cách nuôi dạy con. Người từng đi trên than hồng sẽ hiểu cách “tiến bước” trong đời sống – nhẹ nhàng mà dứt khoát. Và tương tự, trải nghiệm thức thần – nếu đi đúng cách – có thể được áp dụng vào mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày.

Thế nên, điều cốt lõi không phải là “nội dung” của trải nghiệm chất thức thần, mà là trải nghiệm ấy dạy ta cách sống như thế nào: dám đi vào bên trong, dám nhìn vào nỗi đau, dám cảm những gì từng né tránh, thành thật với chính mình, yêu thương sâu sắc, và trân trọng thế giới quanh ta như thể lần đầu tiên được thấy nó. Đó là những điều xã hội hôm nay đang rất cần.

Nối lại những sợi dây

Bài học rút ra từ Làn sóng thứ hai không phải là chất thức thần bắt buộc phải nằm trong tay giới y học mới an toàn và hiệu quả. Điều quan trọng hơn cả: đây là những chất mạnh mẽ, phức tạp và cách tiếp cận chúng cũng cần phải tinh tế không kém – một sự hòa quyện giữa thực hành, lý thuyết và cả biểu hiện văn hóa. Chất thức thần không phải liều thuốc thần kỳ. Nhưng nếu ta biết đưa những gì trải nghiệm được vào cuộc sống hằng ngày, ta có thể tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề chung, cải tạo những hệ thống đã mục ruỗng và vun đắp những cộng đồng có ý nghĩa hơn.

Ví dụ, trong The Bigger Picture, tôi đào sâu cách chất thức thần có thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn về internet và trí tuệ nhân tạo.

Internet thực chất là một không gian rất “thức thần” nơi mọi ranh giới bị xóa nhòa, cảm xúc và biểu tượng bị khuếch đại đến phi lý. Và khi AI phát triển, đặc biệt là những mô hình ngôn ngữ, chúng ta đang chứng kiến những “cuộc gặp gỡ thực thể kỳ dị” trong một thế giới thay thế, ngày càng xa rời hiện thực.

Điều này có nghĩa: những kỹ năng từng cần thiết với các pháp sư từ 10.000 năm trước – sự tỉnh táo, nhạy cảm, lòng tò mò – giờ cũng cần thiết trong thế giới số. Cuộc Khai Sáng thực sự đã đưa nhân loại đến một mô hình khoa học xem tự nhiên như vật thể chết. Nhưng Khai Sáng Psychedelic, như Terence McKenna từng gọi là Archaic Revival – sự phục hưng cổ đại – có thể đưa phép màu trở lại thế giới, thay vì bị đánh mất bởi chủ nghĩa duy lý đơn giản hóa.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những kỹ năng như phân biệt tinh tế, sự tò mò và nhạy cảm – những gì mà các pháp sư cổ đại từng dùng để kết nối với thế giới linh hồn – giờ lại cần thiết cho cuộc sống số của chúng ta. Thời Khai sáng trước đây từng khiến con người nhìn tự nhiên như một cỗ máy vô tri. Nhưng biết đâu, Khai sáng thức thần lại mở ra một làn sóng hồi sinh cổ xưa như Terence McKenna từng gọi Archaic Revival có thể đưa phép màu trở lại thế giới, thay vì bị đánh mất bởi chủ nghĩa duy lý đơn giản hóa.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins chỉ ra rằng chất thức thần có thể khiến con người cảm nhận rõ hơn rằng thế giới tự nhiên, thậm chí cả những vật vô tri, cũng mang một loại ý thức nào đó. Và nếu chất thức thần được chấp nhận rộng rãi hơn, rất có thể chúng sẽ giúp chúng ta thoát khỏi niềm tin cổ hủ rằng vũ trụ chỉ là một bộ máy vô hồn, để rồi hướng tới một thế giới quan gắn kết, toàn diện và đầy tính con người hơn.

Muốn điều đó thành hiện thực, chúng ta cần rất nhiều trí tưởng tượng, sự kiên nhẫn và cùng nhau hợp lực. Cần đưa tinh thần thức thần vào các thể chế, chính sách, và thổi vào hệ thống xã hội những giá trị mới mẻ. Không có đường tắt. Không thể né tránh những va chạm, mâu thuẫn và sự phức tạp trong quá trình thay đổi.

Thời Phục hưng thức thần là kỷ nguyên của những người tiên phong. Còn Khai sáng thức thần là thời đại của những người dám nghĩ, dám làm và dám thách thức. Đó chính là tinh thần cốt lõi của tầm nhìn thức thần cho tương lai: dám nói sự thật, dám đảo ngược lối mòn, dám đối diện cái cũ kỹ và tái sinh nó bằng sự tiến hóa. Chất thức thần dạy nhiều người trong chúng ta sống lại cảm giác ngỡ ngàng, hoang sơ, tưởng chừng đã mất khỏi thế giới này. Dù là trong phòng trị liệu, trong một nghi lễ, giữa rừng sâu hay ở chính phòng họp – đó chính là điều kỳ diệu mà những phân tử này mang lại.

Chúng đang gọi ta. Việc còn lại là ta có dám trả lời không.

1cm2 tổng hợp

Water Erowid

Dissolving boundaries in tides of wonder.